Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh - Phần 1: Tác giả

Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh - Phần 1: Tác giả

Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh - Phần 1: Tác giả

A. Quan điểm sáng tác của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh

1.    Hồ Chí Minh coi văn học là một vũ khí chiến đấu lợi hại phụng sự cho sự nghiệp cách mạng. Nhà văn cũng phải có tinh thần xung phong như người chiến sĩ ngoài mặt trận góp phần vào nhiệm vụ đấu tranh và phát triển xã hội:

Nay ở trong thơ nên có thép, Nhà thơ cũng phái biết xung phong.

Quan niệm này đã được Bác nói rõ hơn trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951:“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Quan niệm của Bác vừa khẳng định vai trò to lớn, vừa thể hiện yêu cầu của xã hội với văn hóa nghệ thuật và người nghệ sĩ trong công cuộc cuộc cải tạo và xây dựng xã hội. Người nghệ sĩ phải là những chiến sĩ có tinh thần chủ động, tích cực tấn công trên mặt trận đặc biệt là văn hóa nghệ thuật, với vũ khí đặc biệt là tác phẩm văn chương.

2.    Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đối tượng tiếp nhận và mục đích sáng tác để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm. Khi cầm bút, Hồ Chí Minh bao giờ cũng xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm. Người luôn tự đặt câu hỏi : “Viết cho ai ?” (đối tượng) , “Viết để làm gì ?” (mục đích), sau đó mới quyết định “Viết cái gì ?” (nội dung) và “Viết thế nào?” (hình thức). và vận dụng phương châm đó theo những cách khác nhau tuỳ từng trường hợp cụ thể.

3.    Hồ Chí Minh luôn đề cao tính chân thật và tính dân tộc của văn chương, coi đó là một tiêu chí quan trọng để xác định giá trị cho tác phẩm. Nhưng chân thực không có nghĩa là đơn giản, sơ lược mà phải có tính nghệ thuật cao, Bác khuyên văn nghệ sĩ phải Miêu tả cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn hiện thực phong phú của đời sống, phải giữ tình cảm cho chân thật, nên phát huy cốt cách dân tộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

4.    Hồ Chí Minh đề cao chức năng tuyên truyền, cổ động của văn học, ca tụng các anh hùng, chiến sĩ xả thân vì nước, những người tốt việc tốt để động viên nhân dân và làm gương cho con cháu mai sau. Để tuyên truyền cách mạng nhằm vào đối tượng công nông binh, Người chủ trương phải viết cho dễ hiểu, cho “thấm thía”, có “văn chương”, thể hiện được tinh thần của nhân dân thì quần chúng mới thích đọc. Đó là quan hệ giữa phổ cập và nâng cao trong văn nghệ. Phổ cập không có nghĩa là hạ thấp phẩm chất của văn chương, mà phải tiếp tục nâng cao phẩm chất ấy, qua đó nâng dần trình độ thưởng thức nghệ thuật, trình độ thẩm mĩ của nhân dân. Các khía cạnh trên liên quan đến nhau trong ý thức và trách nhiệm của người cầm bút.

B.  Những nét chính trong sự nghiệp sáng tác (di sản văn học) của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh để lại cho nhân dân ta một sự nghiệp văn chương lớn lao về tầm vóc; phong phú, đa dạng về thể loại và đặc sắc về phong cách sáng tạo. Tác phẩm của Người viết bằng tiếng Pháp, Hán văn và tiếng Việt, đạt nhiều thành tựu lớn cả trong văn chính luận, truyện kí lẫn thơ ca.

1.    Văn chính luận:

·    Tác phẩm: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Tuyên ngôn độc lập (1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946)…

·    Nội dung, mục đích: trực tiếp tố cáo tội ác kẻ thù hoặc thể hiện những nhiệm vụ chính trị của cách mạng qua từng chặng đường lịch sử.

·    Nghệ thuật: Văn chính luận của Hồ Chí Minh được viết không chỉ bằng lí trí sáng suốt, trí tuệ sắc sảo mà còn bằng cả tấm lòng yêu ghét nồng nàn, được biểu đạt bằng những lời văn chặt chẽ, súc tích.

Bìa tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”

     2.   Truyện và kí:

·    Tác phẩm: Vi hành, Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Những trò lố hay là Va ren và Phan Bội

Châu…

·    Nội dung, mục đích: Tố cáo tội ác dã man, bản chất tàn bạo của bọn thực dân và phong kiến tay

sai đối với nhân dân lao động các nước thuộc địa; ca ngợi những tấm gương yêu nước và cách mạng.

Nghệ thuật: Các tác phẩm truyện kí của Bác được viết bằng bút pháp hiện đại và nghệ thuật trần thuật linh hoạt, xây dựng được những tình huống truyện độc đáo, hình tượng sinh động, thể hiện trí tưởng tượng phong phú, vốn văn hóa sâu rộng, trí tuệ sắc sảo và trái tim tràn đầy nhiệt tình yêu nước và cách mạng.

Những trò lố của Va-ren và Phan Bội Châu

     3.   Thơ ca:

a. Sáng tác thơ tiêu biểu nhất của Hồ Chí Minh là Nhật kí trong tù:

·    Tập thơ gồm 133 bài thơ chữ Hán theo thể Đường luật được sáng tác khi Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm (8.1942 – 1943).

·    Tập thơ phản ánh chân thực bộ mặt xấu xa, đen tối của chế độ nhà tù cũng như của xã hội Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch.

·    Tập thơ thể hiện tâm hồn nhân cách cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh thử thách khắc nghiệt của chốn lao tù. Đó là bức chân dung tinh thần tự họa độc đáo, là “tâm hồn vĩ đại của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng” (Viên Ưng).

b. Ngoài Nhật kí trong tù, còn một số chùm thơ Người làm tại Việt Bắc từ năm 1941 đến năm 1945 và trong thời kì kháng chiến chống Pháp:

·    Bên cạnh những bài được viết nhằm mục đích tuyên truyền như Dân cày, Ca binh lính, Bài ca sợi chỉ… là những bài thơ nghệ thuật vừa có màu sắc cổ điển vừa mang tinh thần hiện đại như Pác Bó hùng vĩ ; Thướng sơn, Nguyên tiêu, Báo tiệp…

·    Nổi bật trong thơ Người là hình ảnh nhân vật trữ tình mang nặng “nỗi nước nhà” mà phong thái vẫn ung dung tâm hồn luôn hoà hợp với thiên nhiên, thể hiện bản lĩnh của một nhà cách mạng vĩ đại luôn luôn làm chủ tình thế, tin vào tương lai tất thắng của cách mạng, tuy trước mắt còn biết bao gian nan, thử thách.

Kết luận:

Văn thơ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thể hiện tấm lòng yêu thương sâu sắc, tâm hồn trí tuệ cao cả, là tiếng nói nhân danh người cùng khổ đấu tranh đòi quyền sống, nhân danh một dân tộc bảo vệ quyền độc lập tự do, luôn tin vào sức mạnh của chân lí, luôn khát khao vươn tới chân – thiện – mĩ, nên luôn có giá trị và sức hấp dẫn lâu bền.