Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu

Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu

CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA

I/ Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

        + Nguyễn Minh Châu ( 1930 - 1989), quê ở Nghệ An thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Ông được coi là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Năm 2000 ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

       + Tác phẩm chính: Những vùng trời khác nhau( 1970), Dấu chân người lính( 1972), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành(1983), Bến quê(1985), Chiếc thuyền ngoài xa( 1987), Cỏ lau( 1989)

       + Truỵện ngắn chiếc thuyền ngoài xa in đậm phong cách tự sự - triết lí của NMC. Truyện kể lại chuyến đi thực tế của một nghệ sĩ nhiếp ảnh và những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về nghệ thuật và cuộc đời

II/ Đọc văn:

1/ Phát hiện thứ nhất đầy thơ mộng của người nghệ sĩ nhiếp ảnh - Bức tranh nghệ thuật về " chiếc thuyền ngoài xa":

      + Để có thể xuất bản một bộ lịch nghệ thuật về thuyền và biển thật ưng ý, trưởng phòng đề nghị nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đi thực tế chụp bổ sung một bức ảnh với cảnh biển buổi sáng có sương mù. Phùng đi tới một vùng biển từng là chiến trường cũ của anh thời kháng chiến chống Mĩ. Phùng đã " phục kích" mấy buổi sáng mà chưa chụp được bức ảnh nào.

      + Rồi đôi mắt nhà nghề của người nghệ sĩ đã phát hiện ra một vẻ đẹp " trời cho" trên mặt biển mờ sương, vẻ đẹp mà cả đời bấm máy hiếm khi gặp " Trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu sương mù màu trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào... toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hoà và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối... tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn" => người nghệ sĩ cảm thấy hạnh phúc, đó là niềm hạnh phúc của khám phá và sáng tạo. Trong hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa giữa biển trời mờ sương, anh đã cảm nhận cái đẹp lãng mạn của cuộc đời, thấy tâm hồn mình được thanh lọc

2/ Phát hiện thứ hai đầy nghịch lí  - bức tranh hiện thực cuộc sống:

       + Người nghệ sĩ tận mắt chứng kiến từ trong chiếc thuyền đẹp như trong mơ bước ra một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi và cam chịu, một lão đàn ông thô kệch, dữ dằn, độc ác, coi việc đánh vợ như một phương cách để giải toả những uất ức khổ đau... Đây là hình ảnh đằng sau cái đẹp toàn bích mà anh vừa bắt gặp trên biển. Nó hiện ra bất ngờ, trớ trêu như trò đùa quái ác của cuộc sống.

       + Chứng kiến cảnh người đàn ông đánh vợ một cách thô bạo, Phùng " vứt chiếc máy ảnh xuống đất, chạy nhào tới " nhưng thằng Phác đã kịp xông ra cứu mẹ. Đến lần thứ hai chứng kiến cảnh đó, Phùng mới thể hiện bản chất người lính là không thể làm ngơ trước cái ác, anh bị lão đàn ông đánh bị thương, anh được đưa về trạm y tế của toà án huyện

3/ Câu chuyện của người đàn bà ở toà án huyện:

        + Câu chuyện về sự thật cuộc đời: Đó là người đàn bà quá nhẫn nhục, cam chịu, bị chồng thường xuyên hành hạ, đánh đập" ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng" vậy mà nhất quyết không chịu bỏ chồng

        + Nguồn gốc của sự chịu đựng,hi sinh của bà là tình thương vô bờ đối với đàn con " đám đàn bà ở thuyền chúng tôi cần có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa... phải sống cho con chứ không thể sống cho mình..."

       + Trong đau khổ triền miên, người đàn bà ấy vẫn chắt lọc được những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi " Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi được ăn no... trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hoà thuận, vui vẻ..."

       + Qua câu chuyện của người đàn bà, tác giả cho thấy: không thể đơn giản trong việc nhìn nhận mọi sự vật, hiện tượng của đời sống; phải có một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng

4/ Các nhân vật trong truyện:

    a/ Người đàn bà vùng biển:

       + Ngườiđàn bà không có tên tuổi cụ thể, một người đàn bà vô danh như biết bao người đàn bà vùng biển khác: khoảng ngoài 40 tuổi, thô kệch, rỗ mặt, lúc nào cũng xuất hiện với " khuôn mặt mệt mỏi", gợi ấn tượng về một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ

       + Bà thầm lặng chịu đựng mọi  đớn đau khi bị chồng đánh " không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn", bà van lạy toà án đừng bắt bà bỏ chồng vì bà cần một chỗ dựa để nuôi nấng, chăm sóc đàn con-> sự hi sinh, cam chịu nhẫn nhục đáng được cảm thông, chia sẻ -> phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha, giàu đức hi sinh

     b/ Người đàn ông độc ác:

       + Cuộc sống đói nghèo, vất vả đã biến"anh con trai cục tính nhưng hiền lành" xưa kia thành người chồng vũ phu, độc ác. Lão đánh vợ để giải toả uất ức, để trút nỗi tức tối, buồn phiền.

       + Lão đàn ông " mái tóc tổ quạ... chân chữ bát... hai con mắt đầy vẻ độc dữ vừa là nạn nhân của cuộc sống khốn khổ, vừa là thủ phạm gây nên bao đau khổ cho người thân của mình

      c/ Chị em thằng Phác:

       + Thằng Phác thương mẹ theo kiểu của một đứa con trai vùng biển, nó giằng chiếc thắt lưng từ tay cha để bảo vệ mẹ, nó " lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ, như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt", nó dại dột chuẩn bị một chiếc dao găm làm vũ khí chống lại người cha độc ác, nó tuyên bố với các bác ở xưởng đóng thuyền rằng nó còn có mặt ở dưới biển này thì mẹ nó không bị đánh...

       + Chị thằng Phác thương mẹ một cách chín chắn hơn khi ngăn cản thằng em làm việc dại dột, khi cùng mẹ đến toà án huyện, nhưng trong lòng cô bé tan nát vì sự điên cuồng của người cha, sự cam chịu của  mẹ...

         d/ Người nghệ sĩ nhiếp ảnh:

       Là một người lính đã từng vào sinh ra tử, Phùng yêu quý vẻ đẹp của cuộc sống, anh xúc động ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của thuyền biển lúc bình minh. Anh căm ghét sự độc ác, bất công trong hành động của người đàn ông đánh vợ, anh kinh ngạc, rồi như một phản xạ tự nhiên anh " vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới". Anh đã bảo vệ người đàn bà khi chứng kiến cảnh chị bị chồng đánh lần thứ hai. Hành động ấy đầy ý nghĩa:  đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời, bởi lẽ nghệ thuật chân chính luôn là cuộc đời và vì cuộc đời. Trước khi là một nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp, hãy là một con người biết yêu ghét, vui buồn trước mọi lẽ đời, biết hành động vì lẽ phải, xứng đáng với một con người.

5/ Nghệ thuật:

       a/ Cách xây dựng truyện:

       + Tình huống truyện độc đáo qua hai bức tranh nổi bật: bức tranh thơ mộng của cảnh thuyền và biển lúc bình minh khiến người nghệ sĩ rung động say mê, tâm hồn được thăng hoa như cảm nhận cái đẹp hoàn hảo của cuộc sống - Bức tranh hiện thực cuộc sống của gia đình ngư dân trên chính con thuyền đó: sự độc ác của người chồng, vẻ nhẫn nhục chịu đựng của người vợ và phản ứng của những đứa trẻ đáng thương. Hành động bảo vệ công lí của người nghệ sĩ và người bạn của anh làm ở toà án huyện( Đẩu)...

      + Ý nghĩa của tình huống truyện:

            -  Khoảng cách giữa bức tranh nghệ thuật và bức tranh hiện thực cuộc sống, người nghệ sĩ cần phải có một cách nhìn đa diện, nhiều chiều để phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.

            - Đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời, bởi lẽ nghệ thuật chân chính luôn vì cuộc đời. Trước khi là một nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp, hãy là một con người biết yêu ghét, vui buồn với mọi cảnh đời ngang trái, biết hành động xứng đáng với một con người.

     b/ Ngôn ngữ:

       + Ngôn ngữ người kể chuyện: tác giả hoá thân vào nhân vật Phùng tạo ra một điểm nhìn trần thuật sắc sảo, tăng tính khách quan, chân thật, thuyết phục của câu chuyện

      + Ngôn ngữ nhân vật phù hợp với đặc điểm tính cách của từng người: giọng điệu lão đàn ông thô bỉ, tàn nhẫn, lời của người đàn bà dịu dàng và xót xa khi nói với con, đau đớn và thấu hiểu lẽ đời khi nói về thân phận mình, lời của nhân vật Đẩu thể hiện một người tốt bụng, chân thành...