Bài 15: Phong trào cách mạng ở Trung Quốc và Ấn Độ (1918-1939)

Bài 15: Phong trào cách mạng ở Trung Quốc và Ấn Độ (1918-1939)

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

I. Phong trào cách mạng ở Trung Quốc (1919-1939)

1. Phong trào Ngũ tư và sự thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc

a. Phong trào Ngũ tứ.

- Nguyên nhân bùng nổ

+ Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, quyết định bất công của các nước đế quốc về vấn đề Sơn Đông.

+ Tác động của Cách mạng tháng Mười Nga.

- Diễn biến:

+ Ngày 4-5-1919, 3000 học sinh, sinh viên yêu nước ở Bắc Kinh biểu tình phản đối quyết định bất công của các nước đế quốc về việc chuyển giao những đặc quyền của Đức ở tỉnh Sơn Đông cho Nhật Bản, đòi trừng trị những kẻ bán nước trong Chính phủ. Phong trào lan rộng khắp 22 tỉnh và 150 thành phố, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp xã hội tham gia, đặc biệt là giai cấp công nhân.

+ Phong trào Ngũ tứ mở đầu cao trào cách mạng chống đế quốc, phong kiến ở Trung Quốc. Lần đầu tiên giai cấp công nhân xuất hiện trên vũ đài chính trị như một lực lượng cách mạng độc lập. Phong trào Ngũ tứ đánh dấu cách mạng Trung Quốc từ cách mạng dân chủ tư sản kiểu cũ sang cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới.

b. Sự thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Từ sau phong trào Ngũ tứ, chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá sâu rộng vào Trung Quốc. Với sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, năm 1920, một số nhóm cộng sản ra đời. Trên cơ sở đó tháng 7-1921, Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập, đánh dấu bước ngoặt của cách mạng Trung Quốc.

2. Chiến tranh Bắc phạt (1926-1927) và nội chiến Quốc – Cộng (1927-1937)

a. Cuộc chiến tranh Bắc phạt

- Trong những năm 1926-1927, Đảng Cộng sản hợp tác với Quốc dân đảng tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng nhằm đánh đổ các tập đoàn quân phiệt Bắc Dương đang chia nhau thống trị các vùng ở phía Bắc Trung Quốc - chiến tranh Bắc phạt.

- Trong lúc chiến tranh cách mạng đang tiến triển thắng lợi thì ngày 12-4-1927, Tưởng Giới Thạch gây chính biến ở Thượng Hải, đàn áp khủng bố những người cộng sản. Sau đó, Tưởng Giới Thạch lập chính phủ ở Nam Kinh. Đến tháng 7 1927, chính quyền hoàn toàn rơi vào tay Tưởng Giới Thạch. Cuộc chiến Bắc phạt chấm dứt.

b. Cuộc Nội chiến Quốc – Cộng

- Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, quần chúng cách mạng tiến hành chiến đấu chống lại Chính phủ Quốc dân đảng.

Quân đội của Tưởng Giới Thạch tiến hành bốn đợt vây quét lớn nhằm tiêu diệt căn cứ địa cách mạng của Đảng Cộng sản nhưng thất bại. Trong lần vây quét thứ năm (1933-1934) lực lượng cách mạng bị thiệt hại nặng. Tháng 10-1934. Hồng quân phải tiến hành cuộc Vạn lý trường chinh rút lên phía Bắc. Tháng 1-1935, Mao Trạch Đông lên nắm quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản, đây là điểm ngoặt lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ năm 1937, cách mạng Trung Quốc chuyển sang thời kì kháng chiến chống phát xít.

II. Phong trào độc lập dân tộc ở Ấn Độ (1918-1939)

1. Phong trào độc lập dân tộc trong những năm 1918-1929

* Nguyên nhân bùng nổ

- Gánh nặng chiến tranh của thực dân Anh trút lên vai nhân dân Ấn Độ.

- Chính quyền thực dân tăng cường bóc lột thuộc địa, ban hành những đạo luật phản động nhằm củng cố bộ máy thống trị.

- Mâu thuẫn xã hội gay gắt.

* Diễn biến chính

- Lãnh đạo phong trào là Đảng Quốc đại, đứng đầu là M. Gandi.

- Biện pháp đấu tranh hòa bình, không sử dụng bạo lực.

- Phong trào diễn ra với nhiều hình thức đấu tranh phong phú: biểu tình hòa bình, bãi công, tẩy chay hàng hóa Anh, không nộp thuế...

- Phong trào lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia (tính quần chúng rộng lớn).

- Tháng 12-1925, Đảng Cộng sản Ấn Độ thành lập, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ.

2. Phong trào độc lập dân tộc trong những năm 1929-1939

- Diễn biến chính

+ Hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1939) làm bùng nổ phong trào đấu tranh mới, kéo dài suốt những năm 30, thông qua các chiến dịch bất hợp tác với thực dân Anh, do Gandi và Đảng Quốc đại khởi xướng.

+ Đầu năm 1930, chiến dịch bất hợp tác bùng nổ, Ganđi thực hiện cuộc hành trình 300 km để phản đối chính sách độc quyền muối của thực dân Anh. Tháng 12-1931, Ganđi lại phát động chiến dịch bất hợp tác mới.

+ Thực dân Anh vừa đàn áp khủng bố vừa mua chuộc nhằm chia rẽ hàng ngũ lãnh đạo cách mạng. Nhưng phong trào vẫn diễn ra sôi động trong cả nước, liên kết được các lực lượng chính trị, hình thành trên thực tế Mặt trận thống nhất.

- Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, phong trào cách mạng Ấn Độ bước sang một thời kì phát triển mới.