Biện pháp tu từ là gì? Có bao nhiên biện pháp tu từ

Là thuật ngữ phổ biến, biện pháp tu từ xuất hiện trong văn nói lẫn văn viết. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ khái niệm, tác dụng và phân loại biện pháp tu từ. Để mang đến cho độc giả một góc nhìn sâu sắc về biện pháp tu từ, Kinhcan.vn xin phép gửi gắm bạn đọc bài viết dưới đây.

1. Biện pháp tu từ là gì

Sử dụng ngôn ngữ theo cách đặc biệt, biện pháp tu từ áp dụng trên một đơn vị ngữ pháp như câu, từ hay văn bản, ứng dụng trong ngữ cảnh cụ thể. Tất cả nhằm mục đích tăng sức gợi hình, gợi cảm cho phong cách diễn đạt, đồng thời gây ấn tượng với người đọc khi mô tả cảm xúc, hình ảnh hay câu chuyện.

2. Tác dụng của biện pháp tu từ

Nhờ tính đa dạng, biện pháp tu từ được sử dụng nhằm tăng khả năng, hiệu quả biểu đạt cũng như tính thẩm mỹ, qua đó xây dựng dấu ấn riêng cho tác phẩm. Nhờ biện pháp tu từ, hình ảnh các sự vật, sự việc và hiện tượng hiện lên rõ ràng, cụ thể và sinh động hơn bao giờ hết.

Để nâng cao tính nghệ thuật, tác giả có thể phối hợp một hoặc nhiều biện pháp tu từ trong văn bản, bài thơ hoặc lời nói.

3. Các biện pháp tu từ

Trong tiếng Việt, ngữ pháp sở hữu mười biện pháp tu từ chính, đó là so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, nói giảm và nói tránh, nói quá, chơi chữ, liệt kê, điệp từ hay điệp ngữ và tương phản.

3.1. Biện pháp tu từ so sánh

So sánh là biện pháp tu từ sử dụng hình thức đối chiếu sự việc, sự vật và hiện tượng này với sự việc, sự vật và hiện tượng khác mang nét tương đồng, qua đó tăng sức gợi hình, gợi cảm cho quá trình diễn đạt.

So sánh được chia thành hai hình thức chính, đó là so sánh dựa theo mức độ hoặc đối tượng. Với so sánh theo mức độ, tiếng Việt phân chia thành phân loại chính gồm so sánh ngang bằng và so sánh không ngang bằng.

Khi so sánh đối tượng, người sử dụng có thể so sánh cùng loại, khác loại đối tượng hoặc so sánh hình ảnh trừu tượng với cụ thể và ngược lại.

Nhằm cung cấp cái nhìn rõ hơn về phép so sánh, một số ví dụ điển hình sẽ được trình bày dưới đây:

- Gương mặt của cô giống hệt như chị gái ấy, đặc biệt là chiếc mũi và đôi mắt.

- Cầu Thê Húc cong cong như con tôm.

- Ánh mắt của cậu học trò sáng như sao trên trời.

Để nhận biết phép so sánh, độc giả cần chú ý tới những từ ngữ so sánh gồm “như”, “là”, “bao nhiêu - bấy nhiêu”. Tuy nhiên, một số trường hợp từ ngữ so sánh có thể bị ẩn đi do dụng ý nghệ thuật của tác giả.

3.2. Biện pháp tu từ nhân hóa

Biện pháp tu từ nhân hóa sử dụng từ ngữ dành cho con người để mô tả đồ vật, cây cối, sự vật, sự viêc hay hiện tượng nhằm tạo hiệu ứng gần gũi, sinh động. Nhờ đó, những vật vô tri, vô giác sẽ trở nên sống động, có hồn hơn. Một số ví dụ về nhân hóa là:

- Hôm nay, chú chó buồn bã đến kỳ lạ.

- “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”

(Tây Tiến - Quang Dũng)

3.3. Biện pháp tu từ ẩn dụ

Nhằm tăng sức gợi, biện pháp tu từ ẩn dụ sử dụng hình thức gọi tên hiện tượng, sự vật này bằng tên của hiện tượng, sự vật khác mang nét tương đồng.Từ khái niệm, ẩn dụ được phân thành bốn loạn là ẩn dụ hình thức, ẩn dụ cách thức, ẩn dụ phẩm chất và ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Một số ví dụ về ẩn dụ là:

- “Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

- “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

(Ca dao tục ngữ)

- “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa

Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”

(Đêm Côn Sơn - Trần Đăng Khoa)

3.4. Biện pháp tu từ hoán dụ

Hoán dụ là biện pháp gọi tên sự vật, khái niệm, hiện tượng này bằng tên của sự vật, khái niệm, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi, mối liên hệ mật thiết. Biện pháp tu từ này được sử dụng nhằm tăng hiệu quả diễn đạt cũng như sức gợi hình, gợi cảm.

Dựa trên tính chất, hoán dụ được phân thành bốn loại chính, đó là lấy bộ phận để chỉ toàn thể, lấy vật chứa đựng chỉ vật bị chứa đựng, lấy dấu hiệu của sự vật để chỉ sự vật và lấy cái cụ thể để gọi tên cái trừu tượng. Các ví dụ minh họa cho biện pháp tu từ hoán dụ là:

- Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.

- Mấy bóng áo dài trắng đang đạp xe dưới sân trường.

- “Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

(Bài ca vỡ đất – Hoàng Trung Thông)

- “Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

(ca dao tục ngữ)

3.5. Biện pháp tu từ nói quá

Phép tu từ nói quá là biện pháp phóng đại mức độ, tính chất với quy mô của sự việc, sự vật và hiện tượng nhằm gây ấn tượng, nhấn mạnh và tăng sức biểu cảm cho câu văn, ý thơ.

- Sáng nay trời mưa như thác đổ.

- Cô ấy sở hữu vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành.

3.6. Biện pháp tu từ nói giảm và nói tránh

Áp dụng lối diễn đạt tế nhị và uyển chuyển, biện pháp tu từ nói giảm nói tránh nhằm mục tiêu né tránh, giảm bớt cảm giác nặng nề, đau buồn, ghê tởm, sợ hãi, bất lịch sự hay thô tục. Một số ví dụ điểm hình của nói giảm nói tránh là:

- Anh ấy đã ra đi mãi mãi trong một chiều đông giá rét.

- Một người phụ nữ tốt bụng đã về với vòng tay của Chúa.

3.7. Biện pháp tu từ điệp từ và điệp ngữ

Sử dụng phép lặp, biện pháp điệp từ hoặc điệp ngữ sở hữu từ hay cụm từ được nhắc lại nhiều lần trong câu nhằm nâng cao hiệu quả diễn đạt, gợi liên tưởng hoặc cảm xúc nhất định, nhấn mạnh vấn đề chính và tạo nhạc tính, nhịp điệu cho câu văn.

Trong tiếng Việt, hệ thống ngữ pháp chia biện pháp tu từ này thành bốn loại gồm điệp ngữ nối tiếp, điệp ngữ cách quãng và điệp ngữ chuyển tiếp hay còn gọi là điệp ngữ vòng. Ví dụ cho biện pháp điệp từ có thể kể đến:

- Cô ấy vừa làm mẹ vừa làm cha của đứa trẻ.

- “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín.”

(Cây tre Việt Nam - Thép Mới)

3.8. Biện pháp tu từ chơi chữ

Biện pháp chơi chữ lợi dụng nét đặc sắc, điểm độc đáo về âm luật hay ngữ nghĩa của từ để tạo sắc thái hài hước, dí dỏm, qua đó tăng tính hấp dẫn và yếu tố thú vị cho câu văn.

Với biện pháp tu từ này, người ta thường sử dụng lối nói trại âm, đồng âm, nói lái và điệp âm. Các ví dụ điển hình của phép chơi chữ là:

- “Bà già đi chợ cầu đông

Xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng

Thầy bói gieo quẻ nói rằng:

Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn.”

(Ca dao tục ngữ)

- Miên man mải miết theo đuổi một màu nắng.

3.9. Biện pháp tu từ liệt kê

Biện pháp tu từ liệt kê đề cập đến việc sắp xếp, kể ra loạt từ hay cụm từ nhằm diễn tả một sự vật, sự việc, hành động hay hiện tượng cụ thể.Diễn tả nội dung câu văn, biện pháp này thu hút người đọc bằng hệ thống từ ngữ chi tiết, đầy đủ và sinh động. Một vài ví dụ minh họa là:

- Các môn học ở trường rất đa dạng, đó là toán học, ngữ văn, tiếng anh, sinh học, hóa học, vật lý, công nghệ, giáo dục công dân, tin học, lịch sử và địa lý.

- Cô ấy lần lượt trải qua các cung bậc cảm xúc trong tình yêu gồm vui, buồn, hờn, giận hay thất vọng.

3.10. Biện pháp tu từ tương phản

Biện pháp tu từ tương phản sử dụng từ ngữ, lối nói đối nghịch hay trái ngược nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả trong diễn đạt.

- “Bán anh em xa mua láng giềng gần”

(Ca dao tục ngữ)

LỜI KẾT

Trên đây là toàn bộ kiến thức xoay quanh biện pháp tu từ là gì, Kinhcan.vn hy vọng bạn đọc có thể ứng dụng nguồn thông tin bổ ích, thú vị trong bài viết vào học tập cũng như cuộc sống.