Ngữ Văn lớp 7 - Từ đồng nghĩa

Ngữ Văn lớp 7 - Từ đồng nghĩa

I. TÌM HIỂU CHUNG:

1. Thế nào là từ đồng nghĩa.

a. Ví dụ: Tìm từ đồng nghĩa với các từ: rọi, trông

* Rọi: Chiếu, soi.

* Trông:

-  Nhìn, ngó, nhòm, liếc    
-  Trông coi, chăm sóc, coi sóc…      
-  Mong, hy vọng, trông mong.

=> Nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau.

b. Kết luận :

- Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau. Một từ nhiều nghĩa có thể thuộc vào nhiều nhóm từ đồng nghĩa khác nhau.

2. Các loại từ đồng nghĩa

 a. Ví dụ 1 : So sánh nghĩa của từ quả và trái trong ví dụ sau:

- Rủ nhau xuống bể mò cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
- Chim xanh ăn trái xoài xanh
Ăn no tắm mát đậu cành cây đa
*Kết luận: Trong trường hợp này, nghĩa của hai từ trên tương đương nhau, có thể thay thế cho nhau.

=> Từ đồng nghĩa hoàn toàn.

b. Ví dụ 2:  Nghĩa của hai từ bỏ mạng và hy sinh trong hai câu dưới đây có chỗ nào giống và khác nhau?
- "Trước sức tấn công vũ bão và tinh thần chiến đấu tuyệt vời của quân Tây Sơn, hàng vạn quân Thanh đã bỏ mạng"
- ''Công chúa Ha-ba-na đã anh dũng hy sinh, thanh kiếm vẫn cầm trên tay''

+ Bỏ mạng (chết): chết vô ích, coi khinh.

+ Hy sinh (chết): chết vì nghĩa vụ lý tưởng cao cả -> sắc thái kính trọng, cao cả.

-> Nghĩa giống nhau, sắc thái ý nghĩa khác nhau

=> Từ đồng nghĩa không hoàn toàn.

b. Kết luận: Từ đồng nghĩa có hai loại: những từ đồng nghĩa hoàn toàn ( không phân biệt nhau về sắc thái nghĩa ) và những từ đồng nghĩa không hoàn toàn ( có sắc thái nghĩa khác nhau )

3. Sử dụng từ đồng nghĩa.

a. Xét các cụm từ sau

- Ví dụ a: Tàu hoả, xe lửa, xe hoả.

-> Có thể thay thế cho nhau.

- Ví dụ b: xơi, chén.

-> Không thể thay thế cho nhau.

b. Kết luận: 
Không phải bao giờ các từ đồng nghĩa cũng có thể thay thế cho nhau. Khi nói cũng như viết, cần cân nhắc để chọn trong số các từ đồng nghĩa những từ thể hiện đúng thực tế khách quan và sắc thái biểu cảm.