TỰ TÌNH

TỰ TÌNH

A. TÌM HIỂU CHUNG:

I. TÁC GIẢ:

- HỒ XUÂN HƯƠNG (? - ?), Quê làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. HỒ XUÂN HƯƠNG chủ yếu sống ở Kinh thành Thăng Long

- Cuộc đời nữ sĩ: long đong, lận đận, nhất là đường tình duyên.

- Thơ HỒ XUÂN HƯƠNG bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm, trào phúng nhưng đậm chất trữ tình; là tiếng nói đồng cảm và bênh vực đối với phụ nữ

II. XUẤT XỨ:

 “Tự tình” (II) nằm trong chùm thơ “Tự tình” gồm 3 bài của HỒ XUÂN HƯƠNG, tập trung thể hiện sự cảm thức về thời gian và tâm trạng buồn tủi, phẫn uất trước duyên phận éo le và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của nhà thơ.

III. THỂ LOẠI:

Thất ngôn bát cú Đường luật

B. TÌM HIỂU VĂN BẢN:

1. Hai câu đề

                   “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

                    Trơ cái hồng nhan với nước non”

- Thời gian: “Đêm  khuya” => Vừa là khoảng thời gian con người đối diện với mình trong những suy tư, trăn trở vừa gợi ra một không gian vắng lặng, yên tĩnh

- Âm thanh: “Trống canh dồn – văng vẳng”

+ Không gian vắng lặng, quạnh hiu (Tiếng trống canh như nhắc nhở một cách quái ác thời gian như cứ dồn đuổi nhau trôi đi, trôi đi một cách uổng phí và vô nghĩa lí trên thân phận trớ trêu của người đàn bà vẫn khát khao hạnh phúc mà phải chịu cảnh chăn đơn, gối chiếc…)

+  Nhân vật trữ tình cảm nhận được bước đi hối hả, gấp gáp của thời gian của nhịp trống canh giục giã, thôi thúc

=> Hình ảnh một người phụ nữ cô đơn, lẻ loi trong một tâm trạng rối bời, lo âu, buồn bã ý thức sâu sắc sự chảy trôi của thời gian, đời người…

- “Trơ” (phơi ra, bày ra), “cái hồng nhan” (kiếp hồng nhan phận hẩm duyên ôi),  “với nước non” (cuộc đời, không gian mênh mông)

+ Động từ “Trơ” vừa diễn tả sự trơ trọi, lẻ bóng vừa là sự bẽ bàng, tủi hổ

+ Thủ pháp đối : “cái hồng nhan” >< “nước non” tô đậm cảm giác đơn côi, trống vắng.

+ Thủ pháp đảo và nhịp điệu 1/3/3 của câu thơ càng nhấn mạnh vào sự bẽ bàng của duyên phận.

=> Nỗi xót xa, cay đắng, đau đớn của nhà thơ trước tình cảnh của chính mình.

2. Hai câu thực:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

         Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

- Rượu không vơi cạn nỗi niềm mà khiến nỗi niểm trở nên thấm thía, đau xót hơn bởi “say lại tỉnh”, chữ “lại” gợi lên cái vòng luẩn quẩn, trở đi trở lại trong bế tắc, xót xa, chán nản, thất vọng…

- Thi sĩ tìm đến với trăng nhưng trăng lại trở thành hình ảnh soi chiếu thân phận “ Vầng trăng – bóng xế - khuyết chưa tròn”: Tuổi xuân qua đi mà duyên phận chưa trọn vẹn

=> Nỗi xót xa, cay đắng cho duyên phận dở dang, lỡ làng của một người phụ nữ tài hoa, ý thức sâu sắc về giá trị bản thân.

3. Hai câu luận:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

  Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

- Hai câu thơ gợi cảnh thiên nhiên và cảnh được gợi qua tâm trạng như cũng mang nỗi niềm phẫn uất, phản kháng dữ dội của con người:

+ Những sinh vật hèn mọn như “rêu” cũng không chịu mền yếu, nó vẫn có thể “xiên ngang mặt đất” đá không chỉ rắn chắc mà còn có thể “đâm toạc chân mây”

+ Động từ mạnh “xiên, đâm” kết hợp với phụ ngữ “ngang, toạc” + Biện pháp đảo ngữ trong 2 câu luận thể hiện sự bướng bỉnh, ngang nghạnh, phản kháng không cam chịu chấp nhận số phận.

- Hình ảnh thơ, ý thơ thể hiện phong cách mạnh mẽ, tự tin trong cách nhìn, cách cảm của HỒ XUÂN HƯƠNG. Người phụ nữ này ngay cả trong lúc cô đơn, buồn bã vẫn thấy cảnh vật như vươn lên trong một sức sống mãnh liệt.

 ( “Cái tôi” đầy sức sống mà bị dồn nén của XH từ những câu đề, thực luận đến 2 câu luận cứ nổi dần lên: lúc đầu là nỗi chán chường, ngán ngẩm “Trơ cái hồng nhan…”; tiếp đó là tâm trạng bực dọc, bồn chồn, muốn say mà không say được; cuối cùng là nỗi bức bối muốn vùng lên phá phách. Khát vọng sống của con người này, yêu cầu thực hiện triệt để tính cách, cá tính của người đàn bà đặc biệt này chẳng những chế độ phong kiến không dung nổi mà đến cả đất trời cũng trở nên chật hẹp…)

4. Hai câu kết:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

 Mảnh tình san sẻ tí con con”

- Mạnh mẽ, phẫn uất để rồi lại rơi vào xót xa, bẽ bàng là tâm trạng thường thấy trong thơ HỒ XUÂN HƯƠNG. Chữ “ngán” thể hiện sự mỏi mệt, chán chường, buông xuôi…

- “Xuân” (mùa xuân của vũ trụ và mùa xuân của đời người), mùa xuân của trời đất thì tuần hoàn, vĩnh cửu;

mùa xuân của đời người ra đi không trở lại - sự trở lại của mùa xuân đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi xuân

- “Mảnh tình – san sẻ - tí – con con” : nhấn mạnh vào sự nhỏ bé dần, làm cho nghịch cảnh càng éo le, tội nghiệp hơn.

=> Hai câu kết có thể được viết ra từ thân phận của một người gặp nhiều trắc trở, ngang trái trong tình duyên: hai lần mang thân đi làm lẽ, hai lần hạnh phúc đến và đi quá nhanh. Càng khao khát hạnh phúc càng thất vọng, mơ ước càng lớn thực tại càng mong manh…

* Nghệ thuật:

- Bài thơ Đường luật cổ điển được viết bằng ngôn ngữ tiếng Việt bình dân và rất tự nhiên : Trơ cái hồng nhan, xiên ngang, đâm toạc…

- Từ ngữ giản dị nhưng đa nghĩa, độc đáo: trơ, xuân, lại…

- Các biện pháp nghệ thuật đảo ngữ, tăng tiến được sử dụng rất thành công…