Ngữ Văn lớp 7 - Chơi chữ

Ngữ Văn lớp 7 - Chơi chữ

I. TÌM HIỂU CHUNG

1. Thế nào là chơi chữ :

a. Xét ví dụ: Cho bài ca dao sau:
"    Bà già đi chợ Cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?
    Thầy bói xem quẻ nói rằng
Lợi thì có lợi mà răng không còn"
*Câu hỏi:
+ Nhận xét về nghĩa của các từ lợi trong bài ca dao trên. Đồng thời việc sử dụng từ lợi ở câu cuối bài ca dao là dựa và hiện tượng gì của từ ngữ.
+ Việc sử dụng từ lợi như trên có tác dụng gì?

- Lợi 1: Lợi ích, lợi lộc, thuận lợi.

- Lợi 2 và 3 : Bộ phận trong miệng (danh từ)

-> Tạo cách hiểu bất ngờ, lý thú.

=> Chơi chữ “lợi “dựa trên hiện tượng đồng âm khác nghĩa.

b. Ghi nhớ 1: 

- Chơi chữ là lợi dụng đặc sắc về âm, về nghĩa của từ ngữ để tạo sắc thái dí dỏm, hài ước,... làm cho câu văn hấp dẫn và thú vị.

2. Các lối chơi chữ :

a. Xét ví dụ và hãy chỉ ra các lối chơi chữ trong những ví dụ sau:

- Ví dụ 1 : Trăng bao nhiêu tuổi trăng già

               Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non

-> Dùng từ đồng âm.

- Ví dụ 2. Vô tuyến truyền hình -> tàng hình

-> Dùng lối nói trại âm .

- Ví dụ 3: Mênh mông muôn mẫu một màu mưa .(Tú Mỡ)

-> Chơi chữ dựa trên cách điệp âm .

 - Ví dụ 4 :    Con cá đối bỏ trong cối đá .

                 Con mèo cái nằm trên mái kèo .

-> Dùng lối nói lái.

- Ví dụ 5 : Ngọt thơm sau lớp vỏ gai.

     ...sầu riêng mà hoá vui chung trăm nhà .

-> Dùng từ trái nghĩa.

b. Ghi nhớ

- Các lối chơi chữ thường gặp: Dùng từ đông âm, dùng lối nói trại âm( gần âm), dùng cách điệp âm, dùng lối nói lái, Dùng từ ngữ trái nghĩa, đồng nghĩa, trái nghĩa.

- Chơi chữ được sử dụng trong cuộc sống thường ngày, trong văn thơ, đặc biệt trong văn thơ trào phúng, trong câu đối câu đố.