Chức năng thị trường là gì? Phân loại, ví dụ về chức năng thị trường

Nhờ sự xuất hiện của quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa, thị trường ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi, buôn bán giữa người này với người khác, giữa các nhóm cộng đồng với nhau.

Trải qua thời gian dài phát triển, thị trường đã trở thành địa điểm tương tác chính của các nhóm chủ thể kinh tế.

Trong bài viết dưới đây, Kinhcan.vn sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về thị trường, giải thích các chức năng và đưa ra ví dụ cho chức năng của thị trường, đồng thời chỉ ra vai trò của nhà nước Việt Nam trong việc điều tiết thị trường.

1. Khái niệm thị trường

Dựa trên học liệu, thị trường được định nghĩa như một địa điểm trung gian diễn ra chuỗi hoạt động trao đổi, buôn bán giữa các nhóm chủ thể kinh tế. 

Trong môi trường này, các nhóm chủ thể sẽ tác động qua lại lẫn nhau, hình thành cơ chế giá cả hay có những điều chỉnh thích hợp về số lượng hàng hóa, dịch vụ.

Nếu diễn đạt một cách khái quát hơn thì thị trường có thể coi như một chỉnh thể gồm các mối quan hệ cạnh tranh dựa trên tương tác giữa cung – cầu, giá cả - giá trị, từ đó các chủ thể kinh tế xác định được giá bán và sản lượng hàng hóa.

Bất kể là thời kỳ sơ khai hay thế kỷ hai mốt hiện nay, thị trường đều được cấu thành từ một số yếu tố cơ bản như: hàng hóa, tiền tệ, người mua, người bán.

2. Phân loại thị trường

Thị trường có thể được phân loại dựa trên rất nhiều yếu tố khác nhau. Phần hai, Kinhcan.vn sẽ làm rõ các khía cạnh ứng dụng để phân loại thị trường và giải thích cụ thể các loại thị trường đang tồn tại hiện nay.

2.1. Dựa trên hình thái vật chất của đối tượng trao đổi

Trước hết, phương thức phân loại đầu tiên gắn liền với hình thái vật chất của đối tượng trao đổi. Dựa trên cách phân loại này, thị trường được chia thành bốn loại chính.

Loại đầu tiên có tên gọi là thị trường hàng hóa, đây là hình thái tồn tại khi đối tượng trao đổi, mua bán chính gồm các chủng loại hàng hóa ở dạng hiện vật, hữu hình, có thể sờ nắm được.

Loại thứ hai liên hệ đến các yếu tố sản xuất chính trong thị trường. Loại hình này tồn tại nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất xã hội, đảm bảo các nguyên liệu đầu vào cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy, doanh nghiệp.

Loại thứ ba là thị trường hàng hóa tiêu dùng, nơi diễn ra hoạt động mua bán những mặt hàng thông dụng trong đời sống hàng ngày, thỏa mãn nhu cầu thiết yếu của tất cả mọi tầng lớp xã hội.

Loại cuối cùng là thị trường dịch vụ. Hình thái thị trường này hàm chứa chuỗi sản vật vô hình, không ở dạng vật chất cụ thể, đáp ứng nhu cầu về tinh thần của mọi người. Chẳng hạn như các dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ ở khu lịch.

2.2. Dựa trên số lượng, vị trí của người mua và người bán

Phương thức phân loại thứ hai dựa vào số lượng và vị trí của người mua – người bán trên thị trường, gồm ba hình thái thị trường cơ bản.

Thứ nhất là thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Ở thị trường này, mỗi người mua và người bán chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ, liên tục có sự cạnh tranh tích cực với nhau do số lượng đông đảo của những chủ thể kinh tế đang hoạt động.

Thứ hai là thị trường độc quyền. Trái ngược với hình thái cạnh tranh hoàn hảo, mỗi loại mặt hàng, dịch vụ ở thị trường này chỉ có duy nhất một bên mua hoặc một bên bán, không tồn tại cạnh tranh giữa các chủ thể kinh tế cùng nhóm ngành.

Thứ ba là thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, đây là sự kết hợp giữa cả hai loại hình thái thị trường phía trên. Thị trường này tồn tại đan xen giữa các hình thức độc quyền và cạnh tranh nhỏ lẻ.

Yếu tố không hoàn hảo trong quá trình cạnh tranh có khả năng bắt nguồn từ lợi thế tương đối do chi phí sản xuất, năng suất lao động, chất lượng kỹ thuật hoặc từ nhóm lợi thế tuyệt đối về mặt sự phổ biến của thương hiệu, giá thành bán ra, chất lượng sản phẩm.

2.3. Dựa trên nhu cầu và khả năng đáp ứng nhu cầu

Phương thức phân chia thứ ba dựa trên cách biểu hiện nhu cầu của khách hàng và khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cách phân chia này gồm ba loại thị trường chính.

Loại đầu tiên là thị trường thực tế, một hình thái thị trường có khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhờ hệ thống cung ứng hàng hóa, dịch vụ của các nhà kinh doanh.

Loại thứ hai là thị trường tiềm năng. Ở hình thái này, thị trường sở hữu các khách hàng có nhu cầu và khả năng thanh toán các dịch vụ, sản phẩm nhưng doanh nghiệp chưa thỏa mãn được những đòi hỏi từ phía khách hàng.

Loại hình cuối cùng là thị trường lý thuyết. Thị trường này đề cập đến tổng dân số thuộc một khu vực địa lý, nhóm khách hàng nhất định mà doanh nghiệp có thể cung cấp sản phẩm đáp ứng nhu cầu của họ.

Tuy nhiên, chưa chắc tất cả khách hàng thuộc thị trường này sẽ bỏ tiền ra tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Họ có thể là khách hàng tiềm năng hoặc nhóm dân cư khác.

3. Chức năng của thị trường

Hành vi lớn nhất, bao trùm lên cả thị trường là hoạt động trao đổi, buôn bán giữa các nhóm chủ thể kinh tế. Đây là cơ sở quyết định đối với việc thực hiện các chức năng quan trọng khác của thị trường.

Nhằm giải đáp cụ thể về các chức năng chính của thị trường, Kinhcan.vn sẽ làm rõ trong phần ba của bài viết ngay sau đây.

3.1. Chức năng thừa nhận giá trị và giá trị sử dụng của hàng hóa

Đầu tiên, sự tồn tại của thị trường đã thừa nhận công dụng xã hội của hàng hóa và chi phí lao động để sản xuất ra các hàng hóa đó.

Về cơ bản, khi bỏ chi phí ra để hoàn thiện sản phẩm, hàng hóa hay dịch vụ, người sản xuất đều mong muốn tiếp cận với người mua để tiêu thụ nhóm hàng hóa này và thu về lợi nhuận tương ứng với công sức lao động đã tiêu phí. Thị trường chính là địa điểm thực hiện công việc này.

Sau khi người bán và người mua được kết nối với nhau, họ sẽ thống nhất giá cả dựa trên một mức chung căn cứ trên giá trị sử dụng và chi phí lao đồng của hàng hóa. Quá trình này có thể cụ thể hóa thành ba trường hợp.

Trường hợp 1: hàng hóa được bán ở mức giá tương đương với giá trị xã hội thì mặt hàng này được xã hội thừa nhận về công dụng hữu ích và mức hao phí lao động cho quá trình sản xuất.

Trường hợp 2: hàng hóa không bán được, dư thừa thì xã hội đã không thừa nhận mặt hàng này do công dụng không đáp ứng nhu cầu của họ hoặc mức giá cả vượt quá cao so với chi phí sản xuất trung bình.

Trường hợp 3: hàng hóa bán được nhưng ở mức giá thấp hơn so với giá trị xã hội và chi phí lao động thì có nghĩa xã hội không hoàn toàn thừa nhận sự cần thiết của mặt hàng này.

Từ đó, một quy luật có thể rút ra rằng: Thị trường chỉ chấp nhận và lưu hành những hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng lẫn phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Các hàng hóa không hữu dụng, chất lượng kém, sản xuất dư thừa thì sẽ bị thị trường đào thải.

3.2. Chức năng điều tiết, kích thích hoạt động sản xuất và tiêu dùng.

Tiếp đó, nhằm đảm bảo lợi ích cân đối cho cả bên mua và bên bán cũng như sự tăng trưởng của nền kinh tế chung, thị trường còn đảm nhiệm chức năng điều tiết, kích thích hoạt động sản xuất và tiêu dùng.

Những chính sách để cân bằng lượng cung – cầu hàng hóa và duy trì giá cả đúng với giá trị xã hội và chi phí lao động sẽ được ban hành bởi Nhà nước, nhờ đó thị trường có thể vận hành một cách hiệu quả nhất.

3.3. Chức năng cung cấp thông tin

Ngoài ra, thị trường còn có nhiệm vụ cung cấp thông tin chính xác nhất cho các chủ thể kinh tế về cơ cấu hàng hóa, giá cả, chất lượng, các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường hay những yêu cầu về chất lượng về sản phẩm.

Thông qua những thông tin này, người bán có thể quyết định sản xuất từng mặt hàng với số lượng bao nhiêu, thời điểm thích hợp cho việc phát hành dịch vụ, ai đang cần sử dụng dịch vụ và đạt được mức lợi nhuận tối đa.

Tương tự, đối với người tiêu dùng, thị trường đem đến những địa chỉ tin cậy về chất lượng, đáp ứng đúng nhu cầu mua sắm và khả năng chi trả của họ.

4. Ví dụ về chức năng của thị trường

Ví dụ 1: Mùa hè Việt Nam có thời tiết nắng gắt, bởi vậy nhu cầu sử dụng điều hòa hay quần áo ngắn tay sẽ gia tăng. Ở thời điểm này, họ sẵn sàng trả chi phí tương ứng cho các dịch vụ sản phẩm trên. 

Ngược lại, đối với các sản phẩm máy sưởi hoặc áo dài tay thì giá cả sẽ giảm đi do không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ví dụ 2: Vào ngày lễ Tình nhân Valentine, số lượng khách hàng có nhu cầu mua socola, hoa hồng và quà cho người yêu của mình gia tăng đột biến, dẫn đến sự tăng lên về giá cả do cầu giữ nguyên mà cung tăng lên.

Ví dụ 3: Công ty A sản xuất mặt hàng chính là giày da xuất khẩu. Để đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng và thu về lợi nhuận, công ty A cần nắm rõ về đòi hỏi hiện tại của khách hàng, phản hồi về chất lượng và giá cả của sản phẩm từ công ty họ. Từ đó, công ty mới có thể lên chiến lược hợp lý cho đợt sản phẩm tới.

5. Trách nhiệm của học sinh trong sự phát triển của thị trường Việt Nam

Sự phát triển của nền kinh tế chung không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, các cơ quan đoàn thể doanh nghiệp mà còn xuất phát từ chính mỗi cá nhân. 

Với tư cách là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, người học có thể đóng góp vào quá trình này thông qua một số hành động cụ thể sau.

Trong quá trình học tập, mỗi người cần ý thức rõ về khả năng và trách nghiệm của mình, tập trung rèn luyện và học hỏi nâng cao năng lực của bản thân. 

Sau đó, mỗi người cần ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn để trở thành một công dân tích cực, người lao động tốt.

Trong quá trình tiến hành hoạt động mua bán ở thị trường, bạn học cần có ý thức lành mạnh, không thực hiện các hành vi gian lận dối trá nhằm thúc đẩy một thị trường minh bạch, rõ ràng giữa người mua và người bán.

Bên cạnh đó, bạn học có thể tích cực tham gia các phong trào ủng hộ hàng Việt, nâng cao chất lượng hàng Việt do chính phủ phát động để khuyến khích, hỗ trợ quá trình phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.

LỜI KẾT

Trên đây là bài viết của Kinhcan.vn về thị trường, chức năng của thị trường kèm theo các ví dụ phân tích tương ứng. 

Đội ngũ Kinhcan.vn mong rằng những kiến thức này sẽ giúp các bạn hiểu thêm về thị trường và có những hành động tích cực để đóng góp chung vào sự thịnh vượng của kinh tế Việt Nam.