Điệp ngữ là gì? Ví dụ, tác động, phân loại và lưu ý

Nhằm làm tăng sức biểu cảm và hấp dẫn người đọc, các tác phẩm văn học thường vận dụng khá nhiều biện pháp tu từ nghệ thuật như nói giảm nói tránh, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, câu hỏi tu từ hay điệp ngữ.

Trong bài viết này, Kinhcan.vn sẽ đem đến những kiến thức tổng quát về biện pháp điệp ngữ gồm khái niệm, ví dụ, các loại điệp ngữ kèm cách sử dụng và bài tập vận dụng. Các bạn cùng khám phá với chúng mình trong bài viết dưới đây nhé!

1. Điệp ngữ là gì?

Theo sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 của nhà xuất bản bộ giáo dục Việt Nam, điệp ngữ là biện pháp tu từ nghệ thuật bằng việc lặp lại nhiều lần một từ hoặc một cụm từ trong một câu nói, đoạn văn, đoạn thơ hay thậm chí cả bài thơ, bài văn.

Qua đó, tác giả muốn nhấn mạnh quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng hoặc điều hướng sự chú ý của người đọc đến nhân vật, từ khóa chính trong đoạn văn, đoạn thơ. 

2. Một số ví dụ về điệp ngữ trong thơ, văn Việt Nam

Mang đến nhiều hiệu quả nghệ thuật tích cực, điệp ngữ là một biện pháp tu từ nghệ thuật rất phổ biến trong thơ, văn Việt Nam. Trong phần này, Kinhcan.vn sẽ đưa ra một vài đoạn trích, tác phẩm có ứng dụng biện pháp điệp ngữ để bạn hiểu rõ hơn khái niệm bên trên nhé.

  • Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật là một tác phẩm tiêu biểu cho việc vận dụng hiệu quả biện pháp điệp ngữ. Nhiều loại điệp ngữ, điệp từ khác nhau đã được sử dụng xuyên suốt các đoạn trong bài nhằm tăng sức gợi hình, gợi tả cho bài thơ. 

Ví dụ trong đoạn:

“Không có kính không phải vì xe không có kính 

Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi 

Ung dung buồng lái ta ngồi, 

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”

Trong câu đầu đoạn, tác giả sử dụng hai lần điệp ngữ “không có kính” để đặc tả sự thiếu thốn, khó khăn về phương tiện di chuyển của đoàn chiến sĩ lúc bấy giờ, ô tô. Điều này cũng minh họa lại hoàn cảnh khắc nghiệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Việt Nam.

Tiếp đó, điệp từ “nhìn” xuất hiện ba lần trong câu cuối đoạn. Đây là một câu thơ lấy điểm nhìn từ những người chiến sĩ. Những góc nhìn cho thấy tinh thần lạc quan, yêu đời của đoàn lính lái xe bất chấp thử thách, gian khó.

  • Trong bài văn Cây tre Việt Nam, Thép Mới đã ứng dụng biện pháp điệp ngữ như sau:

“Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!”

Điệp từ “tre” được lặp lại năm lần đầu câu trong cùng một đoạn. Đây là phép điệp cách quãng nhằm nhấn mạnh phẩm chất bất khuất, anh hùng của loại cây biểu tượng cho làng xã Việt Nam.

3. Tác dụng của biện pháp điệp ngữ

Vậy tại sao điệp ngữ lại được các nhà thơ, nhà văn ưa chuộng như vậy? Phần dưới đây sẽ làm rõ bốn tác dụng chính của biện pháp điệp ngữ thông qua việc phân tích các ví dụ cụ thể.

3.1. Tăng sức gợi hình gợi tả

Tác dụng thứ nhất: Điệp ngữ tăng sức gợi hình, gợi tả của câu văn, câu thơ. Nhờ vậy, người đọc cảm nhận được rõ hơn hình ảnh và cảm xúc tác giả muốn đề cập trong tác phẩm.

  • Ví dụ: Nhà thơ Phạm Tiến Duật có viết trong bài Tiểu đội xe không kính: 

“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm”

Từ “dốc” đã được lặp lại hai lần, minh họa rõ nét cảm giác hiểm trở, địa hình trắc trở của con đường hành quân. 

Biện pháp tu từ trong câu thơ này không chỉ giúp người đọc hình dung rõ hơn những gian lao, khó khăn của người chiến sĩ mà còn gửi gắm nỗi niềm lo lắng, ngợi ca của tác giả cho những người anh hùng thời chiến.

3.2. Nhấn mạnh thông điệp trong tác phẩm

Tác dụng thứ hai: Điệp ngữ nhấn mạnh thông điệp, ý nghĩ tác giả muốn gửi gắm. Thông qua đó, người đọc có thể cảm nhận rõ hơn những tâm tư, tình cảm của tác giả, tác phẩm.

  • Ví dụ: Nhà thơ Tố Hữu đã ghi lại qua những vần thơ Việt Bắc:

“Nhớ sao lớp học i tờ

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sao ngày tháng cơ quan

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo

Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa…”

Cụm từ “Nhớ sao” đã được lặp lại ba lần ở đầu mỗi vế thơ, khắc họa nỗi nhớ da diết của nhà thơ về những kỷ niệm đẹp thời chinh chiến nơi núi rừng Tây Bắc. Dù đã trở lại thành phố hiện đại náo nhiệt, những khoảnh khắc yên bình xinh đẹp cùng đồng hành kháng chiến với bà con Việt Bắc vẫn mãi in dấu trong tâm hồn tác giả.

3.3. Liệt kê 

Tác dụng thứ ba: Điệp ngữ được sử dụng để liệt kê một chuỗi sự vật, hiện tượng hay nhiều khía cạnh, tính chất của một sự vật, hiện tượng.

Ví dụ: Nhà thơ Thế Lữ đã sử dụng cấu trúc điệp ngữ “đâu - ta” trong bài thơ Nhớ rừng như sau:

“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối, 

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan? 

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn, 

Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới? 

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội, 

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng? 

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.”

Điệp từ “đâu” được lặp đi lặp lại đến bốn lần đầu câu nhằm gợi nhắc hàng loạt kỷ niệm thời xưa cũ, những ký ức vàng son vang bóng một thời của vị chúa tể sơn lâm.

Cảnh tượng chỉ còn trong quá khứ, nhưng nỗi hoài niệm, day dứt về cảm giác hào hùng ấy vẫn còn đọng lại mãi trong tâm trí vị chúa tể rừng sâu. Nhà thơ Thế Lữ đã khéo léo dùng biện pháp điệp từ “đâu” để làm sâu sắc thêm cảm xúc này và giúp chúng in dấu trong lòng người đọc.

3.4. Khẳng định

Tác dụng thứ tư: Điệp ngữ được dùng để khẳng định một thông điệp, lý tưởng mà tác giả, tác phẩm muốn truyền đạt đến người đọc.

Ví dụ: Trong tác phẩm Tuyên ngôn độc lập, chủ tịch Hồ Chí Minh có viết:

“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”.

Hai cụm từ “một dân tộc đã gan góc” và “dân tộc đó phải được” đã thể hiện rõ niềm tin, quan điểm của Bác về quyền độc lập, tự do cho nhân dân, đất nước Việt Nam. Đó là lời khẳng định  đanh thép, lời tuyên bố đầy tự hào của Bác về một dân tộc đã kiên cường chiến đấu để giành lại những quyền lợi xứng đáng.

4. Phân loại các dạng điệp ngữ

Thông thường, biện pháp điệp ngữ được sử dụng theo ba hình thức chính tùy theo mục đích, hiệu quả nghệ thuật mà nhà thơ, nhà văn muốn đem đến cho người đọc. 

Phần viết dưới đây sẽ phân tích rõ sự khác biệt giữa các loại điệp ngữ, đồng thời chỉ ra chức năng chính của từng loại với ví dụ kèm theo.

4.1. Điệp ngữ cách quãng

Loại thứ nhất thường được biết đến với tên gọi điệp ngữ cách quãng. Đây là biện pháp lặp lại một từ hoặc một cụm từ tuy nhiên không diễn ra liên tiếp mà có một khoảng cách nhất định.

Người viết sử dụng loại điệp ngữ này với mong muốn tạo ấn tượng mạnh, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc.

Ví dụ: Nhà thơ Viễn Phương có viết trong tác phẩm Viếng lăng Bác:

“Muốn làm con chim, hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa, tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre, trung hiếu chốn này”.

Điệp từ “muốn” được lặp lại ba lần, ngắt quãng ở đầu mỗi câu thơ. Biện pháp này thể hiện sự quyến luyến, bâng khuâng không muốn xa rời vị lãnh tụ vĩ đại của tác giả nói riêng, bà con miền Nam nói chung.

Bên cạnh đó, tác giả cũng bộc lộ rõ mong ước được gắn bó, đồng hành gần bên Bác dù ở bất kì vị trí, vai trò nào.

4.2. Điệp ngữ nối tiếp

Một loại điệp ngữ phổ biến khác là điệp ngữ nối tiếp, hình thức lặp đi lặp lại liên tục một từ hoặc một cụm từ. Cách thức này thường được vận dụng trong các bài thơ, bài văn để tạo cảm giác tăng tiến hoặc ấn tượng mới mẻ cho người đọc.

Ví dụ: Nhà thơ Phạm Tiến Duật có viết như sau:

“Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu  

Thương em, thương em, thương em biết mấy”

Bằng cách lặp lại hai lần liên tiếp từ “rất lâu” và ba lần liên tiếp “thương em”, tác giả đã khéo léo ứng dụng phép điệp nối làm tăng cảm xúc da diết, mãnh liệt trong nỗi nhớ dành cho nhân vật “em”.

4.3. Điệp ngữ vòng

Phương thức điệp ngữ cuối cùng đưa ưa thích bởi các nhà văn, nhà thơ là điệp ngữ vòng. Loại điệp ngữ này thường xuất hiện trong các thể thơ lục bát, thất ngôn lục bát hay thất ngôn tứ tuyệt bằng cách lặp lại một từ hoặc một cụm từ ở đầu câu trước và cuối câu sau.

Qua đó, người viết có thể tạo cảm xúc liền mạch, nối liền ý tứ giữa các câu thơ, tạo sự mượt mà gắn kết giữa đoạn văn, đoạn thơ.

Ví dụ: Trong tác phẩm Chinh phụ ngâm của nhà thơ Đoàn Thị Điểm, bản dịch của Đặng Trần Côn có viết như sau:

“Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.  

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy  

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.

Ngàn dâu xanh ngắt một màu,  

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Từ “thấy”, “Hàm Dương”, “ngàn dâu” được lặp lại ở cuối câu sáu - đầu câu tám gợi dòng cảm xúc mãnh liệt đang trào dâng trong lòng người phụ nữ, giúp gây ấn tượng sâu đậm với người đọc.

5. Lưu ý khi sử dụng biện pháp điệp ngữ

Sau khi nắm được khái niệm, tác dụng và các loại điệp từ thường gặp, bạn cần hiểu rõ những trường hợp lưu ý để ứng dụng biện pháp điệp ngữ một cách hiệu quả nhất.

Trước hết, bạn cần xác định rõ mục đích của biện pháp tu từ điệp ngữ trong câu văn. Mặc dù điệp ngữ đem lại nhiều hiệu quả nghệ thuật, bạn không nên lạm dụng biện pháp này để tránh việc diễn đạt rườm rà, lan man, không rõ ý cho bài thơ, bài văn.

Bên cạnh đó, một tác phẩm văn học có thể xuất hiện rất nhiều biện pháp nghệ thuật khác nhau như so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, câu hỏi tu từ. Bạn cần chọn lọc, kết hợp và ứng dụng các biện pháp một cách hợp lý để vừa đảm bảo hiệu quả nghệ thuật, vừa diễn đạt rõ ràng thông điệp muốn truyền tải, không gây khó hiểu cho người đọc.

Trên đây là một số điều bạn cần lưu ý khi muốn sử dụng hiệu quả biện pháp điệp ngữ. Phần cuối bài viết, Kinhcan.vn sẽ đưa ra một số bài tập ứng dụng để giúp bạn luyện tập các kiến thức đã được cung cấp trong bài.

6. Bài tập vận dụng

Trong đoạn thơ dưới đây, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã sử dụng biện pháp điệp ngữ gì? Phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp đó trong đoạn thơ.

“Hạt gạo làng ta 

Có vị phù sa  

Của sông Kinh Thầy 

Có hương sen thơm

Trong hồ nước đầy  

Có lời mẹ hát….  

Có bão tháng bẩy  

Có mưa tháng ba”

LỜI KẾT

Nếu có câu trả lời hoặc câu hỏi về phần kiến thức điệp ngữ, bạn hãy để lại thông tin, ý kiến dưới phần bình luận để nhận được những giải đáp sớm nhất từ cộng đồng Kinhcan.vn nha!