Bản chất là gì? Đặc tính, mối liên hệ, giá trị và lưu ý của bản chất

Nhà tư tưởng vĩ đại Lênin đã từng có câu nói rằng: “Bản chất hiện ra. Hiện tượng có tính bản chất”. Bạn có tò mò liệu thực tế bản chất là gì? Hay bản chất và hiện tượng có mối quan hệ như thế nào? Câu nói của Lê-nin nên được giải nghĩa theo hướng nào?

Bài viết dưới đây của Kinhcan.vn sẽ mang đến thông tin cụ thể kèm giải thích chi tiết cho những câu hỏi trên. Đây là chủ điểm kiến thức quan trọng thuộc chuyên đề triết học nên các bạn nhớ đọc thật kĩ nha!

1. Bản chất là gì?

1.1. Định nghĩa bản chất

Theo lý thuyết, bản chất bắt nguồn từ các tư tưởng triết học. Nếu Plato coi bản chất là sự tồn tại vĩnh cửu, không biến đổi theo thời gian thì Aristotle định nghĩa bản chất là nền tảng cho sự thiết lập của sự vật, hiện tượng.

Dựa trên tư tưởng của các triết gia cổ, nền khoa học hiện đại đã rút ra định nghĩa chung của bản chất như sau: Bản chất là sự tổng hòa tất cả khía cạnh, mối liên hệ tự nhiên mang tính ổn định ở nội tại sự vật, định hình quá trình vận động phát triển của sự vật đó.

  • Ví dụ: Trong xã hội phân tầng, công cụ chuyên chính của giai cấp thống trị về kinh tế xã hội là bản chất nhà nước. Bản chất này được minh họa bằng nhiều hình thức, tương tác cụ thể khác nhau liên quan đến phân tầng xã hội.

Bản chất được xây dựng dựa trên một chiếc khung nền tảng gồm những đặc điểm chung quy định sự vận động của sự vật, tuy nhiên không phải điểm tương đồng nào cũng là bản chất.

  • Ví dụ: Vẻ ngoài của người Việt Nam thường có những đặc điểm như tóc đen, da vàng. Dù vậy, hai đặc điểm này không phải là bản chất của người Việt, chỉ là điểm tương đồng do nguồn gốc chủng tộc.

1.2. Phân biệt khái niệm bản chất và hiện tượng

Trái ngược với bản chất, hiện tượng là tổng hợp biểu hiện bên ngoài của những đặc tính, mối liên hệ thuộc bản chất sự vật. Bởi vậy, hiện tượng thường có thể quan sát rõ hơn và xảy ra nhiều sự biến đổi hơn.

  • Ví dụ: Một người có thể sở hữu màu da trắng, da vàng hay da đen bắt nguồn từ gốc gác của họ. Tuy nhiên, không thể nhìn vào màu da để kết luận về bản chất bên trong của mỗi người như tính cách, sở thích, …

2. Đặc tính của bản chất

Trước hết, bản chất mang tính chất khách quan. Mỗi sự vật, hiện tượng đều tồn tại những đặc tính sẵn có, không chịu ảnh hưởng bởi sự biến đổi về nhận thức, tư duy của con người.

Bản chất hàm chứa những biểu hiện nội tại của sự vật. Vì vậy, những khía cạnh nội tại hoặc các mối liên kết thuộc bản chất có tính ổn định và hầu như không biến đổi nhiều theo thời gian.

Bản chất được bộc lộ thông qua các biểu hiện ở hiện tượng, có mối liên kết chặt chẽ với khái niệm này. Hiện tượng và bản chất vừa có tính thống nhất, vừa tồn tại các mặt mâu thuẫn với nhau.

3. Mối liên hệ giữa bản chất và hiện tượng

Xét từ phạm trù triết học, bản chất và hiện tượng là mối quan hệ biện chứng gồm ba đặc điểm chính như sau:

  • Thứ nhất, cả hai đều thực sự tồn tại và mang tính khách quan.

  • Thứ hai, bản chất và hiện tượng có mối liên hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết.

  • Thứ ba, những biểu hiện của bản chất và hiện tượng có thể không hoàn toàn đồng nhất.

3.1. Tính khách quan

Theo chủ nghĩa biện chứng, bản chất và hiện tượng đều là sự tồn tại có thực, mang tính khách quan bất kể sự thay đổi về tư duy hay nhận thức của con người.

Quan điểm này xuất phát từ thực tế rằng tất cả sự vật đều được hình thành từ một nhóm yếu tố nhất định, tạo thành một tập hợp có những liên hệ đan xen, chằng chịt với nhau. Trong đó, những mối liên hệ có tính ổn định, theo lẽ dĩ nhiên sẽ được coi là bản chất của sự vật.

Cụ thể hơn, sự tồn tại của mỗi sự vật đều mang tính khách quan nên hệ thống liên kết ổn định ở nội tại của sự vật cũng sẽ mang đặc tính tương tự. Thêm vào đó, hiện tượng cũng chỉ là biểu hiện bên ngoài của bản chất, phục vụ mục đích quan sát của con người.

Từ đó, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận rằng cả bản chất và hiện tượng đều là sự tồn tại khách quan trong cuộc sống hằng ngày.

3.2. Tính thống nhất

Mặt khác, bản chất và hiện tượng còn có tính thống nhất chặt chẽ. Đặc tính này có thể được minh họa thông qua các nhận định sau.

Hiện tượng là cách biểu hiện bên ngoài của bản chất, bởi vậy những biểu hiện của hiện tượng sẽ tương ứng với các bản chất nội tại. Nếu bản chất tồn tại thì sẽ có hiện tượng, không có hiện tượng nào không xuất phát từ bản chất.

Mỗi bản chất đều sẽ sản sinh ra các hiện tượng khác nhau, sự thay đổi về bản chất cũng dẫn đến sự biến đổi trong các biểu hiện của hiện tượng. Trường hợp bản chất biến mất thì hiện tượng cũng không thể tồn tại.

Nhờ sự thống nhất giữa hiện tượng và bản chất, con người có thể nhận thức được điểm chung giữa các hiện tượng cá biệt để khái quát hóa thành các quy luật chung dù quá trình vận động, phát triển của mỗi sự vật hiện tượng đều vô cùng đa dạng, mang bản sắc độc đáo riêng.

  • Ví dụ: Quá trình nghiên cứu khoa học thường mở đầu với quá trình quan sát, thống kê các dữ liệu liên quan đến sự vật, hiện tượng và tiến hành phân tích. Căn cứ trên cơ sở dữ liệu đó, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục đào sâu, liên kết các thông tin để thiết lập các mô hình giả thuyết nhằm giải thích hiện tượng quan sát được.

3.3. Tính mâu thuẫn

Tuy nhiên, sự thống nhất giữa hiện tượng và bản chất mang tính chất biện chứng. Giải nghĩa cụ thể là, bản chất và hiện tượng có sự tương đồng nhưng không hoàn toàn y hệt nhau do quá trình tương tác liên tục giữa các nhóm sự vật hiện tượng với môi trường xung quanh.

Thông qua những hoạt động này, hiện tượng sẽ xảy ra những thay đổi nhất định về mặt biểu hiện, dẫn đến sự biến đổi về mức độ đồng nhất giữa hiện tượng và bản chất. Vì vậy, bản chất và hiện tượng có mối quan hệ mâu thuẫn.

Trong khi bản chất phản ánh đặc điểm chung, yếu tố tất yếu quyết định sự tồn tại và phát triển thì hiện tượng khắc họa nét độc đáo cá nhân dựa trên điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Bởi vậy, khi quan sát bản chất người ta sẽ cảm nhận sự vật sâu sắc hơn nhưng biểu hiện lại minh họa sự vật sinh động và phong phú hơn.