2 PHƯƠNG PHÁP GHI CHÚ GIÚP HỌC MỘT HIỂU MƯỜI

Là một sinh viên, chắc hẳn các bạn sẽ rất trăn trở trong việc tìm ra phương pháp học hiệu quả nhất vì lượng kiến thức học thuật mà sinh viên phải thu nạp thật sự rất “khủng”. Dù bạn có một trí nhớ tốt đi chăng nữa, việc trang bị thêm cho mình những kĩ năng, nhất là kĩ năng ghi chú chắc chắn sẽ hỗ trợ bạn học nhanh hơn- nhớ lâu hơn.

Trở thành một sinh viên, chúng ta ghi chú thay vì ghi chép. Kỹ năng ghi chú sẽ trở thành trợ thủ đắc lực của bạn trong việc theo dõi các bài giảng và ôn bài nhanh chóng nếu bạn sử dụng chúng một cách hiệu quả. Lần này Thế giới luật sẽ giới thiệu bạn hai phương pháp ghi chú chính: phương pháp Cornell và phương pháp Mindmap.

1)     Phương pháp Cornell

Cornell Notes là một phương pháp được phát minh vào những năm 1950 bởi giáo sư Walter Pauk thuộc trường Đại học Cornell. Đây có thể xem là phương pháp tích hợp vừa ghi chú, vừa tóm tắt, vừa tư duy thêm.

Bạn có thể thấy trong hình minh họa là một bản ghi chú theo phương pháp Cornell. Điều dễ nhận ra trong bản ghi chú này là trang giấy được chia thành ba miền.

-       Bắt đầu từ cột bên phải, bạn ghi lại những từ khóa, ý tưởng, những sự kiện quan trọng, nếu có đồ thị, hình vẽ hay công thức thì cũng để vào miền này luôn nhé! Với bản ghi chú trên lớp, bạn hãy ghi vào những điều được giảng viên lặp lại hay nhấn mạnh trong quá trình giảng dạy. Một đề xuất cho bạn là hãy ghi kèm số thứ tự trang sách có nội dung liên quan để tiện tra cứu khi cần.

-       Di chuyển qua cột bên trái. Cột này dành để ghi những ý chính, những câu hỏi liên quan hoặc bổ sung thêm vài ví dụ sau khi đã hoàn thành việc ghi chép ở cột bên phải. Chúng sẽ giúp bạn nắm được cốt lõi vấn đề và hiểu bài sâu sắc hơn.

-       Cuối cùng là việc tóm tắt và mở rộng, bạn sẽ điền vào cuối trang giấy. Bạn chỉ nên gói gọn nội dung tóm tắt của 2 phần trên trong 3-4 dòng thôi và nên tóm tắt theo ngôn ngữ của mình để dễ hiểu và nhớ lâu hơn. Một mẹo nhỏ nữa là bạn hãy đọc, tìm hiểu thêm trong tài liệu, sách báo các nội dung liên quan rồi ghi lại thắc mắc cũng như liên hệ mở rộng của chính mình để trao đổi cùng bạn bè và thầy cô nhé! Phần này sẽ đòi hỏi sự tư duy rất nhiều đó, nhưng có như vậy kiến thức mới hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của mình phải không nào?

Cố gắng hoàn chỉnh nội dung trọn vẹn trong trang giấy, đừng để dang dở rồi nhảy qua trang mới bạn nhé, nó sẽ khó theo dõi hơn đấy!

Giờ thì chuyển qua phương pháp thứ hai nào!

2)     Phương pháp Mindmap

Phương pháp này được Tony Buzan phát triển vào cuối thập niên 60 (của thế kỉ 20), đây là phương pháp giúp học sinh "ghi lại bài giảng" mà chỉ dùng các từ then chốt và các hình ảnh. Cách ghi chú này sẽ nhanh hơn, dễ nhớ và dễ ôn tập hơn. Việc sử dụng màu sắc và hình ảnh sẽ kích thích não bộ ghi nhớ tốt hơn, vì vậy chuẩn bị vài cây bút màu mực khác nhau để tiến hành phương pháp này nhé! Trên lớp, bạn có thể áp dụng Mindmap theo một cách đơn giản:

-        Vẽ chủ đề trung tâm
Hãy vẽ một hình ảnh liên quan tới chủ đề chính ở trung tâm để từ đó phát triển ra các nhánh khác (nếu hình ảnh chưa thể hiện rõ thì bạn có thể thêm chữ vào). Lưu ý rằng không nên đóng khung hoặc che chắn mất hình ảnh vì chủ đề cần được làm nổi bật.

-        Vẽ các nhánh chính (tiêu đề phụ)

Các nhánh chính có thể là luận điểm, hoặc các chủ đề con liên quan tới chủ đề chính, được vẽ tỏa ra từ chủ đề chính. Trên các nhánh chính này là các từ khóa ngắn gọn và mang tính chất gợi ý. Bạn nên viết tiêu đề phụ bằng chữ in để làm nổi bật và vẽ theo hướng chéo góc để có nhiều nhánh phụ khác có thể được vẽ tỏa ra một cách dễ dàng.

-       Vẽ các nhánh thứ cấp

Đây là các nhánh được vẽ ra từ nhánh chính, bổ sung ý cho nhánh chính.  
Tương tự như nhánh chính, các chữ trên nhánh thứ cấp cũng là các từ khóa mang tính gợi nhớ.

Các bạn có thể phát triển thêm những nhánh nhỏ khác nếu còn giấy.

Thật ra, những hình vẽ được tô màu sẽ có hiệu quả tốt hơn nhưng thời gian ngắn ngủi trên lớp dường như không cho phép sinh viên chúng ta “vẽ vời hoa lá”, vậy nên hãy dùng cách này để hệ thống trong quá trình tự học hoặc ôn tập ở nhà bạn nhé. Hiện nay các phần mềm vẽ mindmap rất phổ biến, bạn cũng có thể tải về máy để thực hành.

Bỏ túi hành trang ngay hai phương pháp ghi chú sáng tạo và bổ ích trên đây thôi nào! Có công cụ tốt rồi nhưng còn cần biết sử dụng hợp lí để tối đa hóa hiệu quả đúng không? Vậy khi ghi chú cần những lưu ý gì, hãy cùng chờ đợi bài viết tiếp theo nhé!

MQA - Thegioiluat.vn