Tình từ là gì? Cụm tình từ là gì?

Trong giao tiếp lẫn viết lách, con người thường sử dụng tính từ để câu văn hoặc lời nói thêm sinh động, trau chuốt hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ khái niệm, phân loại, chức năng cùng dấu hiệu nhận biết tính từ.

Để cung cấp cho độc giả nguồn kiến thức bổ ích liên quan đến tính từ, Kinhcan.vn sẽ cùng bạn đọc khám phá bài viết dưới đây.

1. Tính từ là gì?

Trước khi tìm hiểu các nội dung khác, việc nhận biết và thông hiểu khái niệm tính từ là rất quan trọng.

1.1. Định nghĩa và ví dụ

Tính từ là từ ngữ được sử dụng nhằm mô tả tính chất hay đặc điểm của sự vật, sự việc, hành động cùng hiện tượng nào đó. Nhờ tính từ, người đọc hoặc người nghe có thể hình dung một cách dễ dàng về đối tượng được nhắc tới.

Sở hữu khả năng biểu đạt cao, tính từ làm tăng tính gợi hình, gợi cảm trên nhiều mức độ khác nhau. Phối hợp với loại từ khác như động từ và danh từ, tính từ có chức năng bổ sung ý nghĩa cho câu.

Một số ví dụ tiêu biểu cho tính từ gồm đỏ, vàng, xanh, tím, hồng, lục, cam, lam, chàm, trắng, đen, xinh đẹp, hoàn hảo, đổ vỡ, lạnh lùng, nóng nảy, sáng sủa, cứng, dẻo, dai, đắng, bùi, ngọt, mềm, chua, cay, cao, béo, gầy, mỏng, dày, dài, ngắn, thon thả, mập mạp, dễ thương, vui vẻ.

1.2. Cụm tính từ là như thế nào?

Khi kết hợp với những từ ngữ khác, tính từ sẽ chuyển thành cụm tính từ. Chức năng của cụm tính từ là bổ ngữ, chủ ngữ hoặc vị ngữ trong câu.

2. Phân loại tính từ

Tính từ được chia thành năm loại chính là tính từ chỉ đặc điểm, tính từ chỉ trạng thái, tính từ chỉ tính chất, tính từ tự thân và tính từ không tự thân.

2.1. Tính từ chỉ đặc điểm

Mô tả hình dáng bên ngoài của vật, tính từ chỉ đặc điểm xoay quanh các nội dung gồm màu sắc, dáng vẻ, đường nét, âm thanh hay cấu tạo của sự vật khi quan sát, lắng nghe và cảm nhận trực tiếp bằng hệ thống giác quan.

Một vài ví dụ điển hình là xinh đẹp, trắng trẻo, thon thả, mập mạp, gầy guộc, mảnh dẻ, dài, ngắn, cao, thấp, béo, gầy, đen, trắng, hồng, đỏ, lùn, cong, thẳng, dẻo, cứng, chóe, chói, trầm, bổng, lảnh lót, cao vút, vời vợi, mềm mại, cứng rắn, lỏng lẻo, trong suốt, xanh, tím, lục, lam.

2.2. Tính từ chỉ trạng thái

Tính từ chỉ trạng thái mô tả trạng thái cụ thể của con người, sự vật, sự việc hay hiện tượng trong khoảng thời gian nhất định.

Một vài ví dụ nổi bật của tính từ chỉ trạng thái gồm hôn mê, bất tỉnh, ốm yếu, khỏe mạnh, ồn ào, yên tĩnh, giàu sang, nghèo khó, khốn khổ, sung sướng, vui vẻ, buồn bã, đau đớn, thoải mái, mơ màng, tỉnh táo, tập trung, lơ đễnh.

2.3. Tính từ chỉ tính chất

Phản ánh yếu tố bên trong, tính từ chỉ tính chất biểu thị phẩm chất, nội dung của sự vật, sự việc hay hiện tượng. Những điều ấy không thể cảm nhận bằng giác quan thông thường mà phải trải quá một quá trình nghiên cứu, quan sát, phân tích, suy luận và khái quát.

Một số ví dụ tiêu biểu có thể kể đến tốt bụng, ấm áp, hồn nhiên, cọc cằn, ngoan ngoãn, hư hỏng, bê tha, ăn chơi, xấu xa, độc ác, tồi tệ, gàn dở, kỳ cục, thông minh, ngu ngốc, quái đản, hài hước, nhạt nhẽo, thanh tao, quý phái, cao thượng, gan dạ, nhút nhát, hèn hạ.

2.4. Tính từ tự thân

Vốn là tính từ gốc, tính từ tự thân biểu thị những yếu tố như mức độ, hương vị, màu sắc, tính chất, phẩm chất, kích thước của sự vật, sự việc hay hiện tượng, cụ thể như sau:

- Tính từ chỉ lượng: nhiều, nông, ít, vơi, sâu, đông, đầy, vắng.

- Tính từ chỉ mức độ hoặc cách thức: xa. Gần, nhanh nhảu, chậm chạp, lề mề, nhanh chóng, cẩu thả, vội vàng, từ tốn, cẩn thận.

- Tính từ chỉ hương vị: ngọt, bùi, béo, chua, ngậy, đắng, mặn, nhạt, cay, tanh, nồng.

- Tính từ chỉ âm thanh: vang, bổng, lanh lảnh, trầm, ồn ào, khẽ khàng, ríu rít, líu lo, lảnh lót, chí chóe, rào rào, ầm ầm, ào ào, đoàng đoàng, vang vọng, đùng đùng.

- Tính từ chỉ hình dáng: tam giác, vuông, tròn, chữ nhật, thoi, thang, nón, cầu, trụ, vòng cung, cánh cung, thẳng tắp, khúc khuỷu, hun hút, ngoằn ngoèo, quanh co, gấp khúc, cong queo.

- Tính từ chỉ kích thước: rộng, to, nhỏ, dày, thấp, mỏng, ngắn, khổng lồ, tí hon, rộng, hẹp.

- Tính từ chỉ màu sắc: trắng, đen, hồng, tím, cam, vàng, đỏ, lam, lục, chàm, xám, nâu, tím.

- Tính từ chỉ phẩm chất: phải, trái, đúng, sai, tốt, xấu, sạch, bẩn, anh dũng, hèn nhát, kiên cường, nhụt chí, sang trọng, hèn hạ, quý phái, thanh tao, gan dạ, dũng cảm, bất khuất.

2.5. Tính từ không tự thân

Vốn không phải tính từ gốc, tính từ không tự thân là danh từ hoặc động từ chuyển đổi thành tính từ, chúng được sử dụng với chức năng của tính từ. Dạng tính từ này chỉ có nghĩa nếu được đặt trong bối cảnh nhất định.

Khi sáng tác “Truyện Kiều”, đại thi hào Nguyễn Du đã xây dựng nhân vật Sở Khanh là một gã đàn ông có bề ngoài hào hoa, phong nhã nhưng thực chất lại là tên đểu cáng.

Cụm “sở khanh” về sau được người dân Việt Nam sử dụng như một tính từ ám chỉ những tên đàn ông đạo đức giả, chuyên lừa gạt tình cảm của người khác.

3. Chức năng của tính từ

Không chỉ hình thành ý nghĩa cho câu, tính từ còn dễ dàng kết hợp với danh từ, động từ khiến lời văn trở nên thú vị, linh động và đa dạng hơn. Trong một số trường hợp, tính từ cũng đóng vai trò chủ ngữ, thành phần bổ ngữ ở câu đơn, qua đó hoàn thiện ý nghĩa của câu.

Nhờ đặc điểm giàu tính biểu cảm, tính từ có tác dụng làm tăng tính gợi hình, gợi cảm cũng như giá trị nghệ thuật trong văn bản và thi ca, đơn cử:

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!

Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu... “

“Vì sao” - Xuân Diệu

“Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So bề tài sắc lại là phần hơn.

Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.”

"Truyện Kiều" - Nguyễn Du

4. Bài tập ứng dụng

Bài tập 1: Bạn hãy đặt 5 câu có chứa tính từ và chỉ ra chúng.

Phần chữa ví dụ:

- Hoa đeo khuyên tai trông rất tinh xảo

=> “Tinh xảo” là tính từ chỉ đặc điểm.

- Bầu trời cao vời vợi với những gợi mây trắng.

=> “Vời vợi” và “trắng” là tính từ mô tả đặc điểm

- Cậu bé ấy rất hào phóng khi thường xuyên chiêu đãi bạn bè.

=> “Hào phóng”  là tính từ chỉ tính chất.

- Do buồn ngủ, Hùng không nghe giảng mà mơ hồ nhìn ra cửa sổ.

=> “Buồn ngủ” và “mơ hồ” là tính từ chỉ trạng thái.

- Cây thông Noel được trang trí bằng những quả cầu tròn xoe, dây kim tuyến lấp lánh và ông sao vàng trên đỉnh.

=> “Tròn xoe”, “lấp lánh” và “vàng” đều là tính từ chỉ đặc điểm.

Bài tập 2: Tìm ra các tính từ trong đoạn thơ dưới đây:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể.”

"Sóng" - Xuân Quỳnh,

Phần chữa ví dụ:

Các tính từ có trong đoạn thơ thuộc bài “Sóng” của Xuân Quỳnh là “dữ dội”, “dịu êm”, “ồn ào” và “lặng lẽ”. Chúng đều dùng để chỉ tính chất của con sông nhưng đồng thời ẩn dụ cho phẩm chất ở người con gái.

LỜI KẾT

Qua bài viết trên, Kinhcan.vn hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ tính từ là gì cũng như cách phân biệt các loại tính từ. Để cập nhật nguồn kiến thức hữu ích, hãy đón đọc những chuyên mục tiếp theo bạn nhé!