Khái niệm là gì? Các ví dụ và thuộc tính của khái niệm

Trước khi bắt tay nghiên cứu sâu bất cứ chủ điểm kiến thức nào, bạn học luôn cần nắm vững khái niệm của những lý thuyết về sự vật, hiện tượng chính để tiến hành phân tích vấn đề hoặc ứng dụng vào thực tiễn.

Vậy bạn có từng băn khoăn khái niệm là gì? Tại sao khái niệm lại đóng vai trò quan trọng như vậy? Trong bài viết dưới đây, Kinhcan.vn sẽ giải đáp rõ những câu hỏi trên, đồng thời chỉ ra các thuộc tính và một số loại khái niệm cơ bản.

1. Khái niệm là gì?

Nhìn chung, khái niệm được hiểu là cách thức tư duy trừu tượng phản ánh những đối tượng trong hiện thực dựa trên những bản chất, đặc tính chung.

Đặt trong từng lĩnh vực hoặc mối tương quan, khái niệm có thể được giải nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Ở phần một, Kinhcan.vn sẽ xem xét khái niệm từ góc độ tâm lý, triết học và cách sử dụng từ ngữ.

1.1. Từ góc độ tâm lý

Khi xem xét từ khía cạnh tâm lý học, quá trình tạo ra khái niệm được coi như một chức năng cơ bản của suy nghĩ và cảm nhận, cho phép con người hệ thống hóa các hiểu biết, nhận thức chung về sự vật, hiện tượng xung quanh.

Ở lĩnh vực này, khái niệm thường được chia ra hai loại phổ biến gồm khái niệm cổ điển và khái niệm tự nhiên với những đặc tính cơ bản riêng biệt.

Bắt nguồn từ khung lý thuyết của Aristoteles, khái niệm cổ điển mang tính dập khuôn, dựa trên các định nghĩa chính xác, giới hạn rõ ràng và sở hữu các điều kiện sẵn có thuộc một phạm vi nhất định.

Trái lại, khái niệm tự nhiên không tồn tại biên giới hay định nghĩa rõ ràng. Thay vì ứng dụng các điều kiện lý thuyết cụ thể, dạng khái niệm này tập trung vào điểm tương đồng giữa những mẫu vật trong trí nhớ của con người.

1.2. Từ góc độ triết học

Khi xét từ góc độ triết học, khái niệm được coi là một hình thức cơ bản của tư duy trừu tượng gồm những ý tưởng, ý nghĩa đằng sau tên gọi chung của một sự vật thuộc phạm trù logic hoặc suy nghĩ.

Nhà triết học nổi tiếng Immanuel Kant chia khái niệm ra thành hai loại chính gồm aprioric, sản phẩm của trí tuệ và aposterioric, sản phẩm sau khi trừu tượng hóa kết quả thực nghiệm.

1.3. Khái niệm và từ ngữ

Mỗi khái niệm đều gắn liền với một chuỗi từ ngữ nhất định. Tuy nhiên, từ không đồng nghĩa với khái niệm. Một từ có thể xuất hiện trong nhiều khái niệm khác nhau, với những ý nghĩa biểu thị riêng.

Trường hợp những khái niệm khác nhau biểu thị bởi cùng một từ liên kết đến hiện tượng từ nhiều nghĩa. Ví dụ như từ “niết bàn” vừa có thể hiểu theo nghĩa về một chốn cực lạc dành cho những cao nhân đắc đạo, vừa có thể giải nghĩa là trạng thái thanh thản, an yên của tâm hồn, tâm linh.

Mặt khác, những từ khác nhau mang nghĩa tương tự hay hiện tượng từ nhiều nghĩa thì có thể dùng thay thế nhau và biểu thị chung một khái niệm nhất định.

2. Ví dụ về khái niệm

Để giúp bạn hiểu rõ hơn lý thuyết ở phần một, Kinhcan.vn sẽ đưa ra một vài ví dụ cụ thể về khái niệm ở phần hai.

Ví dụ 1: Pháp luật được hiểu là hệ thống quy định bắt buộc về hành vi, lối ứng xử do Nhà nước ban hành, chấp thuận và giám sát quá trình thực thi.

Những điều lệ trong bộ luật là quy tắc chung cho tất cả tầng lớp xã hội, biểu trưng cho quyết tâm của giai cấp thống trị và giúp điều hướng các mối quan hệ để mang về lợi ích mong muốn.

Ví dụ 2: Nhà nước là thuật ngữ chỉ một tổ chức chính trị - xã hội có chức năng điều hành, phát triển đất nước. Các thành viên thuộc nhà nước đều thuộc về giai cấp thống trị, từ đó đảm bảo quyền lực, lợi ích của tầng lớp này.

3. Thuộc tính của khái niệm

Mỗi khái niệm được cấu thành bởi hai thuộc tính cơ bản là nội hàm và ngoại diên. Đây là hai yếu tố thiết yếu, giúp hình thành kết cấu chung cho khái niệm.

3.1. Nội hàm

Theo lý thuyết chung, nội hàm đề cập đến tất cả các dấu hiệu, đặc trưng của sự vật hiện tượng mà con người lấy làm cơ sở cho quá trình khái quát và tách biệt, từ đó tổng hợp và đưa ra mô tả chung ở khái niệm.

Chẳng hạn, khi xem xét khái niệm “con người” thì nội hàm gồm tập hợp những tính chất cơ bản như có khả năng phát minh và sử dụng công cụ lao động, xuất thân từ động vật.

3.2. Ngoại diên

Trong khi đó, ngoại diên của khái niệm chính là hệ thống mọi đối tượng sở hữu các dấu hiệu thuộc nội hàm. Cụ thể, ngoại diên khái niệm “số lẻ” là tập hợp vô hạn các số 1, 3, 5, 7, 9, 11, 13, 15, 17, …

4. Phân loại khái niệm

Dưới sự phát triển của nghiên cứu khoa học, khái niệm có thể được phân chia dựa trên rất nhiều yếu tố khác nhau. Ở bài viết này, đội ngũ Kinhcan.vn đã tổng hợp ba cách chia phổ biến nhất căn cứ vào kết cấu và dấu hiệu chung của đối tượng.

4.1. Dựa trên nội hàm

Lấy nội hàm làm cơ sở nền tảng, khái niệm có thể được phân ra thành khái niệm cụ thể và khái niệm trừu tượng. Mỗi loại khái niệm này phản ánh sự vật, hiện tượng theo một phương thức riêng biệt.

Trường hợp phản ánh sự tồn tại độc lập, duy nhất của một đối tượng, chúng ta thường dùng khái niệm cụ thể.

Đây là cách định nghĩa gán riêng cho một sự vật hiện tượng mà không chịu ảnh hưởng bởi đối tượng khác. Ví dụ tiêu biểu như cái bàn, cái ghế, quốc gia.

Trường hợp mô tả sự vật, hiện tượng dựa trên các đặc tính, tính chất tiêu biểu hoặc cách giải nghĩa phụ thuộc vào một đối tượng, sự vật khác thì người ta dùng khái niệm trừu tượng.

Sự vật này không thể giải nghĩa độc lập và không tồn tại khái niệm chính xác, chẳng hạn lòng dũng cảm, vẻ đẹp, sự tự tin, tình yêu.

4.2. Dựa trên ngoại hàm

Khi phân loại dựa trên tiêu chí ngoại diên, khái niệm thường chia thành một số loại như khái niệm đơn nhất, khái niệm chung, khái niệm rỗng hay tên khác là khái niệm ảo, khái niệm giả.

Khái niệm chung là thuật ngữ chỉ trường hợp cấu thành bởi hai sự vật, hiện tượng trở lên. Ngược lại, trường hợp chỉ nhắc đến một đối tượng duy nhất thì đây là khái niệm đơn nhất. Đây là hai loại khái niệm dựa trên lý thuyết logic học truyền thống.

Logic học hiện đại mở rộng hơn lý thuyết trên, đề cập đến khái niệm rỗng. Theo các nhà khoa học, thì khái niệm rỗng là tập hợp không chứa bất kỳ phần tử nào, chẳng hạn như hình vuông, hình tam giác, số tự nhiên nhỏ nhất.

Chuyển một góc độ khác vẫn dựa trên cơ sở ngoại diên, khái niệm còn có thể chia theo nghĩa phân liệt và tập hợp.

Khái niệm tập hợp đề cập đến trường hợp ngoại diên cấu thành bởi nhiều hơn hai đối tượng, những đối tượng này được liên kết và nhắc đến như một chỉnh thể thống nhất.

Khi ngoại diên của khái niệm chứa nhiều hơn hai sự vật, hiện tượng và khái niệm có thể gán cho từng đối tượng cụ thể, người ta gọi đây là khái niệm phân liệt.

Một từ có thể vừa mang khái niệm tập hợp, vừa giải nghĩa được theo khái niệm phân liệt. Ví dụ cho cách phân chia này, từ “con người” hiểu theo nghĩa tập hợp là “loài người” những khi hiểu theo nghĩa phân liệt sẽ gán với từng cá nhân con người cụ thể, không mang tính khái quát như khái niệm tập hợp.

4.3. Dựa vào dấu hiệu từ đó khái quát hóa

Dấu hiệu là yếu tố cơ bản để ứng dụng trong quá trình thiết lập khái niệm thông qua những thao tác khái quát hóa hoặc tách biệt nhóm sự vật, hiện tượng. Dựa vào dấu hiệu, khái niệm được chia thành hai loại cụ thể gồm khái niệm khẳng định và khái niệm phủ định.

Khái niệm khẳng định xảy ra khi dấu hiệu bạn dùng thiết lập khái niệm có sự tồn tại của đặc tính cơ bản của sự vật hiện tượng hoặc mối liên kết với sự vật, hiện tượng khác. Chẳng hạn, “người anh hùng” hay “trường điện từ” được coi là khái niệm khẳng định.

Ngược lại, khái niệm phủ định để chỉ trường hợp dấu hiệu cho quá trình thiết lập khái niệm không tồn tại tính chất hoặc liên kết mật thiết với đối tượng khác. Một vài ví dụ cho khái niệm phủ định như số nguyên tố, cặp đường thẳng song song.

5. Mối quan hệ giữa các loại khái niệm

Nhằm mục đích giúp người đọc quan sát rõ ràng mối liên kết giữa các khái niệm, các nhà khoa học dùng hình tròn để mô phỏng những loại quan hệ khác nhau. Mối quan hệ tồn tại giữa những hình tròn đại diện cho quan hệ giữa các loại khái niệm.

Hình tròn biểu trưng cho ngoại diên của khái niệm, từ đó những đối tượng có vị trí bên trong hình tròn thì thuộc về ngoại diên của khái niệm còn trường hợp nằm ngoài hình tròn thì sẽ không được coi là thành phần của ngoại diên khái niệm.

5.1. Quan hệ so sánh

Trước hết, giữa hai khái niệm có thể tồn tại quan hệ so sánh. Hai khái niệm thuộc cùng lĩnh vực hoặc sở hữu một vài dấu hiệu chung thì có thể so sánh, đối chiếu với nhau.

Mặt khác, nếu hai khái niệm thuộc về hai lĩnh vực riêng biệt và không cấu thành bởi bất kỳ điểm chung nào thì hai khái niệm đó không thể xem xét dưới quan hệ so sánh.

5.2. Quan hệ trùng lặp

Dựa trên mức độ giao nhau giữa ngoại diên của hai khái niệm, người ta có thể phân tích khái niệm dựa trên quan hệ trùng lặp.

Nếu ngoại diện khái niệm trùng nhau một phần hoặc hoàn toàn, thì khái niệm có thể được xem xét trên ba cơ sở chính:

Thứ nhất là quan hệ đồng nhất. Trường hợp này đề cập đến sự trùng lặp hoàn toàn của ngoại diên thuộc hai khái niệm khác nhau. Chẳng hạn, ngoại diên khái niệm “số tự nhiên chia hết cho ba” thì trùng với “số tự nhiên có tổng các chữ số chia hết cho ba”.

Thứ hai là quan hệ giao nhau. Trường hợp này xảy ra khi ngoại diên hai khái niệm chỉ trùng nhau một phần, ví dụ như nhà văn và nhà thơ.

Thứ ba là quan hệ bao hàm. Trường hợp này diễn ra khi ngoại diên khái niệm đầu tiên được coi là một phần của ngoại diên thứ hai.

Ví dụ như khái niệm “tam giác đều” sẽ có quan hệ bao hàm với khái niệm “tam giác” hoặc khái niệm “người Nhật Bản” liên kết với khái niệm “con người” theo quan hệ bao hàm.

5.3. Quan hệ không trùng lặp

Ngược lại với quan hệ trùng lặp, hai khái niệm không có phần ngoại diên nào trùng nhau có thể liên kết dựa trên mối quan hệ không trùng lặp, cụ thể gồm:

Thứ nhất là quan hệ ngang hàng. Nếu ngoại diên của hai khái niệm không trùng bất cứ phần tử nào nhưng lại cùng phụ thuộc vào một khái niệm thứ ba thì hai khái niệm ngang hàng với nhau.

Chẳng hạn, khái niệm “người dân tộc Kinh” và “người dân tộc Mường” đều phụ thuộc vào khái niệm chung “người Việt Nam”.

Thứ hai là quan hệ đối lập. Hai khái niệm có quan hệ đối lập nếu hai khái niệm cùng được bao hàm bởi một khái niệm thứ ba và có tổng ngoại diên nhỏ hơn khái niệm chung bao hàm. Đồng thời, nội hàm của hai khái niệm này sở hữu tính chất đối ngược nhau.

Ví dụ: Khái niệm “học sinh giỏi” và “học sinh kém” đối lập với nhau. Dù cùng được bao hàm bởi khái niệm “học sinh” nhưng tập hợp ngoại diên nhỏ hơn tổng số học sinh vì ngoài hai khái niệm học sinh thì còn học sinh giỏi, học sinh kém, học sinh trung bình.

Thứ ba là quan hệ mâu thuẫn. Loại quan hệ này dùng để xem xét hai khái niệm cùng thuộc một khái niệm thứ ba và có tổng ngoại diên bằng tổng ngoại diên của khái niệm thứ ba.

Ví dụ: Quan hệ mâu thuẫn có thể ứng dụng vào phân tích hai khái niệm “cái ghế cao” và “cái ghế không cao”, “học sinh giỏi” và “học sinh không giỏi”.

6. Các thao tác logic đối với khái niệm

Trong quá trình phân tích hoặc tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học còn tiến hành một số thao tác nhằm bóc tách rõ hơn các khái niệm hoặc quan sát khái niệm trong chỉnh thể khái quát hơn.

6.1. Mở rộng và thu hẹp khái niệm

Khi tư duy và nhận thức một vấn đề, con người thường ứng dụng những phương thức đối ngược nhau để phân tích đa chiều hơn về sự vật, hiện tượng. Người ta có thể xem xét từ cái chung đến cái riêng, nét phổ biến đến cái đặc thù hoặc ngược lại.

Thuật ngữ chuyên ngành cho các thao tác này chính là việc mở rộng và thu hẹp các khái niệm. Quá trình này giúp nghiên cứu chính xác hơn về nội hàm và ngoại diên của khái niệm, đồng thời thúc đẩy quá trình định nghĩa và phân chia khái niệm hiệu quả hơn.

Nếu bạn xem xét một khái niệm từ tính chất đơn lẻ rồi khái quát thành khái niệm tổng hợp thì thao tác đó được coi là mở rộng khái niệm.

Ngược lại, khi bạn tư duy khái niệm từ ngoại diên rộng đến ngoại diện hẹp thì đây là thao tác thu hẹp khái niệm.

6.2. Phân chia khái niệm

Phân chia khái niệm đề cập đến thao tác logic phát triển khái niệm mới hoặc xác định những khái niệm nhỏ hơn trực thuộc khái niệm ban đầu. Ngoại diên khái niệm mới sẽ thường là các phần nhỏ tách ra từ khái niệm bao hàm.

Thao tác phân chia khái niệm thường xuyên được ứng dụng trong quá trình nhận thức nhằm đơn giản hóa quá trình nghiên cứu, phân tích sự vật, hiện tượng, đặc biệt ở những đối tượng phức tạp hoặc các lớp có liên kết chặt chẽ với nhau.

Chẳng hạn, trong đề tài nghiên cứu cuộc sống của sinh viên tại Hà Nội, quá trình nghiên cứu gồm nhiều nhóm đối tượng khác nhau dựa trên điều kiện địa lý, nền tảng gia đình của sinh viên.

Người nghiên cứu có thể tiến hành phân chia đề tài thành hai lớp: sinh viên có gia đình ở Hà Nội và sinh viên không có gia đình sinh sống tại Hà Nội.

Từ đó, khảo sát hoặc kết quả nghiên cứu có thể khám phá điểm khác biệt giữa hai nhóm đối tượng và đưa ra những đề xuất phù hợp.

Thông qua việc phân chia khái niệm, người nghiên cứu có thể hiểu rõ hơn về ngoại diên của từng loại khái niệm. Có hai cách phân chia chính thường được áp dụng là phân đôi và phân loại.

Thao tác phân đôi khá đơn giản, chỉ cần chia tách hai phần ngoại diên khái niệm theo quan hệ mâu thuẫn nhằm đảm bảo hai phần có tổng số phần tử tương đương nhau.

Phân loại là phương thức hệ thống các khái niệm bằng cách lồng ghép chúng với nhau dựa trên một đặc tính nhất định. Quá trình này phân tích các mối quan hệ giữa các khái niệm và nhóm chúng thành các tập hợp, từ đó đưa ra nhận định thực tế về vị trí tương quan của các đối tượng với nhau.

Thao tác này đóng vai trò rất lớn trong nghiên cứu khoa học khi tiến hành hệ thống hóa các khái niệm, lý thuyết đơn lẻ thành một chỉnh thể khoa học, logic hơn.

Dựa trên bản chất của đối tượng, bạn học có thể phân loại khái niệm theo hai phương thức chính là phân loại tự nhiên hoặc phân loại hình thức.

Tùy theo phương thức phân chia khái niệm được ứng dụng, bạn học cần lưu ý một số nguyên tắc nhất định trong quá trình tiến hành phân chia.

Thứ nhất, phân chia khái niệm cần đảm bảo tính cân đối đầy đủ, có nghĩa là tổng ngoại diên khái niệm sau khi phân chia phải bằng tổng ngoại diên khái niệm ban đầu.

Thứ hai, phân chia khái niệm cần phải có tính nhất quán. Quá trình phân chia cần gắn liền với một thuộc tính, dấu hiệu cơ bản nhất định.

Thứ ba, phân chia khái niệm cần tuân theo quy tắc cấp bậc, đảm bảo tính liên tục và không bỏ lỡ bất kỳ lớp khái niệm nào.

Thứ tư, bạn học cần phân chia sao cho những thành phần thuộc khái niệm mang tính loại trừ nhau.

LỜI KẾT

Những kiến thức, thông tin về chủ điểm khái niệm đã được đội ngũ biên tập Kinhcan.vn tổng hợp và phân tích đầy đủ nhất trong bài viết trên đây.

Hi vọng rằng bạn đọc có thể ứng dụng phần lý thuyết này vào quá trình nghiên cứu khoa học để đạt được hiệu quả cao nhất.