Lạm phát là gì? Đặc điểm của lạm phát

Là thuật ngữ phổ biến trong lĩnh vực kinh tế, lạm phát thu hút sự quan tâm, chú ý từ dân chúng lẫn nhà hoạch định chính sách. Tình trạng lạm phát có thể mang đến tác động tích cực hoặc gây ra hệ quả tiêu cực với nền kinh tế các nước, không phân biệt giàu hay nghèo.

Tuy nhiên, thuật ngữ kinh tế này vẫn còn khó hiểu với đa số người dân, nhiều người chưa nắm được lạm phát là gì, tác động, đặc điểm, nguyên nhân, mức độ, cách đo lường cùng biện pháp kiểm soát tình trạng lạm phát.

Chính vì vậy, Kinhcan.vn sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn đọc qua bài viết dưới đây, nguồn thông tin bổ ích xoay quanh nội dung lạm phát.

1. Lạm phát là gì?

Để phân tích các nội dung liên quan, bạn đọc trước tiên hãy nghiên cứu khái niệm cơ bản cùng đặc điểm của lạm phát.

1.1. Định nghĩa lạm phát

Phản ánh sự suy giảm về sức mua trên một đơn vị tiền tệ nhất định, lạm phát xảy ra khi mức giá chung của dịch vụ, hàng hóa bị gia tăng liên tục theo thời gian, dẫn đến việc mất giá trị ở một loại tiền tệ nào đó.

Đặt ngang tầm để so sánh với nền kinh tế khác, lạm phát chính là tình trạng phá giá ở một loại hình tiền tệ. Một ví dụ cụ thể có thể nhắc tới: Nếu năm ngoái đi chợ chỉ tốn 150.000 VNĐ cho một bữa ăn thì hiện tại người mua phải chi trả 200.000 VNĐ để mua lượng thức ăn tương tự. Đó chính là lạm phát.

1.2. Đặc điểm của lạm phát

Từ khái niệm kể trên, một số đặc điểm nổi bật của lạm phát gồm lạm phát thay đổi theo thời gian và giá trị của tiền tệ, lạm phát tác động đến nền kinh tế cùng sức mua ở người tiêu dùng, lạm phát là phạm trù hay tình trạng vốn có của nền kinh tế.

2. Các mức độ lạm phát

Là hiện tượng tự nhiên ở nền kinh tế, lạm phát được phân thành ba cấp độ là lạm phát tự nhiên, lạm phát phi mã và siêu lạm phát.

2.1. Lạm phát tự nhiên

Với mức độ từ 0 đến dưới 10%, lạm phát tự nhiên xuất hiện khi nền kinh tế hoạt động ổn định, bình thường và ít rủi ro.

2.2. Lạm phát phi mã

Quy ước từ 10% đến dưới 1000, lạm phát phi mã không chỉ khiến giá cả tăng mạnh mà còn gây ra biến động lớn trong nền kinh tế. Khi tình trạng này xảy ra, người dân chuyển qua xu hướng tích trữ của cải như bất động sản, vàng bạc hay hàng hóa, đồng thời hạn chế cho vay tiền với lãi suất bình thường.

2.3. Siêu lạm phát

Bởi tỷ lệ trên 1000%, siêu lạm phát gây ra những hậu quả vô cùng lớn khi mức độ lạm phát tăng đột biến, vượt xa so với sự tính toán của quốc gia.

Nếu tính trạng siêu lạm phát xảy ra, quốc gia khó có thể khôi phục nền kinh tế về trạng thái ổn định, phát triển như ban đầu. Tuy nhiên, mức độ lạm phát này rất hiếm và ít khi xảy

Trên thực tế, chính phủ thường hy vọng mức độ lạm phát tại quốc gia trong khoảng dưới 5% bởi đây là tỷ lệ lạm phát hoàn hảo, thể hiện sự tăng trưởng ổn định ở nền kinh tế.

3. Cách đo lường lạm phát

Dựa vào chỉ số CPI (Consumer Price Index - chỉ số giá tiêu dùng), tỷ lệ lạm phát được tính theo phần trăm thay đổi về giá cả trên các mặt hàng tiêu dùng trong một thời gian nhất định.

Tính theo giá bình quân của nhóm hàng hóa thiết yếu, chỉ số CPI là trung bình cộng của tổng giá cả hàng hóa, dịch vụ. Từ chỉ số CPI ở các thời điểm, các nhà kinh tế sẽ biết được mức tăng theo phần trăm hay còn gọi là tỷ lệ lạm phát.

Nếu chỉ xuất hiện sự tăng giá trên một vài mặt hàng đơn lẻ như đường, muối hay dầu ăn thì đó không phải lạm phát mà đơn giản là mất cân đối, thiếu cân bằng giữa cung và cầu trong thời điểm nhất định.

Ví dụ cụ thể về cách đo lường lạm phát: Năm 2019 chỉ số CPI của quốc gia Y là 500,000 USD. Sang đến năm 2020, chỉ số CPI ở quốc gia đó tăng lên thành 510,000 USD. Vậy tỷ lệ lạm phát trong năm 2019 của quốc gia Y là: ((510,000 – 500,000)/500,000) x 100% = 2%

Như vậy, tỷ lệ lạm phát của quốc gia Y nằm ở mức 2%, mức lạm phát tự nhiên khi so với khung tỷ lệ.

4. Nguyên nhân gây ra lạm phát

Hiểu rõ đặc điểm và cách đo lường lạm phát, Kinhcan.vn sẽ cùng độc giả phân tích các nguyên nhân gây ra tình trạng này, cụ thể như sau:

4.1. Do cầu kéo

Khi nhu cầu về một loại hàng hóa tăng cao trong thị trường, giá cả của hàng hóa ấy cũng theo đó tăng lên. Sự tăng giá này kéo theo quá trình leo thang, tăng vọt về giá cả ở phần lớn các mặt hàng khác.

Trong thời điểm đó, tình trạng lạm phát gia tăng bởi nhu cầu từ thị trường chung, dẫn đến sự mất giá của đồng tiền và khiến người dân phải tiêu tốn nhiều hơn để có được dịch vụ, sản phẩm hay hàng hóa mà họ mong muốn.

Đơn cử khi giá xăng tăng, điều đó sẽ kéo theo giá nông sản, thủy sản, cước vận chuyển tăng mạnh.

4.2. Do chi phí đẩy

Chi phí đẩy gồm giá cả máy móc, thiết bị, phí bảo hiểm, nguyên liệu đầu vào, tiền lương và tiền thuế. Khi giá cả của một hoặc nhiều yếu tố kể trên tăng thì chi phí sản xuất tổng ở các xí nghiệp, nhà máy cũng theo đó tăng lên, việc này dẫn đến sự tăng giá ở sản phẩm để đảm bảo lợi nhuận thu về.

Khi ấy, mức giá chung hay giá tiêu dùng trong toàn bộ nền kinh tế sẽ tăng mạnh bởi lạm phát chi phí đẩy. Ví dụ điển hình là khi có sự bùng nổ về giá vải, các xí nghiệp sản xuất mặt hàng may mặc bắt buộc phải tăng giá sản phẩm, dẫn đến sự tăng giá đồng loạt các mặt hàng khác trong thị trường.

4.3. Do cơ cấu

Theo luật lao động, doanh nghiệp phải tăng tiền công, lương thưởng cho người lao động khi họ gắn bó trong thời gian nhất định. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng làm việc hiệu quả, thu lợi nhuận ổn định.

Việc trả lương cho nhân viên vì vậy khiến chủ doanh nghiệp cân nhắc, thay đổi mức giá sản phẩm nhằm đảm bảo lợi nhuận thu về cho công ty. Điều đó vô tình làm phát sinh hiệu ứng lạm phát ở nền kinh tế thị trường.

4.4. Do cầu thay đổi

Lạm phát xảy ra khi nhu cầu tiêu thụ một hàng hóa giảm xuống khiến nhu cầu tiêu thụ mặt hàng khác tăng lên. Nếu mặt hàng đó là sản phẩm độc quyền (ngành điện Việt Nam) thì giá cả sẽ tiếp tục tăng mạnh, dẫn đến mức giá chung trong thị trường tăng vọt.

4.5. Do xuất khẩu

Tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu tăng dẫn tới tình trạng thiếu hụt, khan hiếm hàng hóa, từ đó gây mất cân bằng cán cân cung - cầu trong thị trường khi cung nhỏ hơn cầu.

Như vậy, tổng lượng hàng hóa, sản phẩm hay dịch vụ trên thị trường sẽ không đáp ứng đủ  toàn bộ nhu cầu của người dân. Điều đó khiến giá cả tăng vọt, nảy sinh tình trạng lạm phát.

4.6. Do nhập khẩu

Khi nhập khẩu hàng hóa, các sản phẩm sẽ bị tăng giá do cộng thêm phí vận chuyển, thuế nhập khẩu hoặc chênh lệch tiền lệ giữa các nước. Tham gia vào thị trường chung, mức giá cao ở những mặt hàng này sẽ cộng dồn với mức giá chung của thị trường, từ đó tạo ra lạm phát.

4.7. Do tiền tệ

Các hình thức lưu thông, sử dụng tiền tệ cũng là nguyên nhân hình thành nên lạm phát. Việc đó xảy ra khi ngân hàng trung ương tiến hành mua ngoại tệ, công trái khiến lượng tiền lưu thông trong thị trường tăng lên.

5. Ảnh hưởng của lạm phát

Tác động lên nền kinh tế quốc gia, lạm phát mang tới những ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực.

5.1. Ảnh hưởng tích cực của lạm phát

Khi mức độ lạm phát đạt ngưỡng từ 2 đến 5% tại nước đã phát triển và dưới 10% với nước đang phát triển, nó sẽ mang đến những lợi ích như sau:

- Lạm phát không chỉ thúc đẩy quá trình buôn bán, tiêu dùng hay vay nợ, đầu tư mà còn hạn chế tình trạng thất nghiệp.

- Lạm phát cung cấp khả năng lựa chọn công cụ, phương pháp đầu tư cho Chính phủ qua tín dụng, phân phối thu nhập hoặc các nguồn lực, nhờ đó định hướng và chọn lọc mục tiêu một cách an toàn, hợp lý.

Như vậy, chỉ cần nền kinh tế quốc gia có thể điều tiết, kiềm chế và duy trì lạm phát ở mức ổn định thì sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế, đơn cử Việt Nam với mức lạm phát được kiểm soát thành công dưới 4% năm 2020.

5.2. Ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát

Dù sở hữu một số ảnh hưởng tích cực, lạm phát vẫn gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực nếu không được giám sát, tiết chế kịp thời. Một số ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát thể hiện qua các khía cạnh là lãi suất, thu nhập và phân phối thu nhập, nợ quốc gia.

Về mặt lãi suất, lãi suất thực được tính bằng lãi suất danh nghĩa khấu trừ tỷ lệ lạm phát. Khi tỷ lệ lạm phát cao, lãi suất thực sẽ giảm sút nghiêm trọng. Nếu muốn tăng mức lãi suất thực, lãi suất danh nghĩa phải được nâng cao nhưng điều đó sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp, suy thoái kinh tế.

Trên khía cạnh thu nhập, thu nhập thực tế của người dân lao động cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu tỷ lệ lạm phát quá cao. Bởi thu nhập danh nghĩa không đổi, lạm phát tăng kéo theo sự giảm mạnh của thu nhập thực lĩnh.

Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống khi gây ra tình trạng thất nghiệp, thiếu chi phí sinh hoạt, đời sống nhân dân trở nên khó khăn và phải đối diện nguy cơ suy thoái kinh tế. Nếu tình trạng ấy tiếp tục kéo dài, niềm tin của dân chúng với Nhà nước cũng bị giảm sút.

Lạm phát đi lên cũng là lúc giá trị đồng tiền đi xuống. Khi ấy, người vay nợ sẽ hưởng lợi từ tình trạng lạm phát. Do lãi suất thực giảm, nhu cầu vay mượn cũng tăng cao.

Với những kẻ giàu có, họ có thể dùng tiền để thu gom, tích trữ sản phẩm, vàng bạc hay hàng hóa, dẫn đến nạn đầu cơ tích trữ. Mối quan hệ cung - cầu vì vậy mất cân đối một cách nghiêm trọng hơn, hàng hóa cũng trở nên khan hiếm.

Tình trạng ấy sẽ đẩy người nghèo vào cảnh khốn khó, cùng cực khi không mua nổi sản phẩm tiêu dùng, sinh hoạt thiết yếu. Từ đó, nền kinh tế trở nên rối loạn, khoảng cách thu nhập hay mức sống giữa các tầng lớp cũng ngày càng sâu sắc hơn.

Với khoản nợ quốc gia, lạm phát khiến tiền tệ trong nước mất gia nhanh, nhiều hơn khi so với tiền tệ nước ngoài, dẫn đến lượng tiền nợ tăng vọt và việc chi trả khoản nợ cũng trở nên khó khăn hơn.

6. Những cuộc siêu lạm phát trong lịch sử thế giới

Trên tiến trình phát triển của nhân loại, siêu lạm phát đã nhiều lần xuất hiện ở các quốc gia, từ nước nghèo đến các cường quốc mạnh về kinh tế.

6.1. Cuộc siêu lạm phát tại Pháp (1795 - 1796)

Xảy ra từ tháng 5 năm 1795 đến tháng 11 năm 1796, nước Pháp trải qua tỷ lệ lạm phát hàng ngày 5%, giá cả do đó tăng gấp đôi theo từng đợt là 15 ngày 2 tiếng. Nguyên nhân của cuộc siêu lạm phát này bắt nguồn từ việc phát hành, giảm giá quá nhiều tín phiếu của chính phủ Pháp.

6.2. Cuộc siêu lạm phát ở Đức (1921 - 1923)

Cuộc siêu lạm phát ở Đức lên tới đỉnh điểm vào cuối năm 1923 khi tỷ lệ lạm phát chạm mốc  29.500%, người dân phải dùng tận 4.200 tỷ mác (papiermark) để đổi lấy vỏn vẹn 1 USD. Thời điểm ấy, đồng tiền thậm chí còn rẻ hơn củi hoặc than.

Cuộc siêu lạm phát này xảy ra do các khoản nợ, vay mượn mà chính phủ thực hiện trong chiến tranh.

Nhằm thoát ổn định kinh tế, phương hướng giải quyết được các nhà hoạch định chính sách đề ra là ngân hàng trung ương đặc biệt và loại tiền tệ mới là rentenmark. Đức nhờ đó mới có thể thoát khỏi tình trạng lạm phát.

6.3. Cuộc siêu lạm phát tại Hungary (1945 - 1946)

Trong tháng 7 năm 1946, tỷ lệ lạm phát theo tháng tại Hungary chạm mốc 4,19 x 10^16%, theo ngày lên tới 207%. Bởi tình trạng mất giá tiền tệ, tờ tiền mệnh giá cao nhất tại đây sở hữu tới 20 số 0. Chiến tranh là nguyên nhân chính gây ra cuộc siêu lạm phát này ở Hungary.

Ngoài ra, một số nguyên nhân tiêu biểu khác có thể kể đến chính sách bao cấp kinh tế tư nhân, in tiền ồ ạt và thiếu tổ chức. Để khắc phục, chính phủ nước sở tại đã phát hành đồng tiền mới là forint.

6.4. Cuộc siêu lạm phát ở Hy Lạp (1943 - 1946)

Kể từ cuối năm 1944, mức lạm phát của Hy Lạp đạt ngưỡng 13.800% theo từng tháng và 10,9% theo từng ngày. Hai năm trước đó, mệnh giá to nhất của đồng tiền drachma là 50.000. Vào thời điểm siêu lạm phát xảy ra, con số ấy đã tăng lên 100 nghìn tỷ.

Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Hy Lạp đã phát hành đồng tiền mới, định giá lại đơn vị tiền với tỷ lệ 50:1.

6.5. Cuộc siêu lạm phát tại Trung Quốc (1948 - 1949)

Bắt đầu từ tháng 5 năm 1949, tỷ lệ lạm phát tại Trung Quốc đạt mốc 2.178% theo tháng và 11% theo ngày, mệnh giá lớn nhất của tờ tiền lên tới 6 tỷ Nhân Dân Tệ. Bởi in tiền ồ ạt nhằm chi trả chiến tranh, Trung Quốc đã gặp phải cuộc siêu lạm phát trên.

Bằng phương thức định giá tiền tệ với 1 đồng mới tương đương 10.000 đồng cũ, chính phủ Trung Quốc đã ổn định thành công nền kinh tế của họ.

6.6. Cuộc siêu lạm phát ở Chile (1973 - 1975)

Vào tháng 4 năm 1974, tỷ lệ lạm phát tại Chile là 746,29% tính trên một năm. Tình trạng này bắt nguồn từ kế hoạch quốc hữu hóa mỏ dầu, bất động sản, công ty của tổng thống Salvador Allende.

Khi Augusto Pinochet nắm quyền, ông đã loại bỏ tình trạng này bằng cách bán đi nhiều công ty quốc doanh, phát hành đồng tiền peso mới.

6.7. Cuộc siêu lạm phát tại Argentina (thập niên 1980)

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Argentina tăng vọt trong những năm 1980, chạm mốc 12.000% vào năm 1989. Mức nghiêm trọng của cuộc lạm phát này thể hiện qua tỷ giá đồng tiền ở Argentina khi một peso năm 1992 trị giá ngang bằng 100 triệu peso trước năm 1983.

6.8. Cuộc siêu lạm phát ở Bolivia (1984 - 1985)

Với tỷ lệ 60.000% trên một năm, tình trạng lạm phát ở Bolivia đã lên đến đỉnh điểm vào tháng 8 năm 1985. Bắt nguồn từ bất ổn chính trị, nền kinh tế Bolivia chứng kiến sự sụp đổ của công nghiệp, những khoản nợ khổng lồ từ nước ngoài tiếp tục dồn ép. Chính phủ vì vậy đã in tiền ồ ạt nhằm trả nợ, dẫn đến lạm phát.

Nhằm chấm dứt hiện thực ấy, chính quyền Victor-Paz Esonoro đã ngừng in tiền vô tội vạ, thực hiện các chính sách tiền tệ cũng như tài khóa, thu thuế bằng cách tăng giá những mặt hàng thuộc nhà nước như dầu khí.

6.9. Cuộc siêu lạm phát tại Nicaragua (1987 - 1990)

Từ cuối thập niên 1980 đến đầu 1990, mệnh giá tiền ở Nicaragua lên tới 100 triệu cordobas với mức lạm phát trên 30.000% trong năm 1987. Cuộc siêu lạm phát này bắt nguồn từ nội chiến, cấm vận và tình trạng sụt giảm nông nghiệp của Nicaragua.

Tình hình lạm phát chỉ được kiểm soát khi chiến tranh chấm dứt, tổng thống Violeta Chamorro lên nắm quyền và đề xuất biện pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

6.10. Cuộc siêu lạm phát ở Yugoslavia (1989 - 1994)

Vào năm 1994, mức lạm phát tại Yugoslavia đạt mốc đỉnh điểm 313.000.000% theo tháng và 64,6% theo ngày. Bởi in tờ tiền dinar với mệnh giá 500 tỷ, giá cả tại đất nước này đã tăng tầm 5 triệu tỷ lần.

Bắt nguồn từ việc in tiền thiếu kiểm soát, chính sách kém hiệu quả, biện pháp trừng phạt từ Liên hợp quốc, xung đột khu vực cũng như khủng hoảng kinh tế, tình hình lạm phát ở Yugoslavia ngày một trầm trọng hơn.

Nhằm khắc phục điều này, chính phủ phải ban hành đồng tiền mới có tỷ lệ 1,3 triệu tiền cũ bằng 1 đồng dinar mới.

6.11. Cuộc siêu lạm phát ở Peru (1990)

Dù chỉ xảy ra trong hai tháng năm 1990, tỷ lệ lạm phát 5% theo ngày tại Peru vẫn tác động sâu sắc lên nền kinh tế khi tăng giá hàng hóa gấp đôi sau mỗi đợt là 13 ngày 2 giờ. Chính sách thắt lưng buộc bụng cùng biện pháp khắc phục chưa hợp lý đã đẩy Peru lâm vào tình trạng này.

6.12. Cuộc siêu lạm phát ở Zimbabwe (2000 - 2009)

Trong thập niên đầu của thế kỷ 20, Zimbabwe đã trải qua cuộc siêu lạm phát với tỷ lệ đỉnh điểm là 516 x 10^18 %. Với những tờ đôla Zimbabwe mệnh giá 100.000 tỷ, người dân phải chở theo cả bao tải, thùng tiền khi mua sắm hàng hóa.

Do chính sách bất hợp lý của tổng thống Mugabe và sự quản lý yếu kém từ chính phủ, tình trạng lạm phát đã khiến nền kinh tế Zimbabwe trở nên hỗn loạn. Để khắc phục, chính phủ nước sở tại quyết định sử dụng đồng rand từ Nam Phi cùng đồng đôla Mỹ thay thế cho đồng đôla cũ của Zimbabwe.

7. Phương án kiểm soát tình trạng lạm phát

Dù là quốc gia lớn hay nhỏ, việc kiểm soát tình trạng lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu khi hoạch định chính sách kinh tế.

Để tiết chế tỷ lệ lạm phát, chính phủ cần giảm việc phát hành tiền mặt trong lưu thông, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nâng lãi suất tiền gửi, phát hành trái phiếu và đa dạng nguồn cung hàng hóa trong xã hội.

Thêm vào đó, việc thi hành chính sách thắt chặt tài chính là đặc biệt quan trọng. Nhà nước phải tạm hoãn các khoản chi chưa cần thiết, cắt giảm chi tiêu công và cân đối ngân sách chung.

Ngoài ra, Chính phủ cần quan tâm tới quá trình tăng quỹ hàng hóa tiêu dùng trong nước nhờ khuyến khích tự do mậu dịch, giảm thuế sản phẩm, cố định tỷ giá hối đoái và đảm bảo quá trình xuất - nhập khẩu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như kiểm soát mức độ lạm phát.

8. So sánh lạm phát với giảm phát

Đều là thuật ngữ phổ biến trong lĩnh vực kinh tế, lạm phát và giảm phát mang nhiều nét khác biệt, cụ thể như sau:

Tiêu chí so sánh

Lạm phát

Giảm phát

Định nghĩa

Lạm phát xảy ra khi mức giá chung của dịch vụ, hàng hóa bị gia tăng liên tục theo thời gian, dẫn đến việc mất giá trị ở một loại tiền tệ nào đó.

Giảm phát xảy ra khi mức giá chung của dịch vụ, hàng hóa bị giảm liên tục theo thời gian, dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế.

Ảnh hưởng

Làm  mất giá trị đồng tiền.

Gây ra suy thoái kinh tế.

Nguyên nhân

Nhu cầu tăng, cán cân cung - cầu mất cân đối, lượng tiền trong lưu thông lớn, kinh doanh kém hiệu quả.

Nhu cầu suy giảm

Như vậy, bảng so sánh trên đây sẽ giúp bạn đọc phân biệt hai khái niệm lạm phát và giảm phát, từ đó dễ dàng áp dụng chúng trong cuộc sống.

9. Một số khái niệm liên quan đến lạm phát

Ngoài lạm phát, một số khái niệm kinh tế khác cũng cần được chú ý là giảm phát, thiểu phát và tái lạm phát, chi tiết dưới đây:

- Giảm phát: Đây là tình trạng sụt giảm về mức giá chung của nền kinh tế.

- Thiểu phát: Đây là tình trạng sụt giảm giảm lạm phát trong thời gian rất ngắn.

- Tái lạm phát: Khái niệm này đề cập đến việc nỗ lực nâng cao đồng tiền, mức giá chung nhằm chống lại tình trạng, nguy cơ giảm phát

10. Quy định về lạm phát của chính phủ Việt Nam

Theo điều 3 thuộc bộ luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ quy định về lạm phát như sau:

- Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ xây dựng và đề ra chỉ tiêu lạm phát hằng năm để Chính phủ đệ trình Quốc hội, qua đó quyết định và lên kế hoạch thực hiện.

- Chính phủ trình Quốc hội là cơ quan quyết định, thông báo chỉ tiêu hay mức lạm phát hằng năm.

- Việc đề ra chỉ tiêu lạm phát hằng năm thể hiện qua quyết định trên chỉ số giá tiêu dùng cũng như giám sát quá trình thực hiện chính sách tiền tệ của quốc gia.

- Chính sách tiền tệ quốc gia là tập hợp quyết định xoay quanh tiền tệ ở phạm vi quốc gia, đảm bảo thực hiện và ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền của nhà nước. Hệ thống chính sách này gồm thiết lập sự ổn định giá trị của đồng tiền, xây dựng chỉ tiêu lạm phát và lựa chọn công cụ cũng như biện pháp thực hiện.

LỜI KẾT

Qua bài viết trên đá, Kinhcan.vn hy vọng bạn đọc có thể ứng dụng kiến thức, nguồn thông tin hữu ích để đánh giá tình hình kinh tế nói chung và mức độ lạm phát nói riêng.