Ẩn dụ là gì? Các hình thức, tác dụng và cách phân biệt ẩn dụ

Nhằm tô điểm cho vẻ đẹp câu từ, con người thường áp dụng biện pháp ẩn dụ trong văn học lẫn đời sống, đặc biệt là thi ca hay ca dao tục ngữ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ khái niệm, phân loại, đặc điểm và tác dụng của phương pháp này.

Qua bài viết dưới dây, Kinhcan.vn sẽ cung cấp các thông tin quan trọng liên quan đến ẩn dụ, đồng thời phân biệt phương pháp này với những biện pháp tu từ mang nét tương đồng.

1. Ẩn dụ là gì

Trước khi tìm hiểu sâu hơn về ẩn dụ, hãy cùng Kinhcan.vn khám phá khái niệm và một số ví dụ điển hình của biện pháp này.

1.1. Khái niệm ẩn dụ

Ẩn dụ là gọi tên các hiện tượng, sự vật này bằng tên của hiện tượng, sự vật khác mang nét tương đồng nhằm tăng sức gợi hình hay gợi cảm.

Những đặc điểm tương đồng ấy có thể là màu sắc, hình dáng, ý nghĩa, tính chất, nội dung hay cảm xúc.

1.2. Ví dụ về ẩn dụ

Sở hữu hiệu ứng độc đáo, biện pháp ẩn dụ thường được sử dụng rộng rãi trong văn chương, điển hình là ca dao tục ngữ:

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

Ở đây, phương pháp ẩn dụ thể hiện qua cụm từ “kẻ trồng cây”, hình ảnh đại diện cho người lao động. Nhờ sự sắp đặt tinh tế, câu văn trở nên tế nhị, ẩn chứa lời răn dạy sâu sắc rằng con người phải biết tôn trọng người dân lao động, trân quý thành quả mà họ tạo nên.

Tiếp tục lấy ví dụ từ ca dao tục ngữ, biện pháp ẩn dụ một lần nữa được áp dụng hiệu quả, hợp lý khi sử dụng thiên nhiên để mô tả con người.

“Uống nước nhớ nguồn”

Trong câu tục ngữ này, “Uống nước” là biểu tượng của việc thừa hưởng, tiếp nhận thành quả lao động hoặc đấu tranh của thế hệ đi trước. “Nguồn” thì đại diện cho cha mẹ, thầy cô cùng các bậc tiền bối, những người đã làm ra thành quả ấy.

Qua biện pháp ẩn dụ, câu tục ngữ trở thành lời khuyên nhủ, răn dạy con cháu phải sống sao cho trọn nghĩa tình, biết báo đáp ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ hay công dạy dỗ, bảo ban của thầy cô.

Ngay cả chuỗi ca dao về tình cảm đôi lứa, phép ẩn dụ cũng được sử dụng rất nhiều, tạo hiệu ứng biểu cảm:

"Gặp đây mận mới hỏi đào,

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Mận hỏi thì đào xin thưa,

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào!"

Mượn danh từ “mận” hay “đào” để xưng hô, đôi trai gái tỏ tình với nhau bằng hình ảnh ẩn dụ “vườn hồng”, qua đó thể hiện lối nói tế nhị, duyên dáng của người Việt Nam.

2. Các hình thức ẩn dụ

Từ đặc điểm riêng biệt, biện pháp ẩn dụ được chia thành bốn phân loại gồm ẩn dụ hình thức, ẩn dụ cách thức, ẩn dụ phẩm chất và ẩn dụ chuyển đổi cảm giác

2.1. Ẩn dụ hình thức

Ẩn dụ hình thức là biện pháp ẩn dụ mà người dùng cố tình che giấu, ẩn đi một phần ý nghĩa nhằm mục đích gợi hình ảnh hay cảm xúc cho câu văn. Một ví dụ tiêu biểu là:

“Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”

Trong kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng ẩn dụ hình thức để mô tả sắc đỏ rực rỡ ở hoa lựu, thể hiện qua cụm từ “lửa lựu”. Khả năng ứng dụng phương pháp ẩn dụ một cách tài tình của đại thi hào còn thể hiện qua những câu thơ dưới đây:

“Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”

Mô tả vẻ đẹp hoàn mỹ, “khuôn trăng” là hình ảnh ẩn dụ cho gương mặt, nhan sắc của nàng Thúy Vân. Bằng cách sử dụng linh hoạt biện pháp tu từ, lời thơ của Nguyễn Du trở nên mềm mại và uyển chuyển hơn.

2.2. Ẩn dụ cách thức

Nhằm đưa hàm ý vào câu nói, ẩn dụ cách thức diễn tả một vấn đề theo nhiều hình thức, phương pháp khác nhau để đa dạng hóa câu văn hay lời thơ. Một ví dụ tiêu biểu là câu tục ngữ dưới đây:

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

Trong đó, “kẻ trồng cây” là phương thức ẩn dụ mà con người sử dụng để phiếm chỉ người dân lao động, qua đó tạo hàm ý cho lời văn.

2.3. Ẩn dụ phẩm chất

Tận dụng nét tương đồng, ẩn dụ phẩm chất thay thế đặc điểm, phẩm chất của sự vật hay hiện tượng này bằng đặc điểm, phẩm chất của sự vật cùng hiện tượng khác, đơn cử:

“Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”

Ở đây, “thuyền” là biểu tượng của người đàn ông, diễn tả việc người con trai thường nay đây, mai đó. “Bến” thì đại diện cho nữ giới, người con gái luôn thủy chung, son sắt chờ người thương trở về.

Qua hai hình ảnh ẩn dụ, câu ca dao không còn là lời nói bình thường mà trở thành tiếng lòng, cảm xúc ẩn sâu trong trái tim.

2.4. Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác

Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác là phương pháp mô tả đặc điểm, tính chất của sự vật, sự việc nhận thức bằng giác quan này qua một giác quan khác khác, ví dụ như:

“Ngoài thềm rơi chiếc lá đa

Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”

Trong bài thơ Đêm Côn Sơn, Trần Đăng khoa đã áp dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “tiếng rơi rất mỏng” để mô tả âm thanh khẽ khàng của lá, đồng thời gợi cảm giác về độ mỏng.

Ngoài đoạn thơ kể trên, câu văn “Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng" của Nguyễn Tuân cũng là ví dụ điển hình của biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.

Cảm nhận “giòn tan” vốn thuộc về vị giác, nay được nhà văn sử dụng cho thị giác khi miêu tả ánh nắng. Qua đó, câu thơ trở nên tinh tế, ấn tượng và giàu cảm xúc hơn cả.

3. Tác dụng của ẩn dụ

Nhờ tính hàm súc, phép ẩn dụ thường được sử dụng nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm trong văn thơ lẫn đời sống. Không chỉ giúp câu thơ trở nên ngắn gọn hơn, biện pháp này còn lồng ghép hình ảnh, tạo sự đa dạng về ý nghĩa.

Qua những ưu điểm ấy, phương pháp ẩn dụ nâng cao giá trị văn bản, cải thiện phong cách diễn đạt và thu hút người đọc cũng như người nghe. Nhằm tăng cường  hiệu quả biểu đạt, phép tu từ này thường được kết hợp với nhiều biện pháp khác như so sánh, hoán dụ, điệp ngữ và nhân hóa.

4. Phân biệt ẩn dụ với hoán dụ và so sánh

Để phân biệt hai biện pháp tu từ so sánh, hoán dụ với ẩn dụ, Kinhcan.vn xin phép gửi tới bạn đọc bảng kiến thức dưới đây:

Tiêu chí

Ẩn dụ

Hoán dụ

So sánh

Định nghĩa 

Ẩn dụ là gọi tên các hiện tượng, sự vật này bằng tên của hiện tượng, sự vật khác mang nét tương đồng.

Hoán dụ là gọi tên sự vật, sự việc, hiện tượng này bằng tên của sự vật, sự việc, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi, liên quan trực tiếp đến nó.

So sánh là việc đối chiếu sự việc, sự vật này với sự việc, sự vật khác nhờ nét tương đồng

Mục tiêu

Mục đích là tăng sức gợi hình, gợi cảm để nâng cao giá trị câu văn, qua đó thu hút sự chú ý của người đọc lẫn người nghe.

Cách sử dụng

Biện pháp này sử dụng nét tương đồng, không liên quan trực tiếp.

Biện pháp tu từ này cần đến đặc điểm liên quan mật thiết.

Biện pháp này dùng đến hình ảnh có tính chất ngang bằng, tương đương và từ nối “như”.

Phân tích ví dụ

“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”

Trong câu tục ngữ trên, “mực” ẩn dụ của người hay thói quen xấu, “đèn” thì đại diện cho thói quen và người tốt.

Dù không liên hệ trực tiếp, nét tương đồng vẫn giúp người đọc dễ dàng liên tưởng.

“Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.”

Qua câu thơ của Hoàng Trung Thông, tác giả đã hoán dụ “bàn tay” để chỉ người lao động.

Đây là bộ phận nằm trên cơ thể con người, liên quan trực tiếp đến hình ảnh được hoán dụ.

“Da trắng như tuyết, tóc đen như gỗ mun”

Ở đây, vẻ đẹp của làn da được so sánh với tuyết trắng, tóc thì tựa gỗ mun. Đó đều là những hình ảnh tương đồng.

Ngoài ra, biện pháp so sánh còn thể hiện qua từ “như”, dấu hiệu đặc trưng của nó.

 

LỜI KẾT

Qua bài viết trên, Kinhcan.vn hy vọng bạn đọc sẽ nắm chắc khái niệm, phân loại cũng như tác dụng của biện pháp ẩn dụ để ứng dụng chúng lên học tập, cuộc sống.