Từ trái nghĩa là gì? Cách sử dụng từ trái nghĩa

Nhằm tạo sự đa dạng, từ trái nghĩa được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp lẫn văn học. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ từ trái nghĩa là gì, phân loại, cách sử dụng cùng tác dụng của từ trái nghĩa.

Để cung cấp nguồn thông tin chính xác về nội dung này, Kinhcan.vn xin phép gửi đến độc giả bài viết dưới đây.

1. Từ trái nghĩa là gì?

Từ trái nghĩa là dạng từ mang ý nghĩa hoàn toàn đối lập, tương phản hay trái ngược nhau. Sự đối lập ấy thể hiện trên nhiều khía cạnh như màu sắc, hình dáng, kích thước. Các cặp từ trái nghĩa có thể sở hữu chung những từ nhiều nghĩa.

Dù mang tính tưởng phản, những cặp từ trái nghĩa lại sở hữu mối quan hệ mật thiết khi xuất hiện trong cùng dạng từ là danh từ, động từ, tính từ.

Một số ví dụ cho cặp từ trái nghĩa có thể kể đến: thắng - thua, lành - rách, ướt - ráo, to - nhỏ, đen - trắng, xấu - đẹp, mềm - cứng, cao - thấp, may - rủi, hên - xui, hiền - dữ, giữ gìn - phá hoại, giản dị - cầu kỳ, gọn gàng - luộm thuộm, hung hăng - điềm đạm, nóng nảy - điềm tĩnh, mạnh mẽ - yếu đuối, tiến lên - thụt lùi.

Tiếp đến là tốt - xấu, tươi - héo, cao - thấp, béo - gầy, công bằng - bất công, dũng cảm - hèn nhát, nhẵn nhụi - gồ ghề, bằng phẳng - gập ghềnh, dễ dàng - khó khăn, hoàn hảo - thiếu sót, im lặng - ồn ào, kiên trì - nản chí, lạc quan - bi quan, cần cù - lười biếng, mãnh liệt - thờ ơ, háo hức - chán nản, tự ti - tự tin.

2. Phân loại từ trái nghĩa

Được phân thành hai loại chính, từ trái nghĩa gồm từ trái nghĩa hoàn toàn và từ trái không hoàn toàn.

2.1. Từ trái nghĩa hoàn toàn

Mang ý nghĩa tương phản, đối lập và trái ngược trong mọi trường hợp, từ trái nghĩa hoàn toàn rất phổ biến trong đời sống xã hội.

Ví dụ: thắng - thua, cao - thấp, may - rủi, hiền - dữ, sớm - muộn, may mắn - xui xẻo, nhanh - chậm, sớm - muộn, nóng - lạnh, nhạt - đậm, ẩm - hanh, to - nhỏ, xinh đẹp - xấu xí, sáng - tối, dài - ngắn, tươi - héo, ướt - ráo, mềm - cứng, rộng rãi - chật chội, trung thực - dối trá, rập rạp - thưa thớt, quyết tâm - nản chí.

Thêm vào đó, các cặp dễ dàng - khó khăn, béo - gầy, nhẵn nhụi - lởm chởm, biết ơn - vô ơn, lành - rách, bảo vệ - phá hủy, khô - ẩm, thông minh - ngu dốt, rực rỡ - tăm tối, vắng vẻ - nhộn nhịp, yêu thương - ghen ghét, sạch sẽ - bẩn thỉu, cẩn thận - cẩu thả, nhanh nhảu - chậm chạp, mới tinh - cũ kỹ cũng là từ trái nghĩa.

2.2. Từ trái nghĩa không hoàn toàn

Trong cặp từ trái nghĩa không hoàn toàn, khi nhắc tới một từ người ta sẽ không liên tưởng ngay đến từ còn lại

Ví dụ: cao - lùn tịt, cao kều - thấp, nhỏ - khổng lồ, to đùng - nhỏ, thấp - cao lêu nghêu, béo - gầy guộc, gầy nhẳng - mập, mập mạp - thon, thon thả - phì nhiêu, béo phì - nhẹ cân, tuyệt đẹp - xấu, độc ác - tốt, lương thiện - ác.

3. Cách sử dụng từ trái nghĩa

Từ trái nghĩa thường được sử dụng trong các trường hợp người dùng muốn tạo sự tương phản, thế đối và sự cân đối cho câu văn, ý thơ.

3.1. Tạo sự tương phản

Khi tạo hiệu ứng tương phản, từ trái nghĩa được sử dụng nhằm phê phán, đả kích hoặc nhấn mạnh hành động và bài học cụ thể nào đó, điển hình là các ví dụ dưới đây:

- “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” mang nghĩa làm việc gì có lợi thì nên thực hiện trước tiên, tránh nguy hiểm hay các hành động thừa thãi, không cần thiết.

- “Lá lành đùm lá rách” chỉ việc những người có hoàn cảnh sống đầy đủ, sung túc, ổn định nên giúp đỡ những người có điều kiện không tốt, sống trong cảnh nghèo khổ và đói rét.

- “Lên bờ xuống ruộng” ám chỉ cuộc sống bấp bênh, nay đây mai đó hoặc tình trạng thất thường không lường trước điều gì.

3.2. Tạo thế đối

Trong văn thơ, từ trái nghĩa được sử dụng để tạo thế đối qua việc mô tả hành động, cảm xúc hay tâm trạng, đơn cử:

“Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.

Nhấn mạnh công lao của người lao động, cặp từ trái nghĩa “dẻo thơm” và “đắng cay” đã tạo thế đối khi mô tả tính chất của gạo và sự khó nhọc ở nghề nông. Qua đó, câu tục ngữ này nhắc nhở con người phải biết trân trọng lúa gạo, sản phẩm có được từ mồ hôi cũng như tâm sức của người lao động.

3.3. Tạo sự cân đối

Nhằm tạo tính cân đối cho thi ca, từ trái nghĩa được ứng dụng vào câu văn và lời thơ, khiến chúng trở nên sinh động, nhịp nhàng và hấp dẫn hơn, tiêu biểu như:

- “Lên voi xuống chó”

- “Lên thác xuống ghềnh”

- “Chết vinh còn hơn sống nhục”

- "Một miếng khi đói bằng một gói khi no"

- “Chị ngã em nâng”

- “Kính trên nhường dưới”

4. Tác dụng của từ trái nghĩa

Là thành phần quan trọng ở ngữ pháp tiếng Việt, mục đích của từ trái nghĩa để làm nổi bật sự việc, sự vật, hiện tượng, trạng thái, hoạt động thông qua hiệu ứng đối lập hay tương phản. Phối hợp với biện pháp tu từ so sánh, dạng từ này làm nổi bật nội dung, ý định mà tác giả muốn nhấn mạnh.

Qua đó, người đọc hoặc người nghe dễ dàng cảm nhận được tâm trạng, cảm xúc để đánh giá, nhận xét khách quan về một sự việc, sự vật, hiện tượng nào đó. Từ trái nghĩa còn đặc biệt xuất hiện nhiều trong văn nghị luận bởi tính đối lập phù hợp với thể loại văn bản này.

5. Một số thành ngữ và tục ngữ về từ trái nghĩa

Nhờ tính chất độc đáo, các cặp từ trái nghĩa được ưu ái sự dụng rất nhiều trong tiếng Việt, đặc biệt là thành ngữ và tục ngữ, ví dụ như sau:

- Lá lành đùm lá rách

- Chân cứng đá mềm

- Mẹ giàu thì con có, mẹ khó thì con không.

- Có mới nới cũ

- Kính trên nhường dưới

- Trước lạ sau quen

- Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng

-  Lên voi xuống chó

- Cá lớn nuốt cá bé

- Kính trên nhường dưới

- Mềm nắn rắn buông

- Lên voi xuống chó

- Vô thưởng vô phạt

- Khôn ba năm, dại một giờ

- Bán anh em xa để mua láng giềng gần

- Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng

- Đi ngược về xuôi

- Có đi có lại

- Mắt nhắm mắt mở

- Đầu voi đuôi chuột

- Thất bại là mẹ thành công

- Buổi đực buổi cái

- Bên trọng bên khinh.

6. Bài tập ứng dụng

Bài tập 1: Xác định các cặp từ trái nghĩa trong đoạn thơ sau:

a)

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non”

“Bánh Trôi Nước” - Hồ Xuân Hương

b)

“Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”

“Truyện Kiều” - Nguyễn Du

Diễn giải:

a) Cặp từ trái nghĩa trong đoạn thơ đã cho là nổi - chìm, diễn tả số phận long đong lận đận của người phụ nữ xưa.

b) Cặp từ trái nghĩa trong đoạn thơ đã cho là tài - mệnh, bộc lộ sự tiên đoán dành cho tương lai không mấy êm đềm của nàng Kiều.

Bài tập 2: Hãy tìm một hoặc nhiều từ trái nghĩa với các từ đã cho: Hèn nhát, vui vẻ, sáng sủa, tươi tắn, thẳng thắn, hòa bình, xinh đẹp, nông cạn, mạnh mẽ, ân cần, lười nhác, bất hạnh.

Diễn giải:

- Hèn nhát > < Dũng cảm, anh dũng, gan dạ, can đảm

- Vui vẻ > < buồn bã, buồn rầu, sầu não, u sầu

- Sáng sủa > < Tối tăm

- Tươi tắn > < Mệt mỏi, héo úa, ỉu xìu

- Thẳng thắn > < Quanh co, lươn lẹo, vòng vo

- Hòa bình > < Chiến tranh, xung đột, mâu thuẫn

- Xinh đẹp > < Xấu xí

- Nông cạn > < Sâu sắc, uyên bác

- Mạnh mẽ > < Yếu ớt, yếu đuối, ốm yếu

- Ân cần > < Dửng dưng, thờ ơ, lạnh nhạt

- Lười nhác > < Chăm chỉ, siêng năng, cần cù, chịu khó

- Bất hạnh > < Hạnh phúc, vui vẻ

LỜI KẾT

Như vậy, Kinhcan.vn đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về từ trái là gì, phân loại, cách sử dụng cũng như tác dụng của từ trái nghĩa. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc sẽ áp dụng kiến thức bổ ích vào học tập và sinh hoạt, khiến câu từ trở nên mượt mà và thú vị hơn.