Bạo lực học đường là gì? Phân loại, thực trạng, nguyên nhân và tác hại

Việc giáo dục hiện đã trở thành một phần quan trọng, thiết yếu của xã hội. Theo lẽ thông thường, trường học là nơi yên bình, chắp cánh cho bạn trẻ chạm tới thành công. Tuy nhiên, môi trường này vẫn tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối, đơn cử bạo lực học đường.

Không chỉ là nỗi trăn trở của ngành giáo dục, vấn nạn bạo lực học đường còn được quan tâm sâu sắc bởi toàn xã hội.

1. Bạo lực học đường là gì?

Dựa trên thống kê từ Bộ giáo dục, chỉ trong một năm, số vụ việc đánh nhau giữa học sinh lên tới gần 1600 vụ trên phạm vi toàn quốc. Thêm vào đó, cứ trên 5200 học sinh thì xảy ra một vụ đánh nhau, cứ chín trường lại có một trường tồn tại việc học sinh đánh nhau.

Tuy nhiên, bạo lực học đường không chỉ diễn ra giữa các học sinh mà còn xuất phát từ giáo viên giảng dạy, nhà trường,. Bởi tính nghiêm trọng, vấn nạn này đã trở thành nỗi lo của vô số gia đình, cơ sở giáo dục cũng như toàn bộ xã hội.

1.1. Bạo lực là gì?

Theo tổ chức y tế thế giới WHO, bạo lực là hành vi cố tình sử dụng hay đe dọa sử dụng quyền lực, vũ lực nhằm tấn công, hủy hoại và chống lại một hoặc nhiều người khác. Những nạn nhân của bạo lực có thể là một người, nhóm người, tập thể hay thậm chí cả một cộng đồng.

Bạo lực gây ra nguy cơ tổn thương hoặc tổn thương nạn nhân một cách trực tiếp, dẫn đến nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần và tác động rõ rệt lên sự phát triển của con người.

1.2. Định nghĩa bạo lực học đường

Từ khái niệm bạo lực, bạo lực học đường có thể hiểu là hành vi ngang ngược, thô bạo và bất chấp đạo lý, công lý diễn ra trong phạm vi trường học nhằm mục đích trấn áp hay xúc phạm người khác, qua đó gây ra sự tổn thương về tinh thần lẫn thể xác.

Như vậy, dấu hiệu nhận biết bạo lực học đường thể hiện trên hành vi xâm phạm thể chất như đánh nhau, đấm nhau, gây ra thương tổn trên cơ thể hoặc hành vi xâm hại tâm lý gồm đe dọa bằng lời nói, hành vi, cử chỉ và thái độ. 

Không giới hạn nạn nhân hay kẻ vi phạm, bạo lực học đường có thể diễn ra giữa học sinh với học sinh, giảng viên và học sinh. Trong xã hội hiện đại, vấn nạn này ngày càng trở nên đa dạng về mức độ lẫn tính chất.

Bạo lực học đường giờ đây còn bộc lộ qua hành vi quấy rối và xâm hại tình dục, hình thức bạo lực mạng là lời chỉ trích, bài viết hoặc bình luận tiêu cực.

Dưới góc độ luật pháp, cụ thể trong khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP, nhà nước Việt Nam cung cấp định nghĩa cho bạo lực học đường như sau:

“Bạo lực học đường là hành vi đánh đập, ngược đãi, hành hạ; xâm hại sức khỏe, thân thể; lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm hay danh dự; cô lập, xua đuổi và thực hiện các hành vi cố tình khác gây tổn hại về tinh thần, thể chất của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập”

Qua nội dung trên, có thể thấy rằng bạo lực học đường là một vấn nạn nghiêm trọng, tác động sâu sắc lên cuộc sống, tinh thần và tương lai của con người.

2. Phân loại bạo lực học đường

Diễn ra dưới nhiều hình thức, bạo lực học đường gồm bạo lực về thể chất, bạo lực bằng lời nói, bạo lực tâm lý, bạo lực xã hội và bạo lực điện tử.

2.1. Bạo lực về thể chất

Bạo lực về thể chất bộc lộ qua những hành động gây tổn hại đến cơ thể, đơn cử đánh đập, đấm nhau, tát nhau, cắn vào người, cào cấu, xô đẩy, giật tóc, xé quần áo, cướp giật đồ đạc hay cố tình hất thức ăn lên người.

2.2. Bạo lực bằng lời nói

Bạo lực bằng lời nói thể hiện qua việc sử dụng ngôn từ, cử chỉ hay hành vi mang tính xúc phạm nhằm sỉ nhục, lăng mạ, bôi nhọ, chế nhạo hoặc cưỡng ép người khác tuân theo ý định của bản thân. Loại hình bạo lực này có thể xảy ra giữa các học sinh, giáo viên với học sinh.

2.3. Bạo lực tâm lý

Bạo lực tâm lý là hành vi xâm hại tình dục, đụng chạm vào các bộ phận nhạy cảm hay thậm chí là tấn công, cưỡng bức tình dục. Tương tự các loại bạo lực khác, bạo lực tâm lý có thể xảy ra giữa các học sinh, giáo viên với học sinh.

2.4. Bạo lực xã hội

Bạo lực xã hội gồm các hành vi nói xấu, chế giễu, bịa đặt, bêu rếu, phỉ báng, phân biệt đối xử, cô lập và tẩy chay một người hoặc nhóm người nào đó. Hình thức bạo lực này có thể diễn ra trong cuộc sống bình thường lẫn mạng xã hội.

2.5. Bạo lực điện tử

Bạo lực điện tử là hành vi sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, máy tính bảng hay laptop để nhắn tin, gọi điện, mạo danh, gửi thư hoặc lan truyền tin đồn sai lệch nhằm đe dọa, bêu xấu và tra tấn nạn nhân trên mạng xã hội.

3. Thực trạng bạo lực học đường hiện nay

Tình trạng bạo lực trong môi trường giáo dục đã và đang diễn ra nghiêm trọng hơn bao giờ hết, xuất hiện trên nhiều cấp học, trường học khác nhau.

3.1. Tình trạng bạo lực học đường trên thế giới

Không tập trung ở một địa điểm nhất định, vấn nạn bạo lực học đường trải đều ở khắp các nước trên thế giới. 

Theo số liệu của WHO, trung bình mỗi ngày có khoảng 565 thanh thiếu niên, trẻ em tự tử vì phải hứng chịu bạo lực học đường. Cùng với đó, vô số ca chấn thương hay nhập viện cũng do bạo lực học đường gây nên.

Châu Á là nơi chứng kiến tình trạng bạo lực học đường nảy sinh mạnh mẽ, đặc biệt xuất hiện ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và không thể thiếu Việt Nam.

Trên thực tế, đây là một trong những vấn nạn đáng báo động, cần đến sự tham gia cũng như giải quyết của nhân dân lẫn chính phủ trong việc xây dựng biện pháp hạn chế, giảm thiểu và ngăn chặn bạo lực học đường

3.2. Tình trạng bạo lực học đường tại Việt Nam

Với diễn biến phức tạp và khó lường, tình trạng bạo lực học đường là vấn đề cấp thiết, nghiêm trọng tại Việt Nam. Dựa trên thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ trong một năm, nước Việt Nam xảy ra khoảng 1600 vụ đánh nhau tại môi trường giáo dục.

Không dừng lại ở đó, trung bình cứ 5200 học sinh sẽ có một vụ xô xát, trong 11000 học sinh thì tồn tại một em bị đình chỉ do đánh nhau. Những con số này cho thấy tình trạng khẩn cấp, nghiêm trọng và đáng báo động về vấn nạn bạo lực học đường đang xảy ra ở các cấp học, ngành cũng như cơ sở giáo dục. 

Theo Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm, chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2015, chính phủ đã xử lý hơn 25000 vụ án hình sự với 42000 đối tượng vi phạm, trong số đó thì hơn 75% là học sinh, sinh viên.

Bởi tình trạng tội phạm gia tăng, hành vi và mức độ bạo lực trở nên đa dạng, nghiêm trọng hơn rất nhiều, độ tuổi phạm tội cũng dần được trẻ hóa. Đáng lo ngại hơn cả, đây mới là những con số được thống kê, ghi chép. Trên thực tế, số liệu này có lẽ còn lớn hơn rất nhiều.

4. Nguyên nhân gây ra bạo lực học đường

Có vô vàn nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, bài viết của Kinhcan.vn sẽ chia các nguyên nhân làm ba nhóm chính, đó là nguyên nhân xuất phát từ học sinh, nguyên nhân từ phía nhà trường, nguyên nhân do gia đình và nguyên nhân bắt nguồn từ xã hội.

4.1. Từ chính bản thân học sinh

Tình trạng bạo lực học đường diễn ra nhiều nhất ở độ tuổi từ 12 đến 17, giai đoạn phát triển quan trọng về tâm lý lẫn sinh lý ở con người. Được xem như một trong những thời kỳ nhạy cảm và bất ổn nhất, độ tuổi này chứng kiến sự hình thành nhận thức, thay đổi tâm sinh lý của học sinh.

Các em nhỏ vì vậy chưa hoàn toàn làm chủ hành động, nhận thức mà dễ gây ra hành vi sai trái, điển hình là bạo lực học đường. Nếu bị tác động bởi những hành vi tiêu cực, học sinh có nguy cơ thực hiện theo trong vô thức mà không thực sự hiểu việc họ đang làm.

Do đó, sự quan tâm và để ý sát sao từ phía nhà trường, gia đình là cần thiết nhằm khắc phục tình trạng sai trái, tránh tình trạng bạo lực học đường xảy ra trầm trọng hơn. 

4.2. Từ phía nhà trường

Trong phạm vi trường học, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường  nằm ở chương trình giáo dục không toàn diện, thiếu hệ thống nội quy hay hình thức kỷ luật hiệu quả.

Nhiều cơ sở giáo dục chỉ chú trọng đào tạo hàn lâm, giảng dạy các bộ môn mang tính học thuật chứ không quan tâm đến phát triển nhân cách, đạo đức và phẩm chất cho học sinh.

Khi hành động bạo lực diễn ra, một số trường không đề xuất được hướng giải quyết hợp lý, thích đáng mà chỉ làm qua loa dẫn đến tình trạng bạo lực ngày một nghiêm trọng hơn.

Nếu người thực hiện hành vi bạo lực là giáo viên, họ có thể phủ nhận, che giấu khi cho rằng đó là biện pháp giáo dục chứ không phải bạo lực học đường.

Điều này cũng gây khó khăn cho ban quản lý trong quá trình xử phạt, kỷ luật những người khởi xướng hành động bạo lực. Nhìn chung, nhà trường cần cải tiến hệ thống quy định cũng như nâng cấp chương trình giáo dục sao cho phù hợp với mục tiêu giảm thiểu, ngăn chặn vấn nạn này.

4.3. Từ phía gia đình

Ngoài bản thân học sinh hay nhà trường, gia đình cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng bạo lực học đường. Bởi thiếu sự quan tâm, săn sóc hoặc chứng kiến, trải nghiệm bạo lực gia đình, các bạn nhỏ có xu hướng thực hiện hành động tương tự với người khác, dẫn đến bạo lực học đường.

Lớn lên mà không được giáo dục đúng đắn, nhiều học sinh mang tâm lý tiêu cực, nhận thức lệch lạc trong môi trường giáo dục. Hành vi bạo lực vì vậy xảy ra như lẽ tất yếu.

Nhằm khắc phục điều đó, gia đình cần thực hiện đúng trọng trách giáo dục, nuôi dưỡng trẻ về thể chất lẫn tinh thần, tránh để các bạn nhỏ chứng kiến hay tiếp thu hành động tiêu cực.

4.4. Từ phía xã hội

Tác động tiêu cực từ xã hội cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng bạo lực học đường. Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, các loại hình văn hóa phẩm ngày càng trở nên đa dạng, phổ biến và dễ tiếp cận, song thiếu sự kiểm duyệt cần thiết.

Nhiều sách báo, phim truyện, tranh ảnh cũng như trò chơi cổ súy “văn hóa” bạo lực, tác động xấu lên tư tưởng, tâm lý cùng hành động của con người. Từ suy nghĩ sai lệch ấy, một số bạn trẻ sẽ thực hiện hành vi bạo lực mà không phân biệt đúng, sai.

5. Tác hại của bạo lực học đường

Mang tính nghiêm trọng, bạo lực học đường ảnh hưởng tiêu cực lên nhiều mặt của đời sống, các mức độ gồm học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội.

5.1. Tác hại của bạo lực học đường lên học sinh

Bạo lực học đường gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác, thậm chí có thể cướp đi tính mạng của các học sinh vô tội. Ngoài tổn thương thân thể, người bị bạo lực còn trải qua nỗi đau về tinh thần như ám ảnh, sợ hãi, chán nản, căng thẳng, lo âu và suy sụp.

Không giống vết thương bên ngoài có thể lành lại, thương tổn trong trái tim cũng như tinh thần sẽ đi theo nạn nhân suốt cuộc đời, ảnh hưởng lên cuộc sống hay sinh hoạt ở từng cá nhân. Bởi vậy, việc học tập của các bạn nhỏ sẽ bị gián đoạn phần nào, tương lai cũng vì vậy mà không được đảm bảo.

Với những học sinh chứng kiến bạo lực, tâm lý của họ cũng bị tác động mạnh mẽ gây ra sự sợ hãi, chùn bước và không dám lên tiếng chống lại bạo lực. Mặt khác, nhiều người trong số đó nếu không sở hữu đầy đủ nhận thức, hiểu biết sẽ thực hiện hành vi bạo lực tương tự.

Trên tất cả, những bạn trẻ thực hiện hành vi bạo lực, đàn áp người khác cho thấy sự lệch lạc trong nhân cách, tâm lý, Họ vì thế có nguy cơ gây ra nhiều lỗi sai, tội ác hơn nếu không được giáo dục cẩn thận, đầy đủ.

5.2. Tác hại của bạo lực học đường lên gia đình

Những gia đình có con là nạn nhân của bạo lực học đường thường trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống. Sự việc ấy không chỉ gây ra nỗi đau mà còn tác động dài hạn nếu con trẻ mắc bệnh tâm lý, thương tật cơ thể sau khi hứng chịu bạo lực.

Mặt khác, những đứa trẻ có hành vi bạo lực cũng là một vấn đề nan giải với gia đình chúng. Họ phải tìm cách khắc phục, ngăn chặn tư duy bạo lực của con cái trước khi lỗi lầm lặp lại.

5.3. Tác hại của bạo lực học đường lên nhà trường

Không chỉ tác động tiêu cực lên nạn nhân hay gia đình, bạo lực học đường còn ảnh hưởng tới bầu không khí tại trường lớp. Khi ấy, môi trường giáo dục trở nên căng thẳng, nặng nề với nỗi lo lắng, sợ hãi và bất an bao trùm.

Ngoài ra, tình trạng bạo lực học đường cũng gây ra nỗi hoang mang, lo lắng và bất an khi phụ huynh gửi con em mình tới trường, qua đó làm mất đi ý nghĩa về môi trường giáo dục trong sáng, lành mạnh.

5.4. Tác hại của bạo lực học đường lên xã hội

Bởi tác động tiêu cực, bạo lực học đường sẽ gây ra tình trạng bất ổn trong xã hội, đặc biệt là môi trường học đường. Thêm vào đó, vấn nạn này cũng làm lu mờ giá trị văn hóa truyền thống, chuẩn mực đạo đức của con người.

6. Biện pháp phòng và chống bạo lực học đường

Nhằm phòng tránh và giảm thiểu bạo lực học đường, sự kết hợp giữa học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội là đặc biệt quan trọng.

Với học sinh, các em cần tích cực rèn luyện, trau dồi kỹ năng sống hay phẩm chất tốt đẹp. Thêm vào đó, học sinh nên chấp hành quy định của trường lớp, tránh xa bạo lực và thông báo cho thầy cô giáo, cán bộ nếu phát hiện hành vi bạo lực.

Về phía giáo viên, các thầy cô cần xây dựng môi trường học tập trong sáng, lành mạnh và tích cực tổ chức hoạt động gắn kết học sinh. Việc quan tâm, theo dõi sát sao các em nhỏ cũng là điểm quan trọng trong quá trình giảng dạy.

Ngoài ra, giáo viên cần chú trọng thiết kế bài học, thực hành kỹ năng sống cho học sinh, qua đó nâng cao nhận thức về vấn nạn bạo lực học đường. Kết hợp với gia đình cùng nhà trường, thầy cô cần hỗ trợ giải quyết thắc mắc, can thiệp kịp thời khi có nguy cơ xảy ra bạo lực. 

Trên phạm vi trường học, ban quản lý cần tổ chức lớp học kỹ năng sống, thiết lập hoạt động vui chơi và giải trí lành mạnh, tuyên truyền về phương pháp chống bạo lực cũng như đề xuất hình thức xử phạt nghiêm minh.

Đóng vai trò quan trọng không kém, gia đình nên phối hợp với giáo viên, nhà trường để sát sao tình hình của con cái, đồng thời cũng xây dựng nền tảng tích cực qua cuộc sống hạnh phúc, em đềm và lành mạnh.

LỜI KẾT

Trên đây là những thông tin xoay quanh bạo lực học đường, Kinhcan,vn rất mong nhận được lời chia sẻ, đóng góp từ bạn đọc để tiếp tục hoàn thiện trong các bài viết sau.