Nói giảm nói tránh là gì? Phân loại, ứng dụng và so sánh

Từ xưa đến nay, giao tiếp luôn đòi hỏi sự rèn luyện và ứng dụng từ ngữ linh hoạt để gây thiện cảm với người đối diện. Nói giảm nói tránh là một cách vận dụng từ ngữ khéo léo nhằm thể hiện dáng vẻ lịch sự và tinh tế trong cuộc đối thoại.

Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Kinhcan.vn tìm hiểu những kiến thức cơ bản và cách ứng dụng của biện pháp nói giảm nói tránh nhé!

1. Nói giảm nói tránh là gì?

1.1. Định nghĩa nói giảm nói tránh

Dựa trên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8, nói giảm nói tránh là một biện pháp tu từ nghệ thuật xuất hiện nhiều trong các bài thơ, đoạn văn và cả đời sống sinh hoạt hàng ngày. 

Biện pháp này thường dùng những từ đồng nghĩa, trái nghĩa hoặc cách diễn đạt thay thế nhằm giảm nhẹ mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, sự việc giúp người nghe, người đọc dễ đón nhận hơn.

1.2. Tác dụng của nói giảm, nói tránh

Trong đời sống hàng ngày, nói giảm nói tránh làm bớt đi tính chất tiêu cực, nỗi buồn hay tránh đi sự thô tục, ghê rợn giúp người đọc, người nghe dễ tiếp nhận hơn. Từ đó, cuộc đối thoại, giao tiếp cũng trở nên lịch sự và thuận lợi hơn.

Trong văn chương, nói giảm nói tránh được vận dụng với nhiều hàm ý nghệ thuật khác nhau. Không chỉ giúp câu văn trở nên trang trọng, thanh nhã, biện pháp tu từ này còn truyền tải những thông điệp riêng của tác giả đến người đọc.

2. Phân loại nói giảm nói tránh

Thông thường, có bốn cách được áp dụng cho việc nói giảm nói tránh với những mục đích, tác dụng khác nhau:

  • Thay thế bằng các từ đồng nghĩa, từ Hán - Việt để tăng sự trang trọng, lịch sự cho câu văn. 

Ví dụ: “Cảnh sát tìm thấy một xác chết cạnh dòng sông đầu làng.” Trong câu văn, từ “xác chết” gợi sự ghê rợn, cảnh thô tục có thể được thay thế bằng từ Hán Việt “thi thể” để tạo cảm giác trang trọng hơn.

  • Sử dụng cách diễn đạt gián tiếp nhằm giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng, tránh các từ ngữ tiêu cực làm giảm cảm giác nặng nề.

Ví dụ: “Bạn ấy còn kém lắm” có thể chuyển thành “Bạn ấy cần phải cố gắng hơn nữa”, giúp cách diễn đạt uyển chuyển và không gây xúc phạm người đối diện.

  • Cách nói phủ định bằng việc dùng từ trái nghĩa, giảm tính tiêu cực và thể hiện sự tôn trọng người đọc, người nghe.

Ví dụ: “Bức tranh xấu lắm.” Từ “xấu” có thể diễn đạt lại bằng “không đẹp lắm” để giúp nhận xét trở nên tích cực và dễ tiếp nhận hơn.

  • Sử dụng cách nói trống (tỉnh lược) nhằm giảm tính chất đau buồn, chuẩn bị tâm lý cho người đọc, người nghe.

Ví dụ: “Anh ấy bị thương nặng thế thì không còn sống được lâu nữa đâu chị à”. Câu trên có thể chuyển thành “Anh ấy (…) thế thì không( …) được lâu nữa đâu chị à.” để mang cảm giác nhẹ nhàng hơn.

3. Một số ứng dụng về việc sử dụng nói giảm, nói tránh

3.1. Trong đời sống hàng ngày

Nói giảm nói tránh thường xuyên xuất hiện trong các tình huống thường ngày. Tuy nhiên, việc ứng dụng biện pháp này cần dựa trên từng tình huống và mục đích cụ thể để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Trước hết, nói giảm nói tránh sẽ làm câu văn uyển chuyển, giao tiếp thuận lợi hơn trong một vài trường hợp dưới đây:

  • Khi bạn muốn giảm cảm giác đau thương, xoa dịu nỗi sợ, tránh sự thô tục trong cuộc đối thoại, câu văn.

  • Khi bạn giao tiếp với người lớn tuổi hơn hoặc có địa vị xã hội cao hơn nhàm thể hiện sự tôn trọng, lịch sự.

  • Khi bạn muốn góp ý tinh tế, chân thành giúp người nghe dễ đón nhận với tâm trạng thoải mái hơn.

Trái lại, nhiều tình huống không nên áp dụng nói giảm nói tránh vì để thể hiện thẳng thắn, chân thật và đảm bảo sự rõ ràng của cuộc đối thoại:

  • Khi bạn cần phê bình, góp ý nghiêm khắc cho người khác để sửa lại lỗi sai.

  • Khi bạn cần đảm bảo tính khách quan, chính xác, trung thực như các biên bản, thủ tục hành chính. 

3.2. Trong văn học, nghệ thuật

Biện pháp tu từ nghệ thuật nói giảm nói tránh cũng được ưa chuộng bởi nhiều nhà thơ, nhà văn nhằm thể hiện những ẩn ý nghệ thuật khác nhau. 

Trong truyện ngắn Những ngày thơ ấu, nhà thơ Nguyên Hồng có viết: “Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng.”

Tác giả đã sử dụng từ “bầu sữa” để tạo cảm giác tế nhị, lịch sự hơn cho đoạn văn, không gây khó xử cho người đọc.

Bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng cũng sử dụng biện pháp này trong câu thơ: “Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”

Thay thế cho từ “chết”, nhà thơ khéo léo dùng từ “về đất” vừa giúp giảm nhẹ sự đau thương, vừa gợi cảm giác nhẹ nhàng xua đi bầu không khí u ám nặng nề.

Để đánh giá toàn diện hàm ý nghệ thuật của nói giảm nói tránh trong văn học, người đọc cần xem xét toàn diện tác phẩm và liên kết đến các biện pháp liên quan.

4. So sánh nói giảm nói tránh và nói quá

Mặc dù đều là biện pháp tu từ dùng cách diễn tả thay thế, không đi trực tiếp vào vấn đề nhưng nói giảm nói tránh và nói quá mang tính chất hoàn toàn đối lập nhau.

Nếu nói giảm nói tránh ứng dụng với mục đích giảm nhẹ quy mô, tính chất của vấn đề để giảm nhẹ tính tiêu cực, thể hiện sự tôn trọng thì nói quá nhấn mạnh, làm tăng mức độ của sự vật, hiện tượng nhằm tạo ấn tượng, thu hút người đọc, người nghe.

Một vài câu sử dụng biện pháp nói quá như:

  • “Kì thi đại học sắp tới làm mấy em học sinh cuối cấp tôi dạy lo sốt vó.” 

  • “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” 

Bởi vậy, bạn cần hiểu rõ khái niệm, mục đích và cách ứng dụng của hai biện pháp tu từ này nhằm ứng dụng phù hợp, hiệu quả trong giao tiếp hoặc phân tích văn học.

5. Bài tập luyện tập về nói giảm nói tránh

Ở phần cuối, Kinhcan.vn sẽ đưa ra một số dạng bài tập thường gặp liên quan đến chuyên đề kiến thức này để bạn học có thể luyện tập và củng cố kiến thức trong các phần trên.

Đề bài một: Xác định biện pháp nói giảm nói tránh trong câu sau và phân tích ý nghĩa nghệ thuật của chúng.

  • Chỉ đến lúc thân tàn  lực kiệt, trả xác cho đời, Thị Kính mới được minh oan và được trở về cõi Phật.

  • Thế rồi Dế Choắt tắt thở. Tôi thương lắm. Vừa thương vừa ăn năn tội mình.

  • Trước kia khi bà chưa về với Thượng đế chí nhân, bà cháu ta đã  từng sung sướng biết bao!

Đề bài hai: Vận dụng biện pháp nói giảm nói tránh để giảm nhẹ cảm giác đau thương trong các câu nói sau:

  • Trong những năm qua số người mắc bệnh truyền nhiễm và chết vì các  bệnh truyền nhiễm giảm dần.

  • Quân triều đình đã đốt rừng để giết chết người thủ lĩnh của nhân dân,  khởi nghĩa bị dập tắt.

  • Sau trận bão, cây cối trong vườn chết hết cả.

Đề bài ba: Đặt ba câu có ứng dụng bốn cách nói giảm nói tránh đã được trình bày ở phần hai bài viết. 

LỜI KẾT

Bài viết trên đã đưa ra khái niệm cơ bản về nói giảm nói tránh, đồng thời chỉ ra cách ứng dụng của biện pháp này trong đời sống và văn học. Kinhcan.vn mong rằng các kiến thức này sẽ hữu ích cho quá trình học tập của các em học sinh.