Ông già và biển cả - Hê-Minh-Uê

Ông già và biển cả - Hê-Minh-Uê

ÔNG GIÀ VÀ BIỂN CẢ ( trích )

                                                                                     (Hê minh uê)

 

I. ĐỌC –TÌM HIỂU CHUNG:

1-Tác giả: Hê minh uê(1899 – 1961)

+ Là nhà văn Mĩ đã để lại dấu ấn sâu sắc trong văn xuôi hiện đại phương Tây, người đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới lối viết truyện và tiểu thuyết.

+ Dù viết về bất cứ đề tài nào, Hê-minh-uê cũng kiên trì quan niệm nghệ thuật: “Viết một áng văn xuôi đơn giản và trung thực về con người”.

+ Là người đề xướng nguyên lí “tảng băng trôi”- một nguyên tắc thẩm mĩ căn bản trong sáng tạo nghệ thuật.

+ Là nhà văn được giải Nobel về văn học.

2-Tác phẩm:

- Tiểu thuyết Ông già và biển cả:

+ Ra đời năm 1952. Trước khi in thành sách, tác phẩm đã được đăng nhiều kì trên tạp chí đời sống  và đã gây được tiếng vang lớn.

+ Tiêu biểu cho lối viết “tảng băng trôi” của Hê-minh-uê.

- Đoạn trích nằm ở gần cuối truyện, thuật lại việc ông lão Xan-ti-a-gô rượt đuổi và khuất phục được con cá kiếm.

II- ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN:

1-Đọc và tóm tắt:

    a- Tác phẩm:

      Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Xan-ti-a-gô -một "ông già" đánh cá người Cu-ba, 74 tuổi .

Suốt 84 ngày liền, ông lão không bắt được một mống cá nào, dân làng chài cho rằng lão đã “đi đứt” vì vận rủi. Cậu bé Ma-nô-lin cũng bị cha mẹ không cho đi câu chung với lão nữa.

Vào ngày thứ 85, lão quyết định ra khơi trước khi trời sáng. Lần này lão đi thật xa, đến tận vùng Giếng Lớn. Khoảng trưa, một con cá lớn cắn câu, kéo thuyền về hướng tây bắc.

      Sáng ngày thứ hai, con cá nhảy lên . Đó là một con cá kiếm, lớn đến nỗi trước đây lão chưa từng nhìn thấy. Con cá lại lặn xuống, kéo thuyền chạy về hướng đông.

      Sang đến ngày thứ ba, con cá bắt đầu lượn vòng. Dù đã kiệt sức, lão kiên trì thu ngắn dây câu, rồi dốc toàn lực phóng lao đâm chết được con cá, buộc nó vào mạn thuyền dong về. Nhưng chẳng bao lâu nhiều đàn cá mập đánh hơi được đã lăn xả tới.   

      Từ đó đến đêm, lão lại đem hết sức tàn chống chọi với lũ cá mập- phóng lao, vung chày, thậm chí dùng cả mái chèo để đánh- giết được nhiều con, đuổi được chúng đi, nhưng lão biết con cá kiếm của mình chỉ còn trơ lại một bộ xương.

      Đến khuya, đưa được thuyền vào cảng, về đến lều, lão vật người xuống giường và chìm vào giấc ngủ , rồi mơ về những con sư tử 

     b- Đoạn trích:

      Sang đến ngày thứ ba, con cá bắt đầu lượn vòng. Bằng tất cả kinh nghiệm và sự khéo léo lão thận trọng thu dây câu nhưng lão biết vòng tròn còn khá lớn, con cá hãy còn xa tầm tay của lão. Từng tí một lão cố gắng thu hẹp vòng lượn của con cá và phát hiện rằng con cá đã thấm mệt nên liên tục ngoi lên trong lúc bơi.

     Sau cú quật đột ngột và cú nảy mạnh ở sợi dây, lão sợ con cá nhảy lên có thể làm văng mất lưỡi câu. Nhưng con cá không nhảy lên mà bắt đầu lượn vòng chầm chậm. Lão cho đó là cơ hội lí tưởng để mình nghỉ ngơi dưỡng sức .

       Đến vòng lượn thứ ba, lần đầu tiên lão thấy con cá như một cái bóng đen lướt qua dưới con thuyền, rồi trông thấy rõ hơn khi nó mấp mé mặt nước.

       Đến vòng lượn tiếp theo, lão trông thấy lưng cá nhưng nó vẫn còn ở xa thuyền. Lão chuẩn bị lao, và thu dần dây câu.

       Đến mấy vòng lượn sau con cá tiến gần mạn thuyền . Dù đã kiệt sức, lão vẫn giẫm chân giữ dây câu, rồi dốc toàn lực phóng lao đâm vào chỗ hiểm giết chết được con cá. Máu cá loang ra nhuộm sẫm cả vùng nước chung quanh. Con cá chết thẳng đơ, trắng bạc và bồng bềnh theo sóng.

       Không thể đưa con cá lên thuyền vì nó quá lớn, lão cẩn thận buộc nó dọc theo mạn thuyền, giương buồm về bến. Lão thật sự hài lòng và tự hào với thành quả lao động của mình.

2- Phân tích:

a) hình tượng con cá kiếm:

+ Rất lớn và đẹp: “một cái bóng đen dài vượt qua dưới con thuyền”, “cái đuôi còn lớn hơn cả một chiếc lưỡi hái lớn, màu tím hồng dựng trên mặt đại dương xanh thẫm”, ‘thân hình đồ sộ và những sọc màu tía trên mình”, “cánh vi trên lưng xếp lại, bộ vây to sụ bên sườn xòe rộng”, “con cá lại tiếp tục lượn vào theo vòng tròn của nó, trông điềm tĩnh và tuyệt đẹp”.

+ Đầy sức mạnh: những vòng bơi của con cá kiếm khiến ông lão “hoa mắt”, “chóng mặt”, “choáng váng”…Ông lão cảm nhận được “cú quật đột ngột và cú nảy mạnh ở sợi dây”  do con cá gây ra…

+ Kiêu hùng, bất khuất: ngay khi cái chết đã cận kề, con cá vẫn không chịu buông xuôi. Nó “phóng vút kên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và súc lực”. Dường  như với cá kiếm,chết là phải chết một cách oai hùng,mạnh mẽ.

+ Hê-minh-uê muốn cá kiếm phải là đối thủ ngang tài của ông lão, xứng đáng là con cá mà ông lão đánh cá Xan-ti-a-gô đã chờ đợi. con cá càng mạnh mẽ, oai dũng, chiến thắng của ông lão càng vinh quang. Tầm vóc của con người cũng vì thế mà trở nên lớn lao hơn.

b) Hình tượng ông lão đánh cá:

+ Nguyên nhân chiến thắng:

·  Chỉ cần “nhìn độ nghiêng của sợi dây”, ông lão có thể biết “con cá đang bơi tròn”. Hay “từ độ chếch của sợi dây” lão có thể biết “con cá đang liên tục ngoi lên trong lúc bơi”.

·  Chỉ cần nhìn vào độ căng chùng của sợi dây, những áp lực của sợi dây, ông lão cũng đoán biết được con cá con cá đang làm gì và biết phải kéo vào hoặc nới ra để làm cho con cá kiệt sức mà không khiến nó đau, “khiến nó cuồng lên”.

·  Phải đến vòng thứ ba, ông lão mới nhìn thấy con cá nhưng trước đó ông đã cảm nhận được các vòng lượn của con cá kiếm dưới làn nước sâu. Chỉ qua áp lực của sợi dây, lão biết: “vòng tròn (vòng lượn của con cá) rất lớn” hay “bây giờ nó đang lượn đến chỗ xa nhất của vòng tròn rồi đấy”…

·  Hành động phóng lao trúng tim con cá một cách quyết đoán, dứt khoát và chính xác đủ để kết liễu con cá kiếm đã cho thấy sự điêu luyện về tay nghề của ông lão đánh cá. Điều này càng thuyết phục hơn khi ông lão không còn cái sức khỏe của thời trai trẻ, thêm nữa lại rất mệt mõi và kiệt sức sau một hồi vật lộn với con cá.

+ Vì ông có sức mạnh tinh thần của người chiến thắng:

·  Ông lão có sức mạnh tinh thần của người chiến thắng: Ông luôn có niềm tin vào mình và khả năng khuất phục, chiến thắng con cá của bản thân: “chỉ hai ba vòng nữa thôi ta sẽ có nó”, “tao sẽ tóm mày ở vòng lượn”, “ta đã di chuyển được nó”, “lần này ta sẽ lật được nó”…

·  Ông lão là người có ý chí và nghị lực phi thường: Đã có những thời điểm trong cuộc chiến đấu với con cá ông lão cảm thấy “mệt thấu xương”, “hoa mắt suốt cả tiếng đồng hồ”. “thấy chóng mặt và choáng váng”, “chưa bao giờ thấy mệt như lúc này”, “thấy xây xẩm  mặt mày” thậm chí có lúc “lão có cảm giác lão có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào” “cảm thấy mình sắp ngất đi”  nhưng ông lão đánh cá vẫn gượng dậy chiến đấu và cuối cùng đã chiến thắng.

+ Ý tưởng nhà văn qua hình tượng nhân vật:

Ÿ Khẳng định và ngợi ca vẻ đẹp và sức mạnh của con người.

Ÿ Tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của con người trên hành trình chinh phục các thử thách.

Ÿ Bài học của thành công: phải có trí tuệ và hiểu biết, tỉnh táo và nhẫn nại, có niềm tin, ý chí và nghị lực vượt qua thử thách.

+ Ý nghĩa biểu tượng ( phần chìm của “tảng băng trôi”):

Ÿ Con cá kiếm trong tác phẩm không chỉ là một sinh vật bình thường , là đối tượng đi săn thông thường của những người đánh cá mà nó là hình tượng văn học mang tính người. Ở nó toát lên vẻ đẹp của sự cao thượng, uy dũng , hiên ngang bất khuất trước hiểm nguy đe dọa tính mạng . Ngay đến cái chết cũng phải chết một cách đàng hoàng như con chim đại bàng trong sáng tác của Gorki . Xây dựng hình tượng cá kiếm, Hê-minh- uê muốn đề cao vẻ đẹp cao thượng trong cuộc đời  

Ÿ Cá kiếm là biểu tượng của thiên nhiên . Giữa con người và thiên nhiên vẫn có quan hệ “anh em” dù đôi khi thiên nhiên là kẻ thù số một của con người. Con người chinh phục tự nhiên nhưng cũng không quên yêu mến và sống hài hòa với nó .

Ÿ Cần phải tôn trọng tự nhiên cũng như tôn trọng kẻ thù. Đây là bài học xương máu cho con người nói chung và cho bất cứ ai nếu muốn giành chiến thắng .

Ÿ Thừa nhận vẻ đẹp cũng như hành động không thể khác của đối thủ nói riêng  và con người nói chung là thái độ cần thiết để giữ thăng bằng trong cuộc sống, để tránh  nhìn đời, nhìn người phiến diện và biết cảm thông , chia sẻ với người khác.

c) Đặc sắc nghệ thuật .

 Bên cạnh lời dẫn truyện của tác giả, trong đoạn trích xuất hiện khá nhiều những đọan độc thoại  và độc thoại nội  tâm của nhân vật. Đó là những khi lão (ông lão) nói và lão (ông lão) nghĩ . Đây là một hình thức , một kĩ thuật khắc họa chân dung nhân vật  của Hê- minh -uê . Với hai thủ pháp này , hình tượng ông lão đánh cá Xan-ti-a-gô cùng cuộc chiến không cân sức với con cá Kiếm đã được dựng lên một cách rõ nét . Người đọc không chỉ biết được về tình trạng sức khỏe và tâm lý , tinh thần của ông lão trong từng thời điểm của trận chiến  mà còn thấy được  những suy nghĩ rất chân thành và phức tạp của ông lão đánh cá này…

Tóm lại , thông qua những đoạn độc thoại này, nhân vật tự bộc lộ mình, còn người đọc thì từ “đường kênh” đó mà đi khám phá thế giới nội tâm nhân vật, phát hiện những bí ẩn và những vẻ đẹp của con người trong cuộc sống .