Chủ đề 2 - CÔNG DÂN VỚI ĐẠO ĐỨC

Chủ đề 2 - CÔNG DÂN VỚI ĐẠO ĐỨC

Nội dung 1. Quan niệm về đạo đức

1.1. Đạo đức là gì? Phân biệt đạo đức với pháp luật, phong tục, tập quán.

- Đạo đức là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó, con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội.

- Đặc trưng cơ bản nhất của đạo đức là tính tự giác.

- Quan niệm về đạo đức luôn biến đổi cùng với lịch sử.

1.2. Phân biệt đạo đức, pháp luật

- Giống nhau: Điều chỉnh hành vi của con người.

- Khác nhau: Sự điều chỉnh hành vi của pháp luật là điều chỉnh mang tính bắt buộc, cưỡng chế. Sự điều chỉnh hành vi của đạo đức mang tính tự nguyện và thường là những yêu cầu cao của xã hội đối với con người.

- Trong xã hội có phân chia giai cấp, pháp luật và đạo đức có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: pháp luật là đạo đức tối thiểu, đạo đức là pháp luật tối đa.

1.3. Vai trò của đạo đức đối với cá nhân, gia đình và xã hội

- Đạo đức góp phần hoàn thiện nhân cách con người. Một cá nhân thiếu đạo đức thì mọi phẩm chất, năng lực khác sẽ không còn ý nghĩa.

- Đạo đức là nền tảng của hạnh phúc gia đình, tạo sự ổn định và phát triển vững chắc của gia đình.

- Đạo đức là nền tảng, cơ sở của một xã hội phát triển bền vững.

Nội dung 2. Một số phạm trù cơ bản của đạo đức học

2.1. Nghĩa vụ

- Nghĩa vụ là trách nhiệm của cá nhân đối với yêu cầu, lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội. Nghĩa vụ là yêu cầu chung được xã hội đặt ra, áp dụng cho tất cả mọi người. Thực hiện nghĩa vụ cũng chính là cách thể hiện trách nhiệm trước người khác, cộng đồng và xã hội.

- Cá nhân phải biết đặt nhu cầu và lợi ích của xã hội lên trên, trong trường hợp cần thiết, phải biết hi sinh quyền lợi của mình vì lợi ích chung.

- Xã hội có trách nhiệm bảo đảm cho nhu cầu và lợi ích chính đáng của cá nhân.

2.2. Lương tâm

- Lương tâm: là năng lực tự đánh giá và điều chỉnh hành vi đạo đức của bản thân trong mối quan hệ với người khác và xã hội.

- Lương tâm tồn tại ở 2 trạng thái

  • Trạng thái thanh thản: giúp con người tự tin vào bản thân hơn, giúp họ ngày càng sống đẹp, sống lành mạnh.
  • Trạng thái cắn rứt: giúp cá nhân điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với yêu cầu của xã hội.

- Cách rèn luyện để trở thành người có lương tâm

  • Đối với mọi người: Thường xuyên rèn luyện tư tưởng, đạo đức theo quan điểm tiến bộ, cách mạng và tự giác thực hiện các hành vi đạo đức; Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bản thân; Bồi dưỡng tình cảm trong sáng, đẹp đẽ, cao thượng, bao dung và nhân ái.
  • Đối với học sinh: Tự giác thực hiện nghĩa vụ của học sinh; Rèn luyện ý thức đạo đức, tác phong kỉ luật; Có lối sống lành mạnh, biết quan tâm đến người khác.

2.3. Nhận phẩm, danh dự

- Nhân phẩm là toàn bộ những phẩm chất tốt đẹp mà mỗi con người có được. Nói cách khác, nhân phẩm là giá trị làm người của mỗi con người.

- Để trở thành người có nhân phẩm cần:

  • Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức
  • Thực hiện đúng bổn phận, nghĩa vụ
  • Trau dồi lương tâm,
  • Giữ gìn phẩm giá của bản thân
  • Tôn trọng danh dự và nhân phẩm của người khác.

- Danh dự là nhân phẩm đã được đánh giá và công nhận. Muốn có danh dự, trước hết phải là người có nhân phẩm.

2.4. Hạnh phúc

- Hạnh phúc là cảm xúc vui sướng, hài lòng của con người trong cuộc sống khi được đáp ứng, thỏa mãn các nhu cầu chân chính, lành mạnh về vật chất và tinh thần.

- Hạnh phúc cá nhân là hạnh phúc gắn với cá nhân; hạnh phúc xã hội là hạnh phúc gắn với xã hội. Hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc xã hội luôn gắn bó với nhau, hạnh phúc của từng cá nhân là cơ sở của hạnh phúc xã hội.

Nội dung 3. Công dân với tình yêu, hôn nhân, gia đình

3.1. Tình yêu, hôn nhân và gia đình

- Tình yêu là một dạng tình cảm đặc biệt của con người, xuất hiện ở cả nam và nữ khi đến tuổi trưởng thành. Tình yêu là sự rung cảm quyến luyến sâu sắc giữa hai người khác giới. Ở họ có sự phù hợp về nhiều mặt làm cho họ có nhu cầu gần gũi, gắn bó với nhau, tự nguyện sống vì nhau và sẵn sàng hiến dâng cho nhau trong cuộc sống của mình.

- Tình yêu chân chính là tình yêu trong sáng và lành mạnh, phù hợp với các quan niệm đạo đức tiến bộ của xã hội.

- Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn.

- Gia đình là một cộng đồng người chung sống và gắn bó với nhau bởi hai mối quan hệ cơ bản là quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống.

3.2. Một số quan niệm sai lầm về tình yêu, hôn nhân và gia đình.

- Một số điều nên tránh trong tình yêu: (1) yêu đương quá sớm; (2) yêu một lúc nhiều người; (3) có quan hệ tình dục trước hôn nhân.

- Một số điều nên tránh trong hôn nhân: (1) sống thử; (2) tảo hôn; (3) ngoại tình; (4) kết hôn giả, kết hôn vì tiền; (5) kết hôn trực hệ.

- Một số điều nên tránh trong gia đình: (1) bất bình đẳng trong gia đình; (2) bạo hành gia đình; (3) không thực hiện các chức năng trong gia đình.

- Luật Hôn nhân và gia đình có hiệu lực từ 01/01/2015 quy định nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên thì được kết hôn.

- Hôn nhân tự nguyện và tiến bộ: (1) Dựa trên tình yêu chân chính. (2) Tự do kết hôn theo luật định. (3) Bảo đảm về mặt pháp lý. (4) Có quyền tự do ly hôn.

- Hôn nhân một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng: có quyền hạn, nghĩa vụ, quyền lợi ngang nhau.

Nội dung 4. Công dân với cộng đồng

4.1. Cộng đồng là gì?

- Cộng đồng là toàn thể những người cùng sống, có những điểm giống nhau, gắn bó thành một khối trong sinh hoạt xã hội.

- Vai trò của cộng đồng: Cộng đồng chăm lo cuộc sống của cá nhân; đảm bảo cho mọi người có điều kiện để phát triển. Cộng đồng giải quyết hợp lí mối quan hệ lợi ích riêng và chung, giữa lợi ích và trách nhiệm, giữa nghĩa vụ và quyền lợi. Cá nhân phát triển trong cộng đồng và tạo nên sức mạnh trong cộng đồng.

4.2. Khái niệm và đặc trưng của nhân nghĩa, hòa nhập, hợp tác

- Nhân nghĩa là lòng thương người và đối xử với người theo lẽ phải. Sống nhân nghĩa giúp cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn, thêm yêu cuộc sống, có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn. Sống nhân nghĩa cũng là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

- Sống hoà nhập là sống gần gũi, chan hoà, không xa lánh mọi người, không gây mâu thuẫn, bất hoà với người khác, có ý thức tham gia các hoạt động chung của cộng đồng. Sống hòa nhập sẽ giúp chúng ta có thêm niềm vui và sức mạnh vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

- Hợp tác là cùng chung sức làm việc, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong một công việc, một lĩnh vực nào đó vì mục đích chung. Hợp tác phải trên nguyên tắc tự nguyện, | bình đẳng. Hợp tác tạo nên sức mạnh trí tuệ, tinh thần và thể chất vượt qua khó khăn; là phẩm chất cần có trong xã hội hiện đại.

Nội dung 5. Công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

5.1. Lòng yêu nước 

- Lòng yêu nước là tình yêu quê hương đất nước, và tinh thần đem hết khả năng của mình phục vụ lợi ích của Tổ quốc.

- Lòng yêu nước xuất phát từ những hình ảnh bình dị nhất và gần gũi nhất đối với con người...

5.2. Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam

- Yêu nước là truyền thống dân tộc cao quý và thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam, là cội nguồn của các giá trị truyền thống khác.

- Lòng yêu nước được hình thành từ quá trình lao động và quá trình đấu tranh kiên cường đầy gian khổ chống giặc ngoại xâm để giữ gìn và bảo vệ đất nước.

5.3. Trách nhiệm

- Trách nhiệm trong xây dựng đất nước:

  • Chăm chỉ, sáng tạo trong học tập, lao động; có mục đích, có động cơ học tập đúng đắn, học để mai sau xây dựng đất nước; chúng ta cần hiểu học tập tốt là yêu nước.
  • Tích cực rèn luyện đạo đức, tác phong, sống trong sáng, lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội, biết đấu tranh với những biểu hiện của lối sống lại căng, thực dụng, xa rời giá trị văn hoá - đạo đức truyền thống dân tộc.
  • Quan tâm đến đời sống chính trị, xã hội của địa phương, của đất nước. Thực hiện tốt mọi chủ trương chính sách của Đảng và của pháp luật của Nhà nước, đồng thời vận động mọi người xung quanh cùng thực hiện.
  • Tích cực tham gia góp phần xây dựng quê hương bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với khả năng như: Bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, xoá đói giảm nghèo, chống tiêu cực, tham nhũng...
  • Biết phê phán, đấu tranh với những hành vi đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.

- Trách nhiệm của thanh niên học sinh trong việc bảo vệ Tổ quốc.

  • Trung thành với Tổ quốc, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Cảnh giác trước mọi âm mưu chia rẽ, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phê phán đấu tranh với những thái độ, việc làm gây tổn hại đến an ninh quốc gia, xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
  • Tích cực học tập, dèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khoẻ.
  • Tham gia đăng kí nghĩa vụ quân sự khi đến tuổi, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
  • Sẵn sàng tham gia các hoạt động an ninh quốc phòng ở địa phương. Thực hiện hoạt động đền ơn đáp nghĩa với các gia đình thương binh, liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng do nhà trường địa phương tổ chức.
  • Vận động bạn bè, người thân thực hiện tốt nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Nội dung 6. Công dân với những vấn đề cấp thiết của nhân loại

6.1. Ô nhiễm môi trường và trách nhiệm của công dân

- Khái niệm: Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi các tính chất vật lí, hóa học, sinh học của môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người và các sinh vật khác.

- Biểu hiện: Ô nhiễm đất, nước, không khí, tiếng ồn; Tài nguyên rừng, biên khoáng sản, sinh vật bị khai thác cạn kiệt; Sự nóng lên của Trái đất, các hiện tượng thời tiết cực đoan.

- Hậu quả: Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

6.2. Bùng nổ dân số và trách nhiệm của công dân

- Khái niệm: Bùng nổ dân số là sự gia tăng dân số quá nhanh trong một thời gian ngắn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội.

- Hậu quả: Gây sức ép trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, lương thực, giáo dục, việc làm, y tế, xã hội, an ninh - quốc phòng).

- Trách nhiệm của công dân trong việc hạn chế sự bùng nổ về dân số.

  • Nghiêm chỉnh thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình: không kết hôn sớm, không sinh con ở tuổi vị thành niên, thực hiện mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con.
  • Tuyên truyền và vận động mọi người.

6.3. Dịch bệnh hiểm nghèo và trách nhiệm của công dân

- Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam hiện nay: Ước tính số người sống với HIV ở Việt Nam là 258.600 người; 0,26% dân số là người trưởng thành đang sống với HIV; đối tượng nhiễm HIV nhiều nhất nằm trong khoảng độ tuổi 30 – 39 tuổi; tỷ lệ thanh niên bị lây nhiễm HIV/AIDS ngày càng gia tăng.

- Những hiểu lầm về bệnh HIV/AIDS:

  • Uống chung cốc/bắt tay với một người nhiễm HIV hoặc bệnh nhân AIDS thì bị AIDS.
  • Muỗi đốt làm lây HIV.
  • Đã có thuốc chữa HIV/AIDS.
  • Trẻ sinh ra từ mẹ có HIV thì chắc chắn bị nhiễm HIV.

- Kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người bị nhiễm HIV/AIDS:

  • Nhiều người nhiễm HIV đang bị cô lập và chối bỏ ngay trong chính gia đình của mình, trong cộng đồng và các mối quan hệ xã hội.
  • Người nhiễm HIV bị mất việc làm và không được nhận vào trường học.
  • Người nhiễm HIV bị bạo hành, bị từ chối các dịch vụ y tế hay dịch vụ trợ giúp xã hội.
  • Tiếp tay cho HIV âm thầm lây lan trong cộng đồng.

- Phơi nhiễm HIV:

  • Là hiện tượng tiếp xúc với dịch từ người bệnh HIV, chỉ có nguy cơ mắc bệnh chứ chưa thật sự mang virus HIV trong người.
  • Người bị phơi nhiễm vẫn có thể sinh hoạt và làm việc bình thường.
  • Trong 2 – 7 giờ đầu tiếp xúc với mầm bệnh, tới trung tâm y tế để được điều trị với thuốc chống phơi nhiễm.
  • Không để quá 3 ngày mới dùng thuốc, nguy cơ nhiễm bệnh sẽ tăng cao.

Nội dung 7. Tự hoàn thiện bản thân

7.1. Thế nào là tự hoàn thiện bản thân?

- Tự nhận thức về bản thân là khả năng tự nhìn nhận, đánh giá về bản thân.

- Tự hoàn thiện bản thân là vượt lên mọi khó khăn, trở ngại, không ngừng lao động, học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phát huy ưu điểm, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, học hỏi những điểm hay, điểm tốt của người khác để bản thân ngày một tốt hơn, tiến bộ hơn.

- Sự cần thiết phải tự hoàn thiện bản thân:

  • Ai cũng có mặt mạnh và điểm yếu, do đó ai cũng cần tự hoàn thiện mình để phát triển và đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội.
  • Người không biết tự hoàn thiện bản thân sẽ dần trở nên lạc hậu và tự đào thải.

7.2. Làm thế nào để tự hoàn thiện bản thân

- Phải tự nhận thức đúng về những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và đối chiếu với các chuẩn mực đạo đức chung của xã hội.

- Lập kế hoạch phấn đấu, rèn luyện bản thân theo từng mốc thời gian cụ thể.

- Phải xác định rõ những biện pháp cần thực hiện để hoàn thiện bản thân phù hợp với điều kiện của mình.

- Xác định được những thuận lợi đã có những khó khăn có thể gặp phải và cách vượt qua các khó khăn đó khi rèn luyện để hoàn thiện bản thân mình.

- Cần xác định được những người tin cậy có thể hỗ trợ, giúp đỡ mình.

- Phải có quyết tâm thực hiện.