Từ láy là gì? Tác dụng của từ láy và cách phân biệt

Không chỉ xuất hiện trong văn thơ hay ca dao tục ngữ, từ láy còn được ứng dụng vào đời sống thường ngày. Đóng vai trò quan trọng, dạng từ này biểu đạt vẻ đẹp của ngôn ngữ, tạo nhịp điệu và cảm xúc cho câu văn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ khái niệm, phân loại cũng như cách sử dụng từ láy. Chính vì vậy, bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin hữu ích về từ láy, giúp độc giả sử dụng chúng một cách linh hoạt, hiệu quả hơn.

1. Thế nào là từ láy?

Là dạng đặc biệt của từ phức, từ láy được tạo thành bởi hai tiếng trở lên, trong đó các tiếng sở hữu nét tương đồng về âm đầu, vần hoặc cả hai. Trái với từ ghép, từ láy chỉ có ý nghĩa khi cấu tạo đầy đủ. Nếu chia tách các tiếng, chúng sẽ trở nên vô nghĩa hoặc chỉ một tiếng mang ý nghĩa.

Trong tiếng Việt, cấu tạo từ láy sở hữu tối đa bốn tiếng và tối thiểu hai tiếng, phổ biến nhất là từ láy hai tiếng. Để tạo ra từ láy, phương pháp điệp từ (lặp ngữ âm) cùng phép đối (biến âm) thường được sử dụng. 

Tạo thành bởi hai phần, từ láy gồm phần gốc và phần láy. Nếu phần gốc là tiền đề, cơ sở cho cấu trúc thì phần láy thể hiện phương pháp lặp. Một số ví dụ cơ bản của từ láy gồm long lanh, lấp lánh, ào ào, thăm thẳm, tào lao, khanh khách, rì rào, lảo đảo, miên man, lao xao hay ngơ ngác.

2. Phân loại từ láy

Dựa trên cấu tạo cùng phương pháp láy, từ láy được chia thành hai dạng gồm từ láy toàn bộ và từ láy bộ phận.

2.1. Từ láy toàn bộ

Từ láy toàn bộ sở hữu các tiếng lặp hoàn toàn về âm lẫn vần, đơn cử ào ào, dần dần, ầm ầm, rào rào, đùng đùng, xanh xanh, luôn luôn hay rưng rưng.

Tuy nhiên, một số từ láy toàn bộ được thay đổi phụ âm cuối, thanh điệu để tạo sự hài hòa về âm thanh, tiêu biểu như thăm thẳm, lồng lộng, đu đủ, bình bịch, ngoan ngoãn, mơn mởn, bần bật, khanh khách, lanh lảnh và thoang thoảng.

2.1. Từ láy bộ phận

Với từ láy bộ phận, phần âm hoặc vần sẽ lặp lại, tạo thành từ láy âm đầu và từ láy vần. Một số ví dụ điển hình có thể kể đến:

- Từ láy âm đầu: miên man, thấp thỏm, xinh xắn, mếu máo, đủng đỉnh, hổn hển, long lanh, san sát, rực rỡ, ngơ ngác, ngu ngơ, vu vơ, vằng vặc, tung tăng, run rẩy, xộc xệch, gay gắt, tràn trề, nhồm nhoàm, khù khờ, hốc hác, đẹp đẽ, lấp lánh, thơm tho, lung linh, kháu khỉnh, mới mẻ, dào dạt và tròn trĩnh.

- Từ láy vần: lác đác, chầm chậm, liêu xiêu, lấm tấm, táy máy, khéo léo, tần ngần, chênh vênh, lờ đờ, lim dim, linh tinh, lởm chởm, chơi vơi, lảng vảng, hấp tấp, lom khom, bồn chồn, lao xao, lan man, bồi hồi, lủng củng, khúm núm, bâng khuâng, thong dong và bứt rứt.

Với hai loại kể trên, từ láy bộ phận thường được ứng dụng rộng rãi hơn do tính linh hoạt, thuận tiện khi kết hợp trong câu văn, lời nói.

3. Tác dụng của từ láy

Phổ biến trong văn học, từ láy được sử dụng để nhấn mạnh vẻ đẹp, trạng thái ở sự vật hay hiện tượng, đồng thời diễn tả tâm lý, thái độ cùng cảm xúc của con người.

Nhờ đặc điểm độc đáo, dạng từ này còn tạo nhạc tính, âm điệu cho câu văn, qua đó khắc họa vẻ hài hòa của ngữ cảnh. Từ láy vì vậy thường xuất hiện dưới dạng tượng thanh, tượng hình và ứng dụng rộng rãi trên văn nói lẫn văn viết. Nhờ đó, từ láy cung cấp góc nhìn đa chiều về đối tượng, vấn đề được nhắc tới.

4. Phân biệt từ láy và từ ghép

Vốn phong phú và đa dạng, tiếng Việt sở hữu cấu trúc phức tạp về từ vựng lẫn ngữ âm. Nhằm sử dụng linh hoạt, việc phân biệt từ láy với từ ghép đã trở thành một phần quan trọng, không thể thiếu trong cuộc sống.

Tuy nhiên, hai dạng từ này vẫn ẩn chứa nhiều nét tương đồng, dễ gây ra nhầm lẫn. Vì vậy, Kinhcan.vn mang đến bảng tiêu chí dưới đây, giúp bạn đọc phân biệt dễ dàng khi ứng dụng vào văn thơ, ngôn ngữ.

Tiêu chí phân loại

Từ láy

Từ ghép

Định nghĩa

Từ láy gồm hai tiếng trở lên, trong đó các tiếng sở hữu nét tương đồng về âm đầu, vần hoặc cả hai.

Từ ghép gồm hai tiếng trở lên, trong đó các tiếng không tương đồng về cấu tạo nhưng sở hữu mối liên kết về ý nghĩa.

Nghĩa tạo thành

Khi tách rời, chỉ một tiếng có nghĩa hoặc không tiếng nào có nghĩa.

Ví dụ: Từ láy “rì rào” được tạo thành bởi “rì” và “rào” đều không có nghĩa khi tách riêng.

Khi đứng độc lập, cả hai tiếng đều có nghĩa.

Ví dụ: Từ ghép “bàn ghế” được tạo thành bởi “bàn” và “ghế” đều mang ý nghĩa khi đứng độc lập.

Đảo trật tự từ

Với từ láy, việc đổi vị trí các tiếng khiến từ trở nên vô nghĩa.

Ví dụ: Từ láy “lao đao” khi đổi thành “đao lao” sẽ không có ý nghĩa

Khi đảo trật tự các tiếng, từ ghép vẫn giữ nguyên nghĩa.

Ví dụ: Từ ghép “đau đớn” khi đảo vị trí hai tiếng thành “đớn đau” thì vẫn có nghĩa.

Thành phần Hán Việt

Từ láy không sở hữu thành phần Hán Việt trong cấu tạo.

Ví dụ: Dù lặp âm đầu, chữ “tử” trên “tử tế” cho thấy đây không phải từ láy.

Từ ghép có thể sở hữu thành phần Hán Việt trong cấu tạo.

Ví dụ: Dù lặp âm đầu, chữ “tử” trong “tử tế” cho thấy từ này là từ ghép.

5. Ứng dụng của từ láy trong văn học

Để nắm được cách sử dụng từ láy, phương pháp luyện tập tốt nhất là đọc và nghiên cứu các tác phẩm văn học, nơi chứa đựng sự đa dạng về ngôn từ. Điển hình như bài thơ Thương Vợ của Tú Xương, tác giả sử dụng từ láy để mô tả hoàn cảnh, bày tỏ cảm xúc ẩn giấu:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên, hai nợ, âu đành phận,

Năm nắng, mười mưa, dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:

Có chồng hờ hững cũng như không!”

Trong tác phẩm trên, hai từ láy “lặn lội” và “eo sèo” tái hiện hình ảnh bà Tú, người vợ tần tảo của nhà thơ Tú Xương. Không chỉ nhấn mạnh hình ảnh thực tế, các từ này còn diễn tả cuộc sống khó khăn, thực trạng mưu sinh vất vả ở thời phong kiến.

Thêm vào đó, hai từ láy còn bộc lộ cảm xúc của nhà thơ khi chứng kiến cảnh người vợ gồng gánh gia đình, qua đó thể hiện lòng xót thương và sự bất lực ở Tú Xương. Tiếp tục nhấn mạnh vào xúc cảm, nhà thơ sử dụng từ láy “hờ hững” nhằm châm biếm, mỉa mai sự vô dụng của bản thân.

Bởi hoàn cảnh, ông Tú chỉ ở nhà, chuyên tâm ôn luyện cho khoa cử mà không thể phụ giúp, đỡ đần vợ mình. Bà Tú vì vậy phải lam lũ mưu sinh, một mình kiếm tiền nuôi cả chồng lẫn con. 

Qua từng vần thơ da diết, Tú Xương muốn ca ngợi những công lao, sự hy sinh của người vợ dành cho gia đình. Nhờ sử dụng từ láy một cách linh hoạt, bài thơ không chỉ thành công khắc họa tình cảnh, cảm xúc của con người mà còn trở nên nhịp nhàng, uyển chuyển tựa tiếng ca.

Trong kho tàng văn thơ, một ví dụ khác về ứng dụng của từ láy là bài thơ Câu cá mùa thu (Thu Điếu) của Nguyễn Khuyến.

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Là vàng trước gió khẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối buông cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”

Nhằm khắc họa thiên nhiên, tác giả đã sử dụng loạt từ láy gồm “Lạnh lẽo”, “Tẻo teo” cùng “Lơ lửng”. Tuy nhiên, những từ ấy không chỉ diễn tả khung cảnh đìu hiu của mùa thu mà còn gợi đến bức tranh tâm trạng ở con người:

- “Lạnh lẽo”: Từ này vừa mô tả cái giá lạnh của nước vừa khắc họa bầu không khi hiu hắt, có phần đượm buồn nơi cảnh vật, qua đó tiết lộ nỗi buồn sâu sắc của nhà thơ.

- “Tẻo teo” : Không chỉ miêu tả kích cỡ chiếc thuyền, từ láy còn gợi cảm giác về sự thu hẹp của không gian, thời gian. Điều này hoàn toàn phù hợp với góc nhìn, cảm xúc của Nguyễn Khuyến khi ông rơi vào trạng thái bâng khuâng.

- “Lơ lửng” : Qua hình ảnh đám mây trên trời, nhà thơ tiếp tục nhấn mạnh vào sự vô định, trạng thái mơ màng của tâm trí.

Ngoài thi ca, từ láy còn được sử dụng rộng rãi trong nhiều tác phẩm văn xuôi, nổi bật nhất là Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.

“Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quện thành từng cục máu lớn.”

Tận dụng liên tiếp chuỗi từ láy như "ào ào", "tràn trề", "ngào ngạt", "long lanh", "gay gắt" cùng "dần dần", nhà văn thành công trong việc khắc họa khung cảnh đau thương, số phận nghiệt ngã của cánh rừng xà nu, nơi hứng chịu bom đạn từ chiến tranh. 

Kết hợp phép nhân hóa, loạt từ láy đã biến cây cối thành con người, nhấn mạnh vào xúc cảm và khiến nỗi đau trở nên chân thực hơn cả. Qua đó, tâm tư của tác giả cũng được bộc lộ, thể hiện lòng xót thương cho cánh rừng bị tàn phá.

LỜI KẾT

Qua bài viết trên, Kinhcan.vn hy vọng đã giải đáp thắc mắc về từ láy cho bạn đọc, đồng thời cung cấp nguồn kiến thức bổ ích để phục vụ quá trình học tập, giao tiếp và nghiên cứu.