TƯƠNG TƯ - Nguyễn Bính

TƯƠNG TƯ - Nguyễn Bính

TƯƠNG TƯ

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

-   Nguyễn Bính (1918-1966) tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính

 - Ông quê ở làng Thiện Vịnh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

-   Hoàn cảnh gia đình: Mẹ mất sớm, cha lấy vợ kế, ông được người cậu ruột đem về nuôi dạy. Sau này ông theo anh trai vào Hà Nội sinh sống. Để sinh sống trên đất thành phố ông đã làm nhiều nghề để sinh sống, ông vừa dạy học vừa làm thơ.

Từ năm 1945-1954 ông làm tuyên huấn và văn nghệ ở Nam Bộ. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc vẫn hoạt động văn nghệ ở Hà Nội và Nam Định.

-   Sự nghiệp sáng tác:

+ Ông đoạt giải thưởng của Tự lự văn đoàn với tập “Tâm hồn tôi”

+ Tác phẩm tiêu biểu: Tập “Lỡ bước sang ngang” (1940), “Mười hai bến nước” (1942), “Gửi người vợ miền Nam” (1955)…; truyện thơ “Cây đàn tì bà” (1944), “Tiếng trống đêm xuân” (1958)…; chèo “Cô Son” (1961)

+ Phong cách thơ Nguyễn Bính:

·      Thơ mang đậm hồn quê dù là nhà thơ mới

·      Đề tài phổ biến trong thơ là cảnh và tình quê

·      Hình tượng thơ bình dị, gần gũi với thôn quê

·      Ngôn ngữ đời thường, vận dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao

·      Thể thơ lục bát dân gian được Nguyễn Bính sử dụng với phong cách riêng và đem lại sự thành công xuất sắc: vừa nhuần nhị, vừa duyên dáng như ca dao lại rất hiện đại

  2. Tác phẩm

-        Bài “Tương tư” rút trong tập “Lỡ bước sang ngang” (1940) được Nguyễn Bính viết khi ông ngoài 20 tuổi, rất tiêu biểu cho phong cách thơ chân quê của ông

II. Đọc - hiểu văn bản

1. Bố cục bài thơ: 3 phần

   + Phần 1: Bốn câu thơ đầu - Khơi nguồn tương tư

   + Phần 2: 12 câu tiếp theo - Diễn biến của tâm trạng tương tư

   + Phần 3: Bốn câu thơ cuối - khát vọng trong tình yêu.

Đây cũng chính là mạch cảm xúc tâm trạng của nhân vật trữ tình

2. Phân tích bài thơ

a, Khơi nguồn tâm trạng tương tư

-   Tương tư là nỗi nhớ thương trong tình yêu đôi lứa. Thông thường tương tư thường xuất hiện trong tình yêu đơn phương, bởi nó diễn tả tâm trạng nhớ nhung một phía, thầm lặng, ủ kín trong lòng. Đó cũng là một thi đề quen thuộc của thi ca.

Thơ viết về tương tư thì rất nhiều (…) nhưng được đông đảo các thế hệ độc giả mến mộ thì chỉ có “Tương tư” của Nguyễn Bính mà thôi. Ông đã chinh phục người đọc bằng chính sự chân thật, giản dị nhưng đằm thắm và sâu sắc từ ý tứ đến lời thơ.

- Mở đầu bài thơ là lời khái quát giới thiệu tâm trạng nhớ nhung - biểu hiện đầu tiên của của tương tư:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người

Vẫn là diễn tả nỗi nhớ trong tình yêu nhưng hai câu thơ này đã thể hiện rõ phong cách, đặc trưng riêng của thơ Nguyễn Bính. Chủ thể trữ tình là một chàng trai thôn Đoài đa tình, nhưng ban đầu chủ thể ấy không xuất hiện một cách trực tiếp mà “núp” dưới một không gian bao bọc: thôn Đoài. Nguyễn Bính đã mượn cách nói ý nhị, kín đáo của ca dao. Cái “tôi” trong thơ Nguyễn Bính không nổi lên mà hoà tan vào không gian đồng quê

-        Bằng thủ pháp nhân hoá, để cho thôn “nhớ” thôn, Nguyễn Bính đã vẽ những nét phác thảo đầu tiên đầy tinh tế về tâm trạng tương tư của một chàng trai. Nét “chân quê” cũng in dấu trong câu thơ này.

-        Mượn không gian để nói hộ lòng mình: từ nỗi lòng của một người hướng về một người trở thành nỗi lòng của một miền quê hướng về một miền quê → Tiếng nói cá nhân đã trở thành tiếng nói chung trong tình yêu của con người; hơn thế nó khắc sâu thêm nỗi nhớ- tâm trạng đã chi phối cả không gian.

-        Nguyễn Bính sử dụng cách nói dân gian “chín nhớ mười mong” - một lối nói cường điệu, ngoa ngôn mà thành thực

-        “Một người” đứng ở hai đầu câu thơ diễn tả sự xa cách, nó còn nhấn mạnh sự cô lẻ, lặng thầm của người trong nỗi nhớ

→ Trong câu này nỗi nhớ được khắc sâu hơn

2 câu đầu mọi biểu hiện tình cảm đều rất kín đáo, bóng gió xa xôi

-        Nhà thơ sử dụng kết cấu câu với động từ “là”, tạo 2 vế ở 2 câu tương ứng nhau. Gió mưa là 1 quy luật của vũ trụ, nó tồn tại một cách vĩnh cửu, không thể thay đổi được. Nếu như quy luật ấy được gọi là căn bệnh thì quy luật của “tương tư” cũng là một căn bệnh - một căn bệnh cố hữu trong tình yêu

Cách lý giải này khẳng định: tình yêu của “tôi” với “nàng” là tất yếu, không gì thay đổi được, không gì cưỡng lại được và hơn hết là nó tồn tại một cách vĩnh cửu

→ Đây là cách nói độc đáo, mới mẻ chưa từng có: vừa gần gũi quen thuộc với người dân quê, vừa thổi hồn thơ mới với sự nhấn mạnh cái tôi riêng tư cá nhân

4 câu thơ đầu đã giới thiệu và khẳng định một tình yêu rất giản dị mà đằm thắm, thiết tha. Cách nói, cách ví von giản dị, mộc mạc, duyên dáng mang phong vị dân gian.

b, Diễn biến của tâm trạng tương tư

- Những sắc thái cảm xúc của nhân vật trữ tình:

+ băn khoăn hờn dỗi

+ than thở

+ hờn trách mát mẻ

+ nôn nao mở tưởng

Nếu như 4 cầu đầu mở ra bối cảnh tương tư thì những câu thơ ở đoạn 2 lại cụ thể hoá bức tranh tâm trạng của nhân vật tương tư. Những sắc thái đó diễn biến theo lối xen lồng và chuyển hoá sáng nhau rất tự nhiên, mộc mạc

-        Hai câu 5, 6:

Đây là cách nói rất thôn quê, chữ “chung” kết hợp với “lại” tự nó đã gợi cảm giác gắn bó, diễn tả mơ ước lứa đôi, mong được gắn bó sâu sắc mặn nồng. Nhưng cùng với đó là sự băn khoăn, hờn dỗi

-        Câu 7: Diễn tả thời gian bằng điệp từ, điệp ngữ, kết hợp với giọng kể lể: ngày qua ngày lại qua ngày. Thời gian trôi chậm chạp, đều đều, nhàn nhạt không có gì thay đổi. Ẩn đằng sau đó là sự chờ đợi khắc khoải, mỏi mòn của kẻ đang yêu. Nhịp thơ 3/3, nhấn vào từ lại góp phần thể hiện điều đó

-        Câu 8: Diễn tả bước đi và sự biến đổi của thời gian.

Mở rộng: Nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Bính thường bộc bạch tâm trạng cùng với một cái cây nào đó. Trong trường hợp này không rõ là cây gì, rất có thể hiểu đây chính là “cây tương tư”. Cái cây chính là nhân chứng, một cuốn lịch thiên niên, một tri kỉ thầm lặng, một kẻ đồng nạn mà người gây ra sự tàn héo chính là “nàng”, là người hờ hững với lòng “tôi”.

Từ “nhuộm” trong câu thơ rất đắt, có vẻ như được kế thừa từ ý tứ của “Truyện Kiều” (Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san). Nhưng nếu như chữ “nhuốm” mang trạng thái động thì chữ ‘nhuộm” có phần tĩnh hơn. Nó diễn tả sự hoàn tất một quá trình, càng khắc sâu thêm sự mòn mỏi, thất vọng trong tâm trạng đợi chò của nhân vật trữ tình

-        Sự trách cứ ngày một nặng hơn

“…Có xa xôi mấy mà tình xa xôi

+ “xa xôi1”: nghĩa đen, khoảng cách thực tế

+ “xa xôi2”: sự xa cách về tình cảm → ẩn đằng sau là một nỗi buồn, chút xót xa vì người ta hờ hững, vô tình. Nó cũng là sự lý giải cho câu trên, vì sao lại gọi “tương tư” là một căn bệnh.

Nếu xét trên thực tế thì sự trách cứ này là vô lý, bởi có bao giờ chàng trai lại ngồi thụ động chờ cô gái tìm đến mình. Nhưng ở đây lại là sự lý giải hợp lý, hợp với logic tâm trạng của nhân vật. Lời trách cứ mát mẻ ấy cũng là chỉ để vơi đi nỗi buồn, nỗi nhớ trong lòng. Hơn thế, ẩn sau câu thơ vẫn là một hi vọng mong manh, hi vọng “bên ấy” sẽ “sang bên này”.

-        Câu 13, 14 là lời độc thoại:

Tương tư biết mấy đêm rồi

Biết cho ai, hỏi ai người biết cho

Câu hỏi tu từ kết hợp đại từ phiếm chỉ “ai” thể hiện tâm trạng não nề, nỗi đau xót, thất vọng không thể giãi bày cùng ai.

-        Nhưng mạch cảm xúc đột ngột thay đổi theo chiều hướng tích cực, niềm hi vọng, ước ao mơ tưởng được nhen lên:

Bao giờ bến mới gặp đò

Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau

Ở đây bắt gặp sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật ca dao của Nguyễn Bính: Mượn thi liệu ước lệ quen thuộc của ca dao : “bến”, “đò” nhưng lại kèm theo những tính từ hiện đại “khuê các”, “giang hồ”. Nguyễn Bính đã thổi chút tình lãng mạn của thời đại vào tình quê dân dã giản dị làm cho cuộc tình ấy vừa duyên dáng, dễ thương vừa hiện đại, mới mẻ.

(Bình thêm: Có một số người cho rằng trong “tương tư” đâu phải là anh trai cày “tát nước đầu đình” mà có thể là một chàng trai đang học trường tổng, trường huyện và đã từng đọc “Hồn bướm mơ tiên”…thích mơ mộng. Nguyễn Bính không chỉ làm cho vần thơ mang vẻ đẹp mộc mạc như ca dao mà lại

khác ca dao la ở chỗ ấy)

Qua toàn bộ đoạn 2 ta thấy được một tình yêu tha thiết nhưng cũng vô cùng xót xa, buồn tủi của nhân vật trữ tình. Tương tư không có tiếng nói của người con gái, nó hoàn toàn là những tâm tư xuất phát từ một phía. Qua đó người đọc cảm nhận được cái “tôi” khát khao đón hận hạnh phúc trong cuộc sống.

c, Khát khao nhân duyên

-        Hàng loạt các hình ảnh cặp đôi:

+ thôn Đoài – thôn Đông

+ một người - một người

+ tôi – nàng

+ bên ấy – bên này

+ hoa khuê các - bướm giang hồ

+ nhà anh – nhà em

+ giàn giầu – hàng cau

+ cau thôn Đoài - giầu thôn Đôg

Trong số các hình ảnh này có cả hình ảnh của con người, của lứa đôi trai gái lại có cả hình ảnh của quê hương làng cảnh

→ Mối duyên quê của lứa đôi đã hoà quyện trong cảnh quê

Các cặp đôi có trình tự xuất hiện từ xa đến gần, cuối cùng dừng ở cặp đôi giầu – cau. Điều ấy cho thấy rõ đằng sau nỗi tương tư là niềm khát khao gần kề, khát khao chung tình, khát khao nhân duyên. Nó cũng thể hiện quan niệm tình yêu trong thơ Nguyễn Bính: Tình yêu gắn với hôn nhân. Điều này một lần nữa khẳng định chất truyền thống, chất “chân quê” trong hồn thơ Nguyễn Bính.

- So sánh đầu và cuối bài thơ nhận ra kết cấu đầu cuối tương ứng, vòng tròn. Bài ca dao kết thúc bằng nốt ngân trong toàn bộ giai điệu của khúc tương tư

1. Nghệ thuật:

  - Ngôn ngữ thơ dung dị hồn nhiên,dân dã nhưng vẫn pha chất lãng mạn thơ mộng.

  -    Sử dụng hệ thống ẩn dụ-hoán dụ-ước lệ một cách đặc sắc và sáng tạo

  - Sử dụng nhiều điệp từ, điệp ngữ

  - Sử dụng nhiều cặp hình tượng tượng trưng cho hạnh phúc lưa đôi.

  - Thơ lục bát mang chất biểu cảm nồng nàn

2. Nội dung:

Bài thơ thể hiện diễn biến có tính quy luật của tâm trạng tương tư hết sức ý nhị, kín đáo mà sâu sắc. Điều đáng trân trọng là sự hoà quyện nhuần nhị  đến tuyệt vời của mối duyên quê và cảnh quê dân dã.