Trạng ngữ là gì? Phân loại, dấu hiệu và bài tập vận dụng

Trong tiếng Việt, hệ thống ngữ pháp sở hữu một bộ phận rất quan trọng, đó là trạng ngữ. Dù thành phần này đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam, song không phải ai cũng hiểu rõ khái niệm, vai trò cùng đặc điểm nhận biết của trạng ngữ.

Nắm bắt được nhu cầu của độc giả, Kinhcan.vn gửi đến bạn đọc bài viết về trạng ngữ, hy vọng bản tổng hợp này sẽ cung cấp nguồn kiến thức đầy đủ, bổ ích để ứng dụng trong học tập lẫn cuộc sống.

1. Trạng ngữ là gì?

Để hiểu rõ về trạng ngữ, Kinhcan.vn xin phép cung cấp khái niệm cơ bản, một số ví dụ tiêu biểu cho bạn đọc.

1.1. Định nghĩa trạng ngữ

Là thành phần phụ của câu, trạng ngữ đóng vai trò bổ sung, nhấn mạnh và làm rõ mệnh đề, nội dung chính. Trạng ngữ vì vậy có thể xuất hiện trong câu hoàn chỉnh hoặc không, điều này không ảnh hưởng đến ngữ nghĩa.

Với mục tiêu bổ nghĩa, bộ phận trạng ngữ dùng để xác định nơi chốn, cách thức, thời gian, mục đích, nguyên nhân, địa điểm và phương tiện của một sự vật, sự việc nào đó. Thành phần này vì vậy trả lời cho một số câu hỏi: “Khi nào?”, “Tại sao?”, “Bằng cách nào?” và “Để làm gì?”.

Dù là thành phần phụ, trạng ngữ vẫn đóng vai trò quan trọng khi giải thích mục đích, nguyên nhân, điều kiện, kết quả, thời gian cùng địa điểm trong câu. Qua đó, trạng ngữ giúp việc giao tiếp trở nên dễ dàng hơn, người dùng có thể nắm bắt nội dung mà không cần phải đặt câu hỏi.

1.2. Ví dụ về trạng ngữ

Nếu chỉ đọc lý thuyết, độc giả khó có thể hình dung rõ nét về khái niệm trạng ngữ. Chính vì vậy, một số ví dụ cùng phân tích đơn giản sẽ được trình bày dưới đây:

- Tại Hà Nội, mùa đông đã về và ôm lấy toàn bộ thành phố.

Trong câu văn, trạng ngữ là “Tại Hà Nội”, thành phần này bổ sung ý nghĩa về nơi chốn, địa điểm cho câu. Nhờ đó, lời văn được làm rõ về ngữ nghĩa, người đọc có thể hiểu được mùa đông đã về tại đâu.

- Vào buổi sáng, cô ấy thường uống cà phê ăn kèm chút bánh mỳ rồi đi làm ngay lập tức.

Ở ví dụ trên, thành phần trạng ngữ cung cấp thời gian xảy ra sự việc, đó là “vào buổi sáng”. Câu văn vì vậy trở nên mượt mà, dễ hiểu và mang tính hệ thống hơn.

- Bằng chiếc xe đạp cũ, người thầy giáo ấy vẫn đến trường mỗi ngày.

Trong ví dụ này, “Bằng chiếc xe đạp cũ” là trạng ngữ chỉ cách thức, phương tiện. Nhờ trạng từ ấy, người đọc hay người nghe có thể biết được thầy giáo tới trường bằng cách nào.

2. Phân loại trạng ngữ

Dựa trên vai trò đảm nhận, trạng ngữ được phân thành năm loại gồm trạng ngữ chỉ nơi chốn, trạng ngữ chỉ thời gian, trạng ngữ chỉ nguyên nhân, trạng ngữ chỉ phương tiện và trạng ngữ chỉ mục đích.

2.1. Trạng ngữ chỉ nơi chốn

Trạng ngữ chỉ nơi chốn dùng để xác định địa điểm, vị trí hay nơi chốn diễn ra sự việc được nhắc đến trong câu, nó trả lời cho câu hỏi “ở đâu?”. Ví dụ điển hình của trạng ngữ chỉ nơi chốn là:

- Trên cành cây, mấy con quạ đang đậu.

- Ở Hà Nội, đồ ăn rất ngon.

- Trong phòng khách, bố mẹ đang bàn chuyện gia đình.

- Họ rủ nhau tập luyện tại sân vận động của trường học.

- Thảm lá vàng khô trải trên nền đất.

2.2. Trạng ngữ chỉ thời gian

Phổ biến trong giao tiếp, trạng ngữ chỉ thời gian dùng để xác định thời điểm, giờ giấc hay thời gian diễn ra sự việc được nói đến trong câu, nó trả lời cho câu hỏi “Khi nào?”,”Lúc nào?”, “ Bao giờ?” hoặc “Mấy giờ?”. Ví dụ điển hình của trạng ngữ chỉ thời gian là:

- Vào mùa xuân, trăm hoa đua nở tạo nên cảnh tượng tuyệt đẹp.

- Mỗi buổi sáng, tôi cùng mẹ ra bờ hồ tập thể dục.

- Cuối năm học, ban phụ huynh tổ chức cho cả lớp đi chơi xa.

- Hôm qua, em Linh đã hoàn thành bài thi môn tiếng Việt.

- Cửa hàng của Minh Anh mở cửa lúc 9h sáng.

2.3. Trạng ngữ chỉ nguyên nhân

Trạng ngữ chỉ nguyên nhân dùng để giải thích lý do, nguyên nhân dẫn đến sự việc hay hiện tượng được đề cập trong câu, nó trả lời cho câu hỏi “Tại sao?”,”Nhờ đâu?”, “Vì đâu?”, “Do đâu?” hoặc “Vì sao?”. Ví dụ điển hình của trạng ngữ chỉ nguyên nhân là:

- Em nghỉ học vì bị ốm

- Do mưa bão, anh bị muộn giờ làm.

- Nhờ luyện tập chăm chỉ, Khánh đã đoạt giải nhất trong cuộc thi nghệ thuật cấp quốc gia.

- Bởi không hoàn thành bài tập hè, Tuấn bị cô giáo khiển trách.

- Cô ấy có được ngày hôm nay nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và người thân.

2.4. Trạng ngữ chỉ mục đích

Trạng ngữ chỉ mục đích dùng để làm rõ mục tiêu, mục đích dẫn đến sự việc hoặc hành động trong câu, nó trả lời cho câu hỏi “Vì cái gì?”,”Để làm gì?”, “Nhằm mục đích gì?” hay “Mục tiêu là gì?”. Ví dụ điển hình của trạng ngữ chỉ mục đích là:

- Nhằm chiếm được cảm tình của cô gái, anh chàng đã mua rất nhiều quà.

- Để thu về nhiều lợi nhuận nhất có thể, cửa hàng đó tăng giá sản phẩm rất cao.

- Vì mục tiêu cá nhân, cô ấy luôn nỗ lực hết mình.

- Nhằm tăng hiệu suất học tập, Long tạm dừng chơi điện tử.

- Để phụ giúp bố mẹ, Trang vừa học vừa đi làm thêm.

2.5. Trạng ngữ chỉ phương tiện

Trạng ngữ chỉ phương tiện dùng để xác định cách thức,  phương tiện thực hiện hành động hoặc sự việc được nói tới trong câu, nó trả lời cho câu hỏi “Bằng cách nào?”,”Với cái gì?” hay “Như thế nào?”. Các ví dụ cơ bản cho trạng ngữ chỉ phương tiện là:

- Bằng chiếc xe đạp điện, tôi đến trường mỗi ngày.

- Với tư duy logic, cô ấy hoàn thành phần thi một cách hoàn hảo.

- Bằng sức sống mãnh liệt, cái cây lớn dần trên mảnh đất khô cằn ấy.

- Chỉ với trang phục đơn giản, cô ấy đã có thể thu hút mọi ánh nhìn.

- Châu ghi nhớ bài học bằng phương pháp chép tay.

3. Dấu hiệu nhận biết trạng ngữ

Về số lượng, một câu có thể sở hữu một hoặc nhiều trạng ngữ, các trạng ngữ thường đứng ở vị trí giữa câu, đầu câu hoặc cuối câu. Nhằm phân biệt trạng ngữ với thành phần chính, dấu phẩy được sử dụng.

Để nhận biết trạng ngữ, bạn học có thể loại bỏ cụm từ đó khỏi câu, nếu nội dung chính vẫn nguyên vẹn thì đó chính là bộ phận trạng ngữ.

4. Bài tập vận dụng

Bài 1: Xác định trạng từ và nêu ý nghĩa của trạng ngữ trong câu:

a. Khi mùa xuân sang, ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam, hoa đào cùng hoa mai thi nhau khoe sắc.

Đáp án:

- Trạng ngữ chỉ thời gian: “Khi mùa xuân sang”.

- Trạng ngữ chỉ nơi chốn: “ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam”.

b. Những ngày tết trung thu, mọi người dành thời gian bên gia đình.

Đáp án:

- Trạng ngữ chỉ thời gian: “Những ngày tết trung thu”.

c. Vì không cẩn thận khi vui chơi, Loan bị ngã xuống hồ.

Đáp án:

- Trạng ngữ chỉ nguyên nhân: “Vì không cẩn thận khi vui chơi”.

d. Để được đi chơi xa, cả lớp đều nhất trí phấn đấu học hành.

Đáp án:

- Trạng ngữ chỉ mục đích: “Để được đi chơi xa”.

Bài 2: Điền trạng ngữ vào chỗ trống sao cho phù hợp:

a. ……………., đàn cò đang kiếm ăn.

Ví dụ: Trên cánh đồng, đàn cò đang kiếm ăn.

b. ……………., nhiều sinh vật được đưa vào danh sách đỏ.

Ví dụ: Vì săn bắt trái, nhiều sinh vật được đưa vào danh sách đỏ.

c. ……………..., chim chóc hót líu lo.

Ví dụ: Vào buổi sáng, chim chóc hót líu lo.

Bài 3: Đặt câu sử dụng trạng ngữ theo yêu cầu:

a. Câu có trạng ngữ chỉ nơi chốn

Ví dụ: Trên sân trường, học sinh chơi đá cầu.

b. Câu có trạng ngữ chỉ nguyên nhân và thời gian.

Ví dụ: Tuần trước, vì quá bận, cô gái không thể về thăm gia đình.

c. Câu có trạng ngữ chỉ phương tiện, bắt đầu với từ “bằng”

Ví dụ: Bằng niềm tin cháy bỏng, tôi biết rằng chàng trai ấy sẽ mang vinh quang về cho Tổ quốc.

LỜI KẾT

Qua bài viết, Kinhcan.vn đã lý giải trạng ngữ là gì? Thêm vào đó, dấu hiệu nhận biết, phân loại và cách sử dụng thành phần này cũng được làm rõ. Hy vọng với những chia sẻ trên, độc giả sẽ dễ dàng sử dụng trạng ngữ để phục vụ mục đích, nhu cầu của mình.