Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý

Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý

     Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý

 1/ Tìm hiểu đề và lập dàn ý:

              Đề bài: Anh ( chị) hãy trả lời câu hỏi sau của nhà thơ Tố Hữu:

                      “ Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn?”  ( Một khúc ca)

         Gợi ý thảo luận:

             a/ Tìm hiểu đề:

        + Câu thơ của Tố Hữu viết dưới dạng câu hỏi, nêu vấn đề “ sống đẹp” trong đời sống của mỗi người. Đây là vấn đề cơ bản mà mỗi người muốn xứng đáng là “ con người” cần nhận thức đúng và rèn luyện tích cực

        + Để sống đẹp, mỗi người cần xác định: lí tưởng( mục đích sống) đúng đắn, cao đẹp; tâm hồn, tình cảm lành mạnh, nhân hậu; trí tuệ( kiến thức) mỗi ngày thêm mở rộng, sáng suốt; hành động tích cực, lương thiện -> Như vậy, bài làm có thể hình thành 4 nội dung

        + Có thể sử dụng các thao tác lập luận như: giải thích( sống đẹp), phân tích( các khía cạnh biểu hiện của sống đẹp); chứng minh, bình luận( nêu những tấm gương người tốt, bàn cách thức rèn luyện để sống đẹp; phê phán lối sống ích kỉ, vô trách nhiệm, thiếu ý chí, thiếu nghị lực…)

         + Dẫn chứng chủ yếu dùng tư liệu thực tế, có thể lấy dẫn chứng thơ văn nhưng không cần nhiều

            b/ Lập dàn ý:

       Mở bài:  Một nhà văn Liên xô đã từng nói: “ Cái quí nhất của con người là cuộc sống”. Con người sinh ra luôn băn khoăn đi tìm lẽ sống, sống như thế nào cho tốt đẹp, hữu ích? Trong bài thơ “ Một khúc ca”, nhà thơ Tố Hữu từng đặt ra câu hỏi cho tất cả chúng ta “ Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn?

      Thân bài:  Sống đẹp là sống có mục đích, lí tưởng, có tâm hồn, tình cảm lành mạnh, nhân hậu, có trí tuệ ngày càng mở rộng, sáng suốt, có hành động tích cực, lương thiện…

        “ Sống đẹp” trước hết là sống có mục đích, lí tưởng đúng đắn, cao đẹp. Thật buồn chán biết bao khi khi chúng ta sống không mục đích, sống qua ngày đoạn tháng, sống ngày nào biết  ngày ấy. Sống có mục đích giúp chúng ta hướng đến một tương lai tươi sáng. Sống vì điều gì, vì ai, cuộc sống của ta ngày mai sẽ tốt đẹp hơn hôm nay đó là điều tâm niệm thường xuyên của mỗi người. Lẽ sống tốt đẹp là sống có ích, có trách nhiệm với cuộc đời, biết đấu tranh chống áp bức bất công vì công bằng xã hội, như các chiến sĩ cách mạng dám hi sinh thân mình cho hạnh phúc của nhân dân, đất nước. Nhà văn N. Ô xtơ rôpxki đã viết: “ Cái quí nhất của con người là cuộc sống. Mỗi người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện, đớn hèn, để khi nhắm mắt xuôi tay ta phải tự hào vì tất cả đời ta, tất cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao quí nhất: sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

       Để sống đẹp, con người cần có tâm hồn, tình cảm lành mạnh, nhân hậu. Không chỉ sống vì mình, cho mình mà cần biết sống vì mọi người, trước hết là những người thân yêu như bố mẹ, anh em, vợ con, bè bạn… Con người cần có trái tim yêu thương “ thương người như thể thương thân”, biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với đồng loại. Tiêu biểu là tấm gương những em thiếu nhi cõng bạn tàn tật tới trường, những doanh nhân thành đạt bỏ hàng tỉ đồng để làm việc thiện giúp người nghèo. Là anh Nguyễn Hữu Ân ngủ ở gầm giường bệnh viện, vừa chăm sóc hai bà mẹ ung thư, vừa học đại học. Và quanh ta còn biết bao người sống đẹp, với những nghĩa cử đời thường khi biết hi sinh cho người khác.

       Để sống đẹp, con người trong thời đại hôm nay còn cần có trí tuệ, có kiến thức mỗi ngày thêm mở rộng sáng suốt. Sống trong thời đại của nền kinh tế tri thức, hội nhập toàn cầu hoá, thời đại bùng nổ thông tin, con người phải có tri thức, phải học tập suốt đời: học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tự khẳng định mình. Con người mới không có tri thức, không có văn hoá sẽ nhanh chóng bị tụt hậu. Thật đáng phê phán những thanh thiếu niên trong cuộc sống hiện nay sa đà vào chuyện ăn chơi, bỏ bê học hành, lẽ sống của họ chỉ là  xin tiền bố mẹ đi chơi game, chát chít, đàn đúm với bạn bè, la cà nhậu nhẹt… họ đang giết thời gian, giết chết tuổi trẻ vào những việc hưởng thụ ích kỉ mà chắc chắn khi quay đầu nhìn lại họ sẽ hối hận nuối tiếc… Nhưng bên cạnh đó  biết bao bạn trẻ của chúng ta có ý thức quyết tâm học tập để thành tài, học vì ngày mai lập nghiệp, có những tiến sĩ ở độ tuổi 27,28; có nhiều bạn trẻ đỗ đầu ở các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài, nhiều học sinh giành huy chương ở các kì thi học sinh giỏi quốc tế…

      Để sống đẹp, mỗi người chúng ta còn cần phải hành động tích cực, lương thiện. Con người không chỉ có tư tưởng đúng, tình cảm đẹp mà cần phải được thử thách bằng trải nghiệm thực tế qua việc làm, hành động tích cực để đạt hiệu quả thiết thực cho cuộc sống của cá nhân, gia đình và xã hội. Qua lao động, bằng những hành động tích cực chúng ta góp phần làm cho cuộc sống được cải thiện mỗi ngày một tốt đẹp hơn, phấn đấu cho cuộc sống của ta giàu có cả về tinh thần và vật chất. Chúng ta không thể duy ý chí cho rằng mình chỉ cần giàu có về tinh thần, tình cảm, văn hoá mà có thể nghèo về vật chất. Cuộc sống chỉ tốt đẹp khi có sự hài hoà giữa tinh thần và của cải,  con người cần hành động tích cực, lương thiện để đạt được sự hài hoà đó. Cần phải biết sống nghèo hèn là sống nhục để vươn lên hành động tích cực cho cuộc sống tốt đẹp, phồn vinh.

       Kết luận: Tóm lại, thanh niên học sinh chúng ta muốn trở thành người sống đẹp cần thường xuyên học tập và rèn luyện để từng bước hoàn thiện nhân cách. Chúng ta không chỉ sống đẹp cho bản thân mà sống đẹp cho mọi người, như nhà thơ Tố Hữu đã nói:

                                      “ Đã là con chim chiếc lá

                                      Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

                                       Lẽ nào vay mà không có trả

                                       Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”

2. Cách làm một bài văn về tư tưởng, đạo lý:

·      Khái niệm:

Là quá trình kết hợp các thao tác nghị luận để là rõ vấn đề về tư tưởng, đạo lý trong cuộc sống

·      Đề tài nghị luận:

- Nhận thức (lý tưởng, mục đích).

- Tâm hồn, tính cách (Lòng yêu nước, nhân ái, bao dung, độ lượng, thói ích kỷ, ba hoa, vụ lợi…. )

- Quan hệ gia đình (tình mẫu tử, tình anh em…. )

- Quan hệ xã hội (Tình đồng chí, đồng bào, tình bạn bè…. )

- Cách ứng xử, hành động trong cuộc sống…

·      Bố cục: Ba phần

Các bước tiến hành ở thân bài:

- Giải thích khái niệm của đề bài

- Giải thích và chứng minh vấn đề đặt ra

- Phân tích những mặt đúng, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề

- Nêu ý nghĩa của vấn đề và rút ra bài học bản thân

·      Diễn đạt:

- Chuẩn xác, mạch lạc

- Có thể sử dụng phép tu từ, biểu cảm nhưng phải ở mức độ phù hợp