Quy luật là gì? Tính chất các loại và phân loại quy luật cơ bản

Thường xuyên bắt gặp trong các môn khoa học và thực tiễn đời sống, liệu bạn đã hiểu chính xác về thuật ngữ quy luật? Quy luật là một thuật ngữ quan trọng đối với cuộc sống con người.

Thông qua bài viết này, Kinhcan.vn sẽ cung cấp đầy đủ và chi tiết nhất về những lý thuyết liên quan đến quy luật, cách phân loại quy luật và ứng dụng của quy luật trong lĩnh vực triết học. 

1. Quy luật là gì?

Trước khi tìm hiểu chi tiết hơn về cách phân loại và ứng dụng của quy luật, phần đầu bài viết sẽ giải thích cụ thể về khái niệm quy luật từ góc độ đời sống và góc độ triết học.

1.1. Khái niệm quy luật trong đời sống hàng ngày

Xét từ góc độ thường thức, quy luật dùng để chỉ những hiện tượng có tính trật tự, có hệ thống rõ ràng và xuất hiện nhiều lần trong đời sống hàng ngày.

Chẳng hạn như “sinh, lão, bệnh, tử” có thể coi là một quy luật cơ bản của vòng đời con người. Những sự việc này chắc chắn sẽ diễn ra đối với tất cả con người, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, giới tính, màu da, sở thích.

1.2. Khái niệm quy luật từ góc độ triết học

Ngoài ra, quy luật còn được định nghĩa sâu hơn dưới góc độ triết học. Ở trường hợp này, quy luật được coi như kết quả sau một quá trình tư duy khoa học, từ đó đưa ra đánh giá về mối liên kết giữa các sự vật và khái quát tổng thể về điểm chung giữa chúng.

Theo một cách diễn giải khác, quy luật xuất phát từ chính các sự việc, đời sống con người sau đó được đúc kết thành các quy luật nhờ tư duy, nhận thức của con người.

Cách giải nghĩa này có thể liên hệ đến một phát biểu nổi tiếng của học giả Lỗ Tấn: “Trên đường này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi.”

Chủ nghĩa duy vật biện chứng lại đem đến một cách định nghĩa khác về quy luật. Học thuyết này cho rằng quy luật vẫn luôn tồn tại trong thực tế dù thiếu vắng tư duy, phản ánh của con người.

Những quy luật này không thể được tạo ra hay phá hủy nhưng chỉ thực sự được chấp nhận hay ứng dụng khi con người có nhận thức và đưa ra khái quát chung về chúng. Từ đó, quy luật luôn mang tính khách quan dưới góc độ chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Trái lại, chủ nghĩa duy tâm lại khái quát rằng quy luật được hình thành chủ yếu nhờ quan sát, nhận thức của mỗi người. Bởi vậy, mỗi quy luật đều mang nét chủ quan, nhận định cá nhân và thiếu tính khách quan.

Quan điểm trái ngược giữa hai trường phái triết học này vẫn luôn là đề tài thảo luận gây tranh cãi, dù hiện tại khái niệm quy luật thường được chấp nhận theo cách nhìn của chủ nghĩa duy vật biện chứng.

2. Tính chất của quy luật 

Phần hai bài viết sẽ phân tích cụ thể hơn những tính chất của quy luật xét từ góc độ lý thuyết duy vật biện chứng, cách nhìn nhận phổ biến hơn trong cộng đồng chung. Quy luật gồm hai đặc điểm chính như sau:

  • Thứ nhất, quy luật gắn liền với tính khách quan và đương nhiên. Cụ thể hơn, tất cả các quy luật đều có sẵn trong thực tiễn. Con người chỉ góp phần phổ biến và ứng dụng chúng, chứ không thể tác động vào bản chất vốn có của quy luật.

  • Thứ hai, quy luật thường có tính ổn định bởi nó đại diện cho những mối liên kết bản chất, phổ biến. Đồng thời, quy luật là sự lặp đi lặp các sự kiện, thuộc tính của một đối tượng, sự vật hay giữa các đối tượng, sự vật.

3. Các loại quy luật dựa trên phạm vi tác động

Dựa trên hoàn cảnh, tình huống cụ thể, quy luật có nhiều cách phân chia khác nhau. Việc phân loại quy luật là hành động hữu ích giúp thúc đẩy quá trình vận dụng của con người diễn ra hiệu quả và thuận lợi hơn.

Phần ba sẽ làm rõ các loại quy luật dựa trên trình độ phổ biến. Từ góc độ này, quy luật được chia thành ba loại khác nhau, gồm quy luật chung, quy luật riêng và quy luật phổ biến.

3.1. Quy luật riêng

Quy luật riêng đề cập đến nhóm quy luật mang ý nghĩa đặc trưng cho một phạm vi giới hạn như cùng lĩnh vực khoa học hay môn học.

Chẳng hạn như các quy luật vật lý, quy luật hóa học, quy luật sinh học, quy luật toán học.

3.2. Quy luật chung

Ngược lại, quy luật chung chỉ những quy luật có phạm vi tác động rộng hơn so với quy luật riêng. Loại quy luật này có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau, không giới hạn trong một lĩnh vực nhất định.

Ví dụ: quy luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng, đây là một quy luật tồn tại trong rất nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên như vật lý, hóa học, sinh học, …

3.3. Quy luật phổ biến

Quy luật phổ biến lại đề cập đến nhóm quy luật với phạm vi tác động bao gồm tất cả các lĩnh vực trong khoa học, đời sống như tự nhiên, tư duy, xã hội.

Một ví dụ tiêu biểu nhất cho loại quy luật này là ba quy luật cơ bản của phép duy vật biện chứng, sẽ được giải đáp cụ thể hơn ở phần cuối bài viết.

4. Phân loại quy luật dựa trên lĩnh vực

Quy luật còn được phân loại dựa trên lĩnh vực tác động chính của chúng. Ở phương thức này, quy luật được chia thành ba nhóm chính bao gồm quy luật tự nhiên, quy luật xã hội và quy luật tư duy.

4.1. Quy luật tự nhiên

Quy luật tự nhiên chỉ nhóm quy luật vô sinh và hữu sinh, tự nổi lên do môi trường tự nhiên, không cần tác động trực tiếp từ tư duy hay hành vi của con người. Dù vậy, một số quy luật tự nhiên cũng có thể quan sát thấy trong đời sống con người.

Chẳng hạn như, quy luật trao đổi chất là một hành động tự nhiên, thải CO2 và hấp thụ oxy để duy trì sự sống. Hiện tượng này tồn tại trong vòng đời của cả con người, động vật và thực vật.

Hay một ví dụ khác có thể đề cập đến là cách núi lửa hình thành và hoạt động. Đây là một quy luật tự nhiên khi các lớp nham thạch ở sâu trong lòng đất bắt đầu vận động, tiến đến miệng phun trào thứ cấp và bùng ra ngoài qua miệng phun trào sơ cấp. Từ đó, khu vực xung quanh núi lửa sẽ bị bao phủ bởi tro bụi và nham thạch nóng chảy.

4.2. Quy luật xã hội

Quy luật xã hội đề cập đến nhóm hoạt động chính của con người, đặc biệt là trong các mối quan hệ giữa người với người. Những quy luật này chỉ xảy ra nhờ sự tư duy, nhận thức chủ động của con người, không tồn tại sẵn tại môi trường tự nhiên.

Dẫu vậy, những quy luật này không thể bị xóa bỏ hay mất đi dưới sự tác động của con người. Suy ra, quy luật vẫn gắn liền với tính khách quan.

Một vài ví dụ cho loại quy luật này như: quy luật về mức độ tương quan giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất hoặc điều kiện cơ sở hạ tầng sẽ định hình, ảnh hưởng mạnh mẽ kiến trúc thượng tầng.

4.3. Quy luật tư duy

Cuối cùng, quy luật tư duy là nhóm quy luật phản ánh mối liên kết nội tại của các khái niệm, phạm trù, phán đoán chủ quan, từ đó phát triển thành tri thức thuộc tư tưởng con người.

Chẳng hạn như: quy luật đồng nhất trong tư duy, quy luật cấm mâu thuẫn, quy luật bài chung.

5. Ba quy luật cơ bản của phép duy vật biện chứng

Phần cuối bài viết sẽ đi sâu vào phân tích ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật. Đây là hệ thống kiến thức nền tảng giúp các bạn học sinh, sinh viên tiếp thu tốt triết học Mác – Lênin, một học phần bắt buộc trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Nhóm quy luật này đóng vai trò cực kỳ quan trọng cấu thành phép chủ nghĩa duy vật, là cấu trúc chính để hình thành tư duy của toàn bộ triết học Mác – Lênin. 

Chức năng chính của nhóm quy luật tập trung vào việc giải thích về nguyên lý phát triển của sự vật, hiện tượng bao gồm quy luật mâu thuẫn, quy luật lượng và chất, quy luật phủ định.

5.1. Quy luật mâu thuẫn

Đầu tiên, quy luật mâu thuẫn được coi như quy luật quan trọng nhất của chủ nghĩa Mác, chỉ rõ nguồn gốc, động lực cho sự vận động và phát triển. Theo triết học Mác, gốc rễ cho sự phát triển là mâu thuẫn, quá trình giải quyết mâu thuẫn bên trong của mỗi sự vật, hiện tượng.

Nội dung cụ thể của quy luật này gắn liền với sự tồn tại của các mặt đối lập và quá trình đấu tranh của chúng. Theo đó, bản chất các sự vật đều hàm chứa các khuynh hướng tương phản khác nhau, liên tục trải qua quá trình thống nhất và đấu tranh nhằm xóa bỏ cái cũ và sản sinh cái mới.

Trong suốt quá trình này, sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập sẽ luân phiên và gắn kết chặt chẽ với nhau. Thông qua quá trình vận động, tất yếu sự chuyển hóa sẽ xảy ra, dẫn đến sự biến đổi mới.

5.2. Quy luật lượng - chất

Trong khi đó, quy luật lượng – chất tập trung vào quá trình chuyển hóa, cách thức cụ thể của quá trình vận động. Nhà tư tưởng Ph.Ăngghen đã khái quát quy luật này như sau: “Những thay đổi đơn thuần về lượng, đến một mức độ nhất định, sẽ chuyển hóa thành những sự khác nhau về chất.”

Giải nghĩa cụ thể là, mỗi sự vật hiện tượng đều cấu thành bởi chất và lượng. Hai yếu tố này tồn tại và thống nhất hữu cơ với nhau trong sự vật, hiện tượng.

Nếu chất duy trì sự ổn định xuyên suốt thì lượng biến đổi thường xuyên, dẫn đến mâu thuẫn giữa lượng và chất. 

Khi mâu thuẫn giữa hai yếu tố này được giải quyết, chất mới sẽ được hình thành với lượng mới, vòng lặp lại bắt đầu khi lượng xảy ra sự biến đổi. Đây chính là cách thức phát triển của mọi hiện tượng, sự vật.

5.3. Quy luật phủ định

Quy luật phủ định nhấn mạnh khuynh hướng phát triển của sự vật hiện tượng. Triết học Mác khái quát sự phát triển thành một mô hình xoắn trôn ốc, lặp lại giai đoạn đầu ở trình độ cao hơn.

Từ đó, có thể hiểu rằng, sự phát triển là xu hướng chung của tất cả các sự vật, sự việc. Tuy nhiên, quá trình phát triển của mỗi sự vật sẽ quanh co phức tạp, trải qua nhiều bước trung gian.

Quy luật này giúp người học tránh được cách nhìn phiến diện, giản đơn trong việc nhận thức các sự vật, hiện tượng xã hội. Sau đó, có thể tự rút kinh nghiệm và đưa ra những đổi mới phù hợp với tình hình.

LỜI KẾT

Kinhcan.vn mong rằng bài viết này sẽ giải đáp những thắc mắc của bạn học liên quan đến quy luật, cách phân loại quy luật và ứng dụng của quy luật trong chủ nghĩa duy vật biện chứng.