Luyện viết đoạn văn tự sự

Luyện viết đoạn văn tự sự

LUYỆN TẬP VIẾT ĐOẠN VĂN TỰ SỰ

I. Đoạn văn trong văn bản tự sự

Có ba đặc điểm:

1. Đoạn văn là một bộ phận của văn bản. Trong văn bản tự sự, mỗi đoạn văn thường có câu nêu ý khái quát thường gọi là câu chủ đề. Các câu khác diễn đạt ý cụ thể, nhằm giải thích, thuyết minh, mở rộng... cho câu chủ đề

2. Mỗi văn bản tự sự thường gồm nhiều đoạn văn với những nhiệm vụ khác nhau:

- Đoạn của phần mở bài có nhiệm vụ giới thiệu câu chuyện

- Các đoạn thân bài kể diễn biến của các sự việc, chi tiết

- Đoạn kết bài có nhiệm vụ kết thúc câu chuyện, tạo ấn tượng mạnh mẽ tới suy nghĩ, cảm xúc của người đọc

3. Nội dung của mỗi đoạn văn tuy khác nhau, nhưng đều có chung nhiệm vụ là thể hiện chủ đề và ý nghĩa của văn bản

II. Cách viết đoạn văn trong bài văn tự sự

1. Đoạn trích Rừng xà nu ( Nguyên Ngọc )

- Đã thể hiện đúng và rõ những dự kiến của tác giả

- Nội dung của đoạn mở đầu và kết thúc :

+ Giống nhau : Cả hai đoạn đều tả cảnh rừng xà nu và đều tập trung làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. Có người nhận xét đây là cách kết cấu vòng tròn- mở, kết hô ứng- vừa có tác dụng bảo đảm tính chặt chẽ của bố cục vừa góp phần thể hiện chủ đề, gợi mở suy nghĩ, cảm xúc của người đọc.

+ Khác nhau : Các đoạn mở đầu tác phẩm miêu tả cảnh rừng xà nu cụ thể, chi tiết và "hết sức tạo hình", nhằm tạo không khí để mở đầu câu chuyện và lôi cuốn người đọc. Đoạn kết thúc tác phẩm miêu tả cảnh rừng xà nu xa mờ dần và bất tận làm đọng lại trong lòng người đọc những suy ngẫm lắng sâu về sự bất diệt của rừng cây, của vùng đất, của sức sống con người...

- Có thể rút ra:

+ Trước khi viết hoặc kể chuyện cần suy nghĩ, dự kiến đoạn văn mở bài và đoạn văn kết bài để bài văn vừa chặt chẽ vừa có sức lôi cuốn, hấp dẫn người đọc

+ ở mỗi sự việc cần phác thảo những chi tiết. Mỗi chi tiết cần miêu tả nét chính, đặc sắc, gây ấn tượng. Đặc biệt có sự việc, chi tiết phải được thể hiện rõ chủ đề

+ Cố gắng thể hiện mở đầu, kết thúc có chung một giọng điệu, cách kể sự việc

2. Đoạn văn hậu thân của chị Dậu

- Có thể coi là một đoạn văn trong văn bản tự sự. Đoạn này thuộc phần thân bài- phần phát triển- của "truyện ngắn" mà bạn HS định viết. Người viết đã kể một sự việc quan trọng là" chị Dậu về làng vào thời điểm Cách mạng tháng Tám nổ ra". Sự việc trên được kể sau phần mở đầu truyện để dẫn nhập các đoạn tiếp sau theo đúng cốt truyện mà bạn HS đã dự kiến và lập dàn ý

- Bạn đã thành công khi kể lại câu chuyện nhưng còn lúng túng ở những đoạn tả cảnh và thể hiện tam trạng của chị Dậu

3. Cách viết đoạn văn trong bài văn tự sự

- Để viết đoạn văn tự sự, cần hình dung sự việc xảy ra như thế nào rồi lần lượt kể lại diễn biến của nó; chú ý sử dụng các phương tiện liên kết câu để đoạn văn được mạch lạc, chặt chẽ.