Học phần là gì? Ưu, nhược điểm và cách phân biệt học phần

Khác với chương trình đào tạo ở tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, giáo dục đại học cao đẳng thường chia chương trình đào tạo theo các học phần. Vậy học phần là gì, có những loại học phần nào ở Việt Nam? Học phần đem lại những lợi ích gì?

Hiểu được những băn khoăn của các bạn sinh viên trước khi bước chân vào giảng đường đại học, Kinhcan.vn sẽ đem đến những thông tin mới, cụ thể nhất về học phần trong bài viết dưới đây.

1. Học phần là gì?

Có lẽ sinh viên nào cũng từng nghe đến “học phần” trong quá trình tìm hiểu về trường đại học, cao đẳng hoặc cảm thấy băn khoăn về khái niệm chính xác của học phần. 

Để giải đáp thắc mắc của các bạn sinh viên và giúp các bạn có sự chuẩn bị tốt nhất cho quãng đường đại học, Kinhcan.vn sẽ làm rõ một vài thông tin cơ bản về học phần ngay sau đây nhé!

1.1. Khái niệm học phần

Dựa trên hai văn bản chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm Khoản 1 Điều 3 Quyết định 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/08/2007 và Khoản 1 Điều 3 thông tư 24/2019/TT-BGDĐT ngày 26/12/2019, học phần được định nghĩa như một khối kiến thức, kỹ năng tương đối trọn vẹn, tạo điều kiện thuận lợi cho người học tích lũy xuyên suốt quá trình học.

Trong mỗi học phần, các nhóm kiến thức - kỹ năng thường được sắp xếp cho phù hợp với trình độ hoặc năm học của sinh viên. Một học phần có thể được gói gọn trong một môn học hay được chia thành một tổ hợp gồm nhiều môn học khác nhau.

1.2. Đặc điểm cơ bản của học phần

Thông thường, mỗi học phần thường bao gồm hai đến bốn tín chỉ với nội dung, thời gian giảng dạy, khối lượng kiến thức chia đều trong một kỳ học.

Tuy nhiên, quy định cụ thể về cách tổ chức học phần, thời gian quy định cho một học phần hay các loại học phần được áp dụng sẽ đa dạng theo từng trường đại học, cao đẳng, trung cấp khác nhau sao cho phù hợp với đặc điểm từng cơ sở giáo dục.

Từng trường học sẽ ký hiệu các loại học phần với nhiều mã số riêng biệt nhưng vẫn sử chung một hệ quy chiếu để tính khối lượng học tập của sinh viên là tín chỉ.

Căn cứ Khoản 3 Điều 3 Quyết định 43/2007/QĐ-BGDĐT, một tín chỉ thường được quy đổi tương ứng với:

  • mười lăm buổi học lý thuyết

  • ba mươi đến bốn lăm tiết thực hành, thí nghiệm hay thảo luật

  • bốn lăm đến chín mươi giờ thực tập tại doanh nghiệp, môi trường làm việc thực tế

  • bốn lăm đến sáu mươi giờ cho tiểu luận, nghiên cứu thực địa hay khóa luận tốt nghiệp.

Đặc biệt, những học phần lý thuyết, thực hành hay thí nghiệm không chỉ đặt yêu cầu về sự tập trung trên lớp mà còn đòi hỏi sinh viên khoảng ba mươi giờ dành cho việc tự học, tìm hiểu chuyên sâu để tiếp thu hiệu quả các kiến thức trong học phần.

2. Phân biệt học phần và tín chỉ

Như đã đề cập đến ở phần trên, mặc dù cùng được sử dụng như đơn vị đo cho chương trình giáo dục đại học Việt Nam, học phần và tín chỉ khác nhau về một số đặc điểm cơ bản.

Về chức năng, trong khi học phần dùng để chỉ những tổ hợp kiến thức - kỹ năng hoàn chỉnh mà sinh viên cần hoàn thiện trong suốt năm học, thì tín chỉ chuyên dùng đo khối lượng học tập của sinh viên, được tính theo từng môn học và kỳ học.

Quy định về cách tính tín chỉ đã được làm rõ thông qua công văn của Bộ Giáo dục Đào tạo Khoản 3 Điều 3 Quyết định 43/2007/QĐ-BGDĐT ở phần trên.

Về cách tổ chức đăng ký, phương thức học phần thường cố định theo năm học còn tín chỉ sẽ được chia theo hệ thống học kỳ. Tùy trường học hoặc ngành học, một năm học có thể chia thành hai đến ba học kỳ.

Dựa trên quy chuẩn của Bộ giáo dục và Đào tạo về số lượng tín chỉ, mỗi kỳ chính học sinh viên cần đăng ký tối thiểu mười bốn tín (trừ học kỳ cuối trước khi tốt nghiệp) và tối đa hai lăm tín chỉ.

Đối với học kỳ hè, sinh viên chỉ được đăng ký tối đa mười hai tín chỉ để đảm bảo thời gian trải nghiệm và nghỉ ngơi.

Hiện nay, đa số các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng ở Việt Nam đang áp dụng hệ thống học phần chia theo tín chỉ. Việc tổ chức môn học theo hệ thống tín chỉ giúp học sinh chủ động, linh hoạt hơn trong việc sắp xếp thời gian biểu cá nhân cho việc học tập, làm việc.

3. Hệ thống giáo dục Việt Nam có những loại học phần nào?

Theo lý thuyết, dựa trên Khoản 2 Điều 3 Quyết định 43/2007/QĐ-BGDĐT, học phần được chia làm hai loại chính gồm học phần bắt buộc và tự chọn. 

Tuy nhiên, trên thực tế, bạn có thể thấy nhiều loại học phần khác trong quá trình học như học phần tương đương, học phần thay thế.

Trong phần này, Kinhcan.vn sẽ phân biệt rõ các loại học phần để giúp các bạn lên kế hoạch học tập tốt hơn nhé!

3.1. Học phần bắt buộc

Đầu tiên, học phần bắt buộc là yếu tố quan trọng nhất, chứa đựng những bài học không thể bỏ qua trong chương trình học. Đây là những học phần bạn cần đặt ưu tiên và nhất định phải tích lũy đủ số tín chỉ để có thể tốt nghiệp thành công.

Ở các trường đại học Việt Nam, một số học phần bắt buộc thường gặp như Triết học Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối Cách mạng Đảng cộng sản Việt Nam, Giáo dục thể chất. 

Tuy nhiên, nếu bạn theo học trường liên kết hoặc chương trình đào tạo quốc tế, những môn học trên lại không tồn tại trong chương trình học bắt buộc.

Bởi vậy, tùy trường học, ngành học và chương trình học bạn đăng ký, các học phần bắt buộc sẽ thay đổi khác nhau. Bạn cần lưu ý kỹ điều này bằng việc đăng ký các chương trình tư vấn, hỏi thầy cô phòng đào tạo để lựa chọn khóa học phù hợp với cả năng lực và sở thích của bạn.

3.2. Học phần tự chọn

Khác với học phần bắt buộc, học phần tự chọn dù chứa đựng những kiến thức cần thiết nhưng sinh viên có thể chủ động, linh hoạt lựa chọn theo hướng dẫn của nhà trường chứ không nhất thiết phải học đủ tất cả các học phần.

Ví dụ, ngành học của bạn có 5 học phần tự chọn, những trường chỉ yêu cầu bạn học tối đa 3 môn tự chọn để tích lũy đủ số tín chỉ cho ngành học. Điều này đã tạo điều kiện cho bạn lựa chọn môn học phù hợp với sở thích, hoặc định hướng chuyên sâu của bản thân.

3.3. Học phần thay thế

Đây là loại học phần phát sinh trong trường hợp có sự thay đổi trong chương trình đào tạo, chẳng hạn như một môn học được giảng dạy vào năm 2019 những nhóm kỹ năng - kiến thức này được chuyển đổi thành hai học phần tương đương trong năm 2020.

Một trường hợp khác có đề cập đến học phần thay thế là khi số lượng tín chỉ của nhóm nội dung - kiến thức cùng một học phần có sự chênh lệch giữa hai khóa học. Trong tình huống này, học phần thay thế giúp sinh viên bổ sung phần tín chỉ chênh lệch và hoàn thiện chương trình học tốt đẹp.

3.4. Học phần tương đương

Cuối cùng, học phần tương đương để chỉ một hay một nhóm học phần không thuộc chương trình học hay trường đại học, cao đẳng bạn đang theo học nhưng có khối lượng kiến thức - kỹ năng tương tự, đồng thời được hai cơ sở giáo dục cho phép tích lũy thay thế.

Việc áp dụng học phần tương đương không chỉ giúp người học linh hoạt trong thời khóa biểu học tập mà còn tạo cơ hội cho người học tiết kiệm kinh phí và thời gian khi theo học nhiều chương trình đào tạo song song.

4. Ưu - nhược điểm của hệ thống giáo dục đào tạo học phần

Chương trình giáo dục ứng dụng hệ thống học phần, đơn vị đo lường khối lượng kiến thức là tín chỉ đã mang lại vô số lợi ích cho cả cơ sở giáo dục và sinh viên.

Mặt khác, hệ thống giáo dục đào tạo học phần vẫn còn tồn tại những hạn chế, khuyết điểm cần được khắc phục để có thể đem đến chất lượng tốt nhất cho người học.

Trong phần này, Kinhcanvn sẽ chỉ ra những ưu điểm và khuyết điểm nổi bật của phương thức đào tạo này, từ cả góc độ người học và nhà trường. 

4.1. Ưu điểm

Trước hết, xét từ khía cạnh người học, hệ thống đào tạo học phần cho phép sinh viên phát huy tính chủ động và khả năng sáng tạo. Dựa trên tiêu chí lấy người học làm trung tâm, phương thức đào tạo học phần tạo cơ hội cho sinh viên lựa chọn nhóm kiến thức - kỹ năng mà bản thân thật sự quan tâm, thay vì bắt ép theo một khuôn khổ cố định.

Thứ hai, việc triển khai đào tạo theo hệ thống học phần tạo sự linh hoạt về chương trình và thời gian học tập. Ngoài các học phần bắt buộc, sinh viên có thể lựa chọn thêm các học phần tự chọn theo sở thích, định hướng nghề nghiệp của bản thân.

Việc chủ động được sắp xếp thời gian học tập cũng giúp sinh viên có cơ hội đẩy nhanh tiến độ hoặc đan xen với việc đi làm, miễn sao phù hợp với điều kiện thực tế về tài chính, sức khỏe, năng lực cá nhân.

Thêm vào đó, nếu sinh viên có mong muốn học thêm chuyên ngành hai, thời gian học tập hay việc tích lũy kiến thức cũng có thể linh hoạt phù hợp với kế hoạch cá nhân.

Cuối cùng, phương thức đào tạo theo tín chỉ giúp sinh viên tiết kiệm thời gian, tiền bạc nhờ xét kết quả học tập theo từng học phần. Trong trường hợp chưa đạt, thay vì phải học lại cả năm học như chế độ niên chế cũ, sinh viên chỉ cần đăng ký học lại những môn chưa đạt yêu cầu.

Nhờ vậy, tiến độ học tập và tốt nghiệp vẫn được đảm bảo mà không bị cản trở về mặt thời gian. Việc quản lý sinh viên từ phía cơ sở giáo dục cũng sẽ thuận lợi hơn nhiều khi áp dụng hệ thống học phần.

4.2. Nhược điểm

Tuy nhiên, hệ thống giáo dục này vẫn còn gặp một vài vấn đề, trắc trở nhất định trong quá trình triển khai do thiếu kinh nghiệm trong vấn đề quản lý hay sự thiếu kết nối giữa giáo viên và sinh viên.

Hạn chế đầu tiên liên quan đến việc mất kết nối, kết nối không hiệu quả giữa cộng đồng sinh viên hay mối quan hệ giáo viên - sinh viên. Do tổ chức lớp theo hệ thống tín chỉ, sinh viên sẽ khó có mối quan hệ thân thiết, bền chặt như lớp niên chế khi chỉ học cùng nhau một kỳ học hay một lớp.

Hạn chế thứ hai xuất phát từ cơ sở công nghệ - kỹ thuật của giáo dục Việt Nam. Nhiều sinh viên cho rằng, các phần mềm đăng ký tín hiện hành thường không thể đáp ứng nhu cầu của sinh viên, tồn tại nhiều lỗi kỹ thuật gây khó khăn cho quá trình đăng ký tín.

Tiếp theo, bất cập còn bắt nguồn từ văn hóa lớp học của sinh viên Việt Nam. Phương pháp tín chỉ đề cao tính chủ động, khả năng tự học của sinh viên nhưng đa số người học vẫn duy trì thói quen cũ từ cấp hai, cấp ba và không tích cực, trở nên lúng túng khi thiếu sự hướng dẫn sát sao từ thầy cô.

Cuối cùng, điều kiện về vật chất hay nhân lực của nhiều cơ sở giáo dục còn chưa đáp ứng đủ yêu cầu của người học. Ví dụ, nhiều môn học được học sinh đăng ký nhiều lại thiếu giáo viên đủ chuyên môn nên không thể tổ chức đủ lớp cho sinh viên.

LỜI KẾT

Trên đây là bài viết của Kinhcan.vn về hệ thống đào tạo theo phương thức học phần, mong rằng người đọc đã nắm được những kiến thức cơ bản thông qua bài viết này.