Từ nhiều nghĩa là gì? Lý giải hiện tượng, phương pháp, phân biệt và lưu ý

Song song với quá trình phát triển của cuộc sống, ngôn ngữ Tiếng Việt cũng vận động liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu giao tiếp của con người.

Tiếng Việt không chỉ trở nên phong phú về cách sắp xếp câu từ mà còn biến đổi về mặt ngữ nghĩa dựa trên ngữ cảnh giao tiếp cụ thể.

Từ nhiều nghĩa xuất hiện chính nhờ hiện tượng biến chuyển này của ngôn ngữ. Vậy cụ thể hơn từ nhiều nghĩa là gì, được ứng dụng như thế nào trong đời sống hàng ngày hoặc tác phẩm văn học? Kinhcan.vn cùng bạn đọc sẽ tìm hiểu vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé!

1. Từ nhiều nghĩa là gì?

Trước hết, trong phần đầu tiên, Kinhcan.vn sẽ cung cấp khái niệm cơ bản kèm ví dụ cụ thể về từ nhiều nghĩa, giúp bạn đọc có kiến thức nền tảng cho những phần luyện tập phía sau. Bên cạnh đó, tác dụng của từ nhiều nghĩa cũng sẽ được đề cập.

1.1. Khái niệm từ nhiều nghĩa

Từ nhiều nghĩa, tên gọi khác là từ đa nghĩa chỉ tập hợp những từ có nhiều nghĩa biểu thị khác nhau tùy theo hoàn cảnh, ngữ nghĩa. 

Cụ thể hơn, từ nhiều nghĩa xuất phát từ một nghĩa gốc, sau đó theo thời gian và nhu cầu giao tiếp, được bổ sung một số nghĩa chuyển.

Tuy nhiên, dù là nghĩa bóng hay nghĩa chuyển, tất cả đều sẽ liên kết chặt chẽ đến nghĩa gốc của từ. Hiện tượng này không chỉ giới hạn trong ngôn ngữ tiếng Việt mà còn xuất hiện trong nhiều hệ thống ngôn ngữ khác trên toàn cầu. 

1.2. Ví dụ

Nhằm làm rõ khái niệm phía trên, một số ví dụ cụ thể về từ nhiều nghĩa sẽ được phân tích ngay sau đây:

- Trường hợp 1: từ chỉ có một nghĩa

“Xe đạp”: một loại phương tiện di chuyển có 2 bánh, vận hành bằng sức người tác động vào bàn đạp khiến bánh xe di chuyển. Trong trường hợp này, xe đẹp chỉ mang một nghĩa duy nhất và không được coi là từ nhiều nghĩa.

- Trường hợp 2: từ nhiều nghĩa

“ăn”: hành vi nạp năng lượng vào cơ thể động vật, con người với mục đích duy trì sự sống hoặc thúc đẩy sự tăng trưởng về cân nặng, chiều cao, trí tuệ.

“ăn ảnh”: từ ngữ dùng để chỉ những nét đẹp được thể hiện rõ qua ảnh, thường sử dụng trong lời khen cho người khác.

“biển ăn vào đất liền”: tình trạng nước biển dâng và lấn sâu vào thềm lục địa, làm mất đi một phần đất liền.

“mỹ phẩm ăn mặt”: chỉ hiện tượng dùng nhiều mỹ phẩm có tác động xấu, hủy hoại da mặt.

Trong trường hợp này, từ “ăn” được coi là từ nhiều nghĩa khi có nhiều nghĩa chuyển, nghĩa bóng được phát triển, ứng dụng linh hoạt dựa trên nghĩa gốc nhưng không mang ý nghĩa giống nhau hoàn toàn, tính chất biểu thị khác nhau.

1.3. Tác dụng

Như vậy, từ nhiều nghĩa giúp vốn từ vựng, cách biểu đạt trong giao tiếp hàng ngày trở nên phong phú hơn, tránh lặp đi lặp lặp một ý nhiều lần. 

Việc ứng dụng từ nhiều nghĩa một cách hiệu quả cũng giúp cuộc nói chuyện trở nên sinh động, dễ hiểu hơn cho cả người nói và người nghe.

Thêm vào đó, dù không được coi chính thức là một biện pháp tu từ, vận dụng từ nhiều nghĩa phù hợp sẽ làm tăng sức gợi hình gợi tả cho văn bản, truyền tải giá trị nghệ thuật, thông điệp và cảm xúc tốt hơn.

2. Lý giải hiện tượng chuyển nghĩa của từ

Thông thường, một từ được sáng tạo ra chỉ bao gồm một nghĩa gốc. Tuy nhiên, theo thời gian, xã hội thay đổi cùng sự nổi lên của những khái niệm, hiện tượng sự vật mới do sự biến đổi trong thực trạng kinh tế xã hội, mức độ phát triển về nhận thức, khoa học, nghệ thuật.

Hiện tượng nhiều nghĩa xảy ra nhằm đáp ứng nhu cầu giao tiếp của con người, biểu hiện những nhân tố mới. Từ đó, một từ có thể mang nhiều sắc thái, cách biểu thị khác nhau phụ thuộc mục đích giao tiếp, bối cảnh hội thoại, chủ đề dù không hoàn toàn giống nghĩa gốc.

2.1. Nghĩa gốc và nghĩa chuyển

Nghĩa đen thường để chỉ nghĩa chính, xuất phát điểm ban đầu của từ, tồn tại trước nghĩa chuyển. Nghĩa bóng hay nghĩa chuyển thường nổi lên sau, có sự liên hệ chặt chẽ với nghĩa đen nhằm biểu hiện những khía cạnh khác nhau.

Thông thường, mỗi từ chỉ có một nghĩa gốc nhưng có thể mang nhiều nghĩa chuyển hoàn toàn khác biệt. Và mặc dù xuất hiện trước, nghĩa gốc đôi khi không phải là nghĩa dùng phổ biến nhất do sự biến đổi trong xã hội con người.

  • Ví dụ: từ “đánh” có nghĩa gốc là làm đau, tổn thương người khác bằng cách tác dụng lực trực tiếp hoặc gián tiếp. Dựa trên nghĩa gốc, người Việt đã ứng dụng từ “đánh” theo năm nhóm nghĩa chuyển chính như sau:

Thứ nhất, từ đánh có thể ám chỉ đến hành động gõ vào đồ vật nào đó để tạo tiếng nhạc hoặc báo hiệu như đánh trống, đánh đàn.

Thứ hai, từ đánh có thể mang nghĩa về hành động cọ, xoa, xát nhằm làm sạch, đẹp một bề mặt nào đó như đánh răng, đánh giày.

Thứ ba, từ đánh còn được sử dụng để hình dung quá trình tạo hình cho đồ vật kim loại bằng cách tác động lực trực tiếp như đánh nhẫn, đánh dao.

Thứ tư, từ đánh chỉ hành động khua, khuấy liên tục với lực mạnh để chuyển một vật từ trạng thái lỏng sang trạng thái rắn như đánh trứng, đánh kem, đánh tiết canh.

Thứ năm, từ đánh còn biểu thị hành động truyền tải thông tin như đánh điện, đánh thư.

2.2. Nghĩa thường trực và nghĩa không thường trực

Khác với cách định nghĩa trên, phương thức thứ hai tập trung vào độ phổ biến, quen thuộc của nghĩa từ trong đời sống hàng ngày. Từ đó, nghĩa của từ được phân ra thành nghĩa thường trực và không thường trực.

Nghĩa thường trực thường để chỉ nghĩa thân thuộc và có tính ứng dụng cao hơn, gần với nghĩa gốc của từ. Lớp nghĩa này thường có tính chất ổn định, thống nhất, không nhất thiết phải dựa trên tình huống cụ thể để phân tích ý nghĩa của từ.

Trái lại, nghĩa không thường trực để đề cập đến cách nói bóng gió, ám chỉ, gắn liền với bối cảnh cụ thể thì mới có thể hiểu chính ý người dùng. Lớp nghĩa này thường xuyên được vận dụng trong truyện ngụ ngôn hoặc biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ để tăng tính biểu đạt cho văn bản.

  • Ví dụ: “Áo trắng em tung tăng chân bước cùng bạn bè, trong tiếng chim ca và làn gió nhẹ với niềm vui ngập tràn.”

Trong câu văn trên, từ “áo trắng” không nên được dịch theo nghĩa thường trực là chiếc áo màu trắng mà nên được phân tích căn cứ hoàn cảnh, chủ điểm cụ thể và hiểu là những học sinh hào hứng đến trường trong màu áo đồng phục trắng mới tinh tươm.

3. Phương pháp chuyển nghĩa của từ

Nhằm sáng tạo ra các ngữ nghĩa mới và tăng sức biểu cảm cho bài thơ, bài văn, tác phẩm truyện, người viết thường ứng dụng hai phương pháp chính để chuyển nghĩa của từ bao gồm ẩn dụ và hoán dụ.

Bằng cách vận dụng khéo léo hai hình thức này, từ vựng trở nên giàu sức biểu cảm, làm câu chuyện, hình ảnh trở nên sống động hơn và tác động mạnh mẽ hơn đến người đọc. 

Trong phần này, Kinhcan.vn sẽ giải đáp những thắc mắc và đưa ra ví dụ cụ thể về ứng dụng hai hình thức chuyển nghĩa này nhé.

3.1. Hình thức ẩn dụ

Trước hết, hiện tượng chuyển nghĩa xảy ra với hình thức ẩn dụ khi một từ được dùng để gọi tên nhiều sự vật hiện tượng khác nhau căn cứ vào một nét đặc trưng hoặc thuộc tính tương đồng nhau giữa các đối tượng.

Dựa trên nghiên cứu của nhà giáo dục Nguyễn Thiện Giáp, một số đặc điểm chính được cân nhắc khi sử dụng biện pháp ẩn dụ có thể kể đến hình thức, màu sắc, chức năng, cách thức, kết quả.

  • Ví dụ: Nghĩa gốc của “lá” để chỉ bộ phận của cây, nằm ở trên phần cành hoặc ngọn của thân cây. Hầu hết các loại lá đều khá mỏng, sở hữu chức năng quang hợp đảm bảo cây xanh tốt và phát triển xinh đẹp.

Khi sử dụng phương thức chuyển nghĩa ẩn dụ, từ “lá” có thể tạo nên nhiều nghĩa khác nhau dựa trên những khía cạnh giống nhau. Chẳng hạn, “lá” xuất hiện trong cụm từ chỉ một vài bộ phận cơ thể người như lá gan, lá phổi cùng chức năng; lá đơn, lá cờ cùng tính chất mỏng, nhẹ. 

3.2. Hình thức hoán dụ

Chuyển sang biện pháp hoán dụ, đây là hình thức gây ra sự biến đổi ngữ nghĩa bằng cách dùng tên sự vật, hiện tượng này để ám chỉ sự vật, hiện tượng khác dựa trên mối liên hệ biện chứng giữa hai sự vật, hiện tượng.

Thông thường, hoán dụ được thực hiện bằng rất nhiều cách đa dạng khác nhau, tiêu biểu như lấy bộ phận thay cho toàn thể, lấy quê hương đại diện cho con người, dùng cái chứa đựng thay cho cái chứa đựng, lấy cái tổng thể thay cho cái cá nhân, …

  • Ví dụ: Ngay khi nhắc đến từ “nhà trắng”, bạn sẽ nghĩa đến tòa nhà quốc hội dành riêng cho Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm tại thủ đô Washington DC. Tuy nhiên, nếu dịch sát nghĩa, nhà trắng mô tả một ngôi nhà được sơn màu trắng.

Việc lấy màu sắc đại diện cho sự vật đã in sâu vào tâm trí mọi người, hình thành thói quen suy nghĩa và biến nghĩa bóng của từ thành nghĩa thường trực dựa trên phương pháp hoán dụ.

4. Phân biệt từ nhiều nghĩa và từ đồng âm

Theo định nghĩa từ Bộ giáo dục, từ đồng âm chỉ nhóm từ hoàn toàn hoặc một phần giống nhau về âm, mỗi từ mang một nghĩa khác biệt hoàn toàn. 

Trái lại, từ nhiều nghĩa đề cập đến nhiều khía cạnh nghĩa khác nhau của một từ, những cách khai thác nghĩa này đều có mối liên hệ chặt chẽ với nghĩa gốc.

Để giải thích rõ hơn, bạn có thể tập trung vào cách giải nghĩa của hai loại từ này. Từ nhiều nghĩa có chung một xuất phát điểm rồi chia ra nhiều cách giải nghĩa dựa trên các tình huống thực tế. 

Trong khi đó, từ đồng âm chỉ có cách đọc, tương tự về phần bề mặt hay âm tiết, mỗi từ đều có cách giải nghĩa riêng không có sự gắn kết giữa nhóm từ.

5. Những lưu ý khi sử dụng từ nhiều nghĩa

Nếu bạn muốn vận dụng từ nhiều nghĩa một cách tốt nhất trong đời sống hàng ngày hay trong văn chương nghệ thuật, từ nhiều nghĩa nên dùng ở một mức độ vừa phải nhằm đảm bảo sự rõ ràng trong cách diễn đạt.

Hiện tượng lạm dụng từ nhiều nghĩa quá nhiều trong một bài viết sẽ có thể gây ra sự bối rối, khó hiểu cho người đọc do quá nhiều lớp nghĩa trong một đoạn hoặc hiểu nhầm không đáng có khi ngữ cảnh được nêu mơ hồ, không đủ thông tin.

Bên cạnh đó, việc luyện tập và tăng cường vốn từ vựng sẽ cực kỳ hữu ích cho cách bạn học sinh, sinh viên trong quá trình luyện thi cử hoặc sử dụng từ nhiều nghĩa. 

Nắm vững công thức chuyển nghĩa còn đồng nghĩa với việc bạn có thể sử dụng từ ngữ một cách linh hoạt và đa dạng hơn trong văn học và giao tiếp.

6. Bài luyện tập về từ nhiều nghĩa

  • Bài một: Đặt 5 câu sử dụng năm nghĩa khác biệt của từ “đi”, trong đó bao gồm một câu sử dụng nghĩa gốc và bốn câu sử dụng nghĩa chuyển.

  • Bài 2: Sau khi phân tích nghĩa của các từ in đậm trong phần dưới đây, chia các cụm từ kết hợp thành nghĩa gốc và nghĩa chuyển dựa trên phần kiến thức vừa học:

a) Miệng cười tươi, miệng rộng thì sang, há miệng chờ sung, trả nợ miệng, miệng bát, miệng túi, nhà 5 miệng ăn .

b) Xương sườn, sườn núi, hích vào sườn, sườn nhà, sườn xe đạp, hở sườn, đánh vào sườn địch. 

LỜI KẾT

Thông qua bài viết trên đây, Kinhcan.vn mong rằng bạn học đã hiểu rõ những thông tin cơ bản về từ nhiều nghĩa và cách ứng dụng hiện tượng chuyển nghĩa của từ trong đời sống, đồng thời có thể hoàn thiện các phần bài tập thuộc chủ điểm kiến thức này.