Ca dao hài hước

Ca dao hài hước

CA DAO HÀI HƯỚC

1. Bài 1

- Đây là lời đối đáp vui đùa thường thấy trong ca dao. Nó đem đến cho người đọc, người nghe một tiếng cười mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

- Trong cuộc sống xưa trai gái lấy nhau, hai gia đình ưng thuận thường có chuyện thách cưới và dẫn cưới. Nhưng trong bài ca có gì không bình thường.

- Dẫn cưới:

Cưới nàng anh toan dẫn voi...mời dân, mời làng

Cách nói giả định: toan dẫn voi, dẫn trâu, dẫn bò.

Toàn thứ to và sang! Nhưng sau đó chàng trai đưa ra lí do không thể thực hiện được sự toan ấy:

+ Dẫn voi thì sợ quốc cấm- nhà nước cấm dùng, cấm mua, bán

+ Dẫn trâu thì sợ họ nhà gái máu hàn ăn vào bị đau bụng

+ Dẫn bò thì sợ nhà gái co gân.

Lí do ấy chắc hẳn bên gái chẳng nói vào đâu được! Thế thì dẫn bằng thứ gì đây? Tiếng cười bật ra ở hai câu cuối:

Miễn là có thú bốn chân

Dẫn con chuột béo mời dân, mời làng

Dẫn cưới bằng chuột xưa nay chưa hề có.

Rõ ràng nói nghèo mà không hề mặc cảm. Đám cưới nghèo đến vậy mà vẫn vui, vẫn có thể đùa cợt được. Như vậy có thể thấy trong nghèo khó họ vẫn lạc quan yêu đời, yêu sống

- Thách cưới

Nhà gái khi gả chồng cho con thường thách cưới, có thể là lễ vật, có thể là tiền, cũng có thể cả hai. Bởi nhà gái nuôi con chỉ có giá lúc gả chồng mà thôi, hơn nữa theo quan niệm xưa thách cưới còn để khẳng định giá trị của người con gái. Thường thì nhà gái hay thách cao.

Trong bài ca, cô gái đã thách: Một nhà khoai lang

Thách như thế thật là không bình thường! Một lời thách thật vô tư, thanh thản mà lạc quan, yêu đời pha chút đùa vui, hóm hỉnh. Có thể nói cô gái rất hiểu hoàn cảnh của chàng trai. Nhà anh nghèo, nhà em cũng nghèo, cốt ở tấm lòng. Như vậy nó còn mang ý nghĩa nhân sinh: đặt tình nghĩa cao hơn của cải

- Lối nói khoa trương, phóng đại: dẫn voi, dẫn trâu, dẫn bò ( đây là lối nói thường gặp trong ca dao, đặc biệt là trong sự tưởng tượng của các chàng trai đang yêu về một lễ cưới linh đình, sang trọng )

- Lối nói giảm dần: voi--trâu--bò--chuột ( chàng trai )

                               củ to-- củ nhỏ--củ mẻ--củ rím, củ ( cô gái )

- Cách nói đối lập:

+ dẫn voi / sợ quốc cấm

+ dẫn trâu / sợ họ nhà gái máu hàn

+ dẫn bò / sợ họ nhà gái co gân

+ lợn gà / khoai lang

- Chi tiết hài hước:

Miễn là có thú bốn chân

Dẫn con chuột béo mời dân, mời làng

2. Bài 2-3-4

- Đây là tiếng cười châm biếm, phê phán xã hội, nhưng không phải là tiếng cười đả kích giai cấp thống trị, cũng không phải tiếng cười lên án nhũng ông thầy phù thuỷ, thầy bói...mà là tiếng cười phê phán trong nội bộ nhân dân nhằm nhắc nhở nhau tránh những thói hư, tật xấu mà con người thường mắc phải.

- Bài 2 và 3 chế giễu loại đàn ông lười nhác:

+ Loại đàn ông yếu đuối, không đáng sức trai, không đáng mặt trai. Bài ca đã dựng nên một bức tranh thật hài hước;

                  Làm trai cho đáng sức trai

        Khom lưng chống gối, gánh hai hạt vừng

Câu lục đối lập với câu bát cùng nghệ thuật phóng đại đã bật ra tiếng cười. Trong cuộc sống có thể có những chàng trai yếu, nhưng không ai lại yếu đến mức chỉ gánh nổi hai hạt vừng, hơn nữa phải khom lưng, chống gối !

+ Loại đàn ông lười nhác không có chí lớn. Hình ảnh đức ông chồng hiện lên thật thảm hại:

                  Chồng người đi ngược về xuôi

     Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo

Nghệ thuật đối lập đã làm rõ sự thảm hại của ông chồng. Tác giả dân gian đã tóm đúng thần thái nhân vật trong một chi tiết thật đắt, lại có giá trị khái quát cao cho một loại đàn ông èo uột, lười nhác, ăn bám vợ, suốt ngày ru rú ở xó bếp chỉ để sờ đuôi con mèo ! Chi tiết này còn mang ý nghĩa : anh ta có khác gì con mèo, chỉ quanh quẩn xó bếp. Thực là loại đàn ông vô tích sự, không đáng mặt nam nhi.

- Bài 4 chế giễu loại phụ nữ vô duyên. Những câu ca chỉ đọc lên đã thấy buồn cười vì nghệ thuật phóng đại tài tình với trí tưởng tượng phong phú của người bình dân. Trên đời làm gì có người phụ nữ nào như vậy:

Lỗ mũi mười tám gánh lông; Trên đầu những rác cùng rơm

Mặt khác còn cười những anh chồng coi cái gì ở vợ mình cũng nhất, cũng đẹp, cũng đáng yêu. Đồng thời nhắc nhở người phụ nữ phải biết điều chỉnh mình trong cuộc sống.

- Hư cấu, dựng cảnh tài tình, khác hoạ nhân vật bằng những nét điển hình với những chi tiết có giá trị khái quát cao.

- Cường điệu phóng đại trong tương phản đối lập.

- Dùng ngôn ngữ đời thường mà hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Gợi ý:

- Làm trai cho đáng nên trai

ăn cơm với vợ lại nài vét niêu.

- Làm trai cho đáng nên trai

Vót đũa cho dài ăn vụng cơm con.

- Chồng người đánh Bắc dẹp Đông

Chồng em ngồi bếp giương cung bắn mèo

- Chồng người bể Sở sông Ngô

Chồng em ngồi bếp rang ngô cháy quần.

- Hòn đất mà biết nói năng

Thì thầy địa lí hàm răng chẳng còn

- Thầy đi xem bói cho người

Số thầy thì để cho ruồi nó bâu...