Địa lý lớp 8 - Bài 7: Đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội các nước ở châu Á

Địa lý lớp 8 - Bài 7: Đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội các nước ở châu Á

1. Vài nét về lịch sử phát triển của các nước châu Á.

- Thời Cổ đại và Trung đại, nhiều dân tộc châu Á đã đạt trình độ phát triển cao của thế giới. Vào thời đó cư dân ở nhiều nước châu Á đã biết khai thác, chế biến khoáng sản, phát triển nghề thủ công, trồng trọt, chăn nuôi và nghề rừng. Họ đã tạo ra nhiều mặt hàng nổi tiếng, được các nước phương Tây ưa chuộng và nhờ đó, thương nghiệp phát triển. Đã có các con đường vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á và Tây Nam Á sang các nước châu Âu.
- Từ thế kỉ XVI và đặc biệt trong thế kỉ XIX, hầu hết các nước châu Á trở thành thuộc địa của các đế quốc Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha... Dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhiều nước trở thành nơi cung cấp nguyên liệu và nơi tiêu thụ hàng hóa cho "mẫu quốc", nhân dân chịu cảnh áp bức khổ cực.

Riêng Nhật Bản, nhờ sớm thực hiện cuộc cải cách Minh Trị vào nửa cuối thế kỉ XIX mở rộng quan hệ với các nước phương Tây, giải phóng đất nước thoát khỏi mọi ràng buộc lỗi thời của chế độ phong kiến, tạo điều kiện cho nền kinh tế Nhật Bản phát triển nhanh chóng.

2. Đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của các nước và lãnh thổ châu Á hiện nay

- Sau chiến tranh thế giới lần 2, nền kinh tế châu Á có nhiều chuyển biến mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều nước tăng.

- Song sự phát triển kinh tế giữa các nước và các vùng lãnh thổ của châu Á không đồng đều, các quốc gia nghèo khổ còn chiếm tỉ lệ cao.