Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ

Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ

NGHỊ LUẬN VỀ MỘT BÀI THƠ, ĐOẠN THƠ

1/ Tìm hiểu đề và lập dàn ý:

       Đề 1: Phân tích bài thơ “ Cảnh khuya" của Hồ Chí Minh.

       a/ Tìm hiểu đề:

       + Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh nào?

       + Phân tích hết giá trị tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ.

               -> Giá trị tư tưởng: Lòng yêu nước, yêu thiên nhiên

               -> Giá trị nghệ thuật: Hình ảnh so sánh( câu 1), đối lập( câu 3), thể thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt vừa cổ điển vừa hiện đại.

       b/ Lập dàn ý:

           Mở bài:

        + Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở chiến khu Việt Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đang trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt của nhân dân ta.

         + Giá trị của bài thơ: Lòng yêu thiên nhiên, đất nước được thể hiện qua bài thơ ngắn gọn, vừa cổ điển vừa hiện đại

         Thân bài:

         + Cảnh đêm trăng ở núi rừng Việt Bắc đẹp sống động:

              = Tiếng suối trong trẻo, rì rầm từ xa vọng lại như tiếng hát-> Hình ảnh so sánh của một tâm hồn nghệ sĩ rất gần với ý thơ Nguyễn Trãi “ Côn Sơn có suối rì rầm – Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”

              = Ánh trăng lồng lộng chiếu rọi khắp khu rừng khiến cho cảnh vật thêm lung linh huyền ảo “ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”-> cảnh được vẽ bằng âm thanh, hình ảnh.

        + Hình ảnh nhân vật trữ tình:

             = Hình ảnh con người đối lập với cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ “ Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ” -> Là người chiến sĩ đang ưu tư day dứt “ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Con người không thể hoà mình tìm thú vui trong thiên nhiên mà đang nặng lòng lo cho vận mệnh đất nước. Thơ Bác luôn canh cánh một nỗi lòng thương nước, nhớ nước “ Một canh hai canh lại ba canh - Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành”( Không ngủ được – Trích “ Nhật kí trong tù”)

            = Trong thơ cổ, nhân vật trữ tình thường là ẩn sĩ hoà mình trong cảnh thiên nhiên, xa lánh việc đời nhưng trong bài thơ này nổi bật giữa cảnh đẹp thiên nhiên là người chiến sĩ cách mạng mang nặng nỗi lo nước, lo đời.

        + Bài thơ vừa có tính chất cổ điển, vừa hiện đại. Chất cổ điển thể hiện qua thể thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt, đề tài viết về thiên nhiên và người ẩn sĩ sỗng giữa thiên nhiên cũng thường thấy trong thơ cổ. Nhưng bài thơ cũng rất hiện đại ở hình ảnh nhân vật trữ tình không phải là người ẩn sĩ tìm thú vui trong thiên nhiên mà nổi bật giữa khung cảnh thiên nhiên đẹp là hình ảnh người chiến sĩ nặng lòng yêu đất nước

         Kết luận: + Bài thơ ngắn gọn, giản dị nhưng thể hiện nét đẹp tâm hồn lớn của Hồ Chí Minh: yêu thiên nhiên, đất nước thiết tha.

                          + Bài thơ có vẻ đẹp hài hoà giữa tâm hồn nghệ sĩ và chiến sĩ, giữa tính chất cổ điển và hiện đại.

              Đề 2: Phân tích đoạn thơ sau trong bài Việt Bắc của Tố Hữu:

Những đường Việt Bắc của ta… Vui lên Việt Bắc , đèo De, núi Hồng”

             a/ Tìm hiểu đề: sgk trang 85

             b/ Lập dàn ý:

       Mở bài: Giới thiệu bài thơ, đoạn thơ( xuất xứ, nguyên văn đoạn thơ)

       Trong kháng chiến chống Pháp, Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn mảnh đất Việt Bắc làm căn cứ địa cách mạng. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 10/1954, Trung ương Đảng chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Nhân sự kiện đó, nhà thơ Tố Hữu sáng tác bài “ Việt Bắc” để ôn lại những kỉ niệm kháng chiến đầy tình nghĩa. Trong bài thơ có đoạn ca ngợi khí thế hào hùng của cuộc kháng chiến

“ Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên

Tin vui chiến thắng trăm miền

Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng

       Thân bài:

       a/ Khí thế dũng mãnh của cuộc kháng chiến ở Việt Bắc:

       + Đoàn quân ra trận khí thế rầm rập như rung chuyển cả đất trời-> dùng từ láy, điệp từ “ đêm đêm rầm rập” “ điệp điệp, trùng trùng” để diễn tả sức mạnh của đoàn quân.

       + Nhiều lực lượng tham gia kháng chiến: bộ đội, dân công, cơ giới-> dùng hình ảnh gợi tả màu sắc “ ánh sao đầu súng” “ dân công đỏ đuốc” “ đèn pha bật sáng”. Đêm rừng Việt Bắc đầy sức sống của những đoàn quân ra trận, ánh sao trời như treo trên đầu súng, những bó đuốc rực lửa của đoàn dân công, ánh đèn pha bật sáng gợi so sánh đến ánh sáng của ngày mai… hình ảnh đẹp lãng mạn.

        + Tác giả dùng hình ảnh cường điệu “ bước chân nát đá” để diễn tả sức mạnh đoàn quân

       b/ Khí thế chiến thắng của các chiến trường khác:

        + Phép liệt kê các địa danh thắng trận ở khắp ba miền Trung, Nam, Bắc, điệp từ “ vui” góp phần diễn tả những thắng lợi giòn giã của quân dân ta dồn dập báo về

       Kết luận:

      Chỉ qua đoạn thơ ngắn Tố Hữu đã thể hiện không khí của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta một cách cụ thể và sinh động. Đọc đoạn thơ, chúng ta như sống lại không khí của một thời đã qua, thời chiến tranh khốc liệt mà hào hùng của dân tộc để càng tự hào về truyền thống anh dũng bảo vệ Tổ quốc của cha ông.

2. Đối tượng và nội dung của bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ:

- Đặc điểm : Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ là trình bày ý kiến, nhận xét, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ đó.

- Đối tượng: bài thơ, đoạn thơ, hình tượng thơ... Cách làm: cần tìm hiểu từ ngữ, hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu, cấu tứ...

- Nội dung:

+ Giới thiệu khái quát bài thơ, đoạn thơ

+ Bàn luận về những giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ

+ Đánh giá chung bài  thơ, đoạn thơ