Chủ đề 1. CÔNG DÂN VỚI VIỆC HÌNH THÀNH THẾ GIỚI QUAN VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN KHOA HỌC

Chủ đề 1. CÔNG DÂN VỚI VIỆC HÌNH THÀNH THẾ GIỚI QUAN VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN KHOA HỌC

Nội dung 1. Thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng

1.1. Vai trò của triết học

- Triết học là hệ thống các quan điểm lí luận chung nhất về thế giới và vị trí của con người trong thế giới đó.

- Triết học có vai trò là thế giới quan, phương pháp luận chung cho mọi hoạt động thực tiễn và hoạt động nhận thức của con người.

1.2. Thế giới quan duy vật và thế giới quan duy tâm

- Thế giới quan là toàn bộ những quan điểm và niềm tin định hướng hoạt động của con người trong cuộc sống.

- Thế giới quan duy vật cho rằng, giữa vật chất và ý thức thì vật chất là cái có trước, cái quyết định ý thức. Thế giới vật chất tồn tại khách quan, độc lập với ý thức của con người, không do ai sáng tạo ra và không ai có thể tiêu diệt được.

- Thế giới quan duy tâm cho rằng ý thức là cái có trước, cái sản sinh ra giới tự nhiên.

- Thế giới quan duy vật đúng đắn vì gắn liền với khoa học và có vai trò tích cực trong việc phát triển khoa học và là cơ sở giúp con người nhận thức và hành động đúng đắn.

1.3. Phương pháp luận biện chứng, phương pháp luận siêu hình

- Phương pháp luận là học thuyết về phương pháp nhận thức khoa học và cải tạo thế giới.

- Phương pháp luận biện chứng xem xét sự vật, hiện tượng trong sự ràng buộc lẫn nhau giữa chúng, trong sự vận động và phát triển không ngừng của chúng.

- Phương pháp luận siêu hình xem xét sự vật, hiện tượng một cách phiến diện, chỉ thấy chúng tồn tại trong trạng thái cô lập, không vận động, không phát triển, áp dụng một cách máy móc đặc tính của sự vật này vào sự vật khác.

- Phương pháp luận biện chứng phản ánh đúng bản chất vốn có của sự vật, giúp con người nhận thức đúng và hành động đúng. Vì thế, phương pháp luận biện chứng là đúng đắn và khoa học.

Nội dung 2. Thế giới vật chất luôn vận động theo các quy luật khách quan

2.1. Sự vận động và phát triển của thế giới vật chất

- Vận động là mọi sự biến đổi (biến hoá) nói chung của các sự vật và hiện tượng trong giới tự nhiên và đời sống xã hội.

- Phát triển là khái niệm dùng để khái quát những vận động theo chiều hướng tiến lên  từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn. Cái mới ra đời thay thế cái cũ, cái tiến bộ ra đời thay thế cái lạc hậu.

- Vận động là thuộc tính vốn có, là phương thức tồn tại của các sự vật và hiện tượng.

- Có 5 hình thức vận động cơ bản của thế giới vật chất là: Vận động cơ học; Vận động vật lí; Vận động hoá học; Vận động sinh học; Vận động xã hội.

- Phát triển là khuynh hướng chung của quá trình vận động của sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan. Nếu không có sự phát triển thì thế giới vật chất sẽ không còn tồn tại.

- Quá trình phát triển của sự vật, hiện tượng không diễn ra một cách đơn giản, thẳng tắp, mà diễn ra một cách quanh co, phức tạp, đôi khi có bước thụt lùi tạm thời. Song, khuynh hướng tất yếu của quá trình đó là cái mới ra đời thay thế cái cũ, cái tiến bộ thay thế cái lạc hậu.

2.2. Nguồn gốc vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng

- Mâu thuẫn là một chỉnh thể trong đó hai mặt đối lập vừa thống nhất với nhau vừa đấu tranh với nhau.

- Mặt đối lập của mâu thuẫn là những khuynh hướng, tính chất, đặc điểm mà trong quá trình vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng chúng phát triển theo những chiều hướng trái ngược nhau.

- Sự thống nhất giữa các mặt đối lập được hiểu là hai mặt đối lập liên hệ, gắn bó với nhau, làm tiền đề tồn tại cho nhau.

- Sự đấu tranh giữa các mặt đối lập được hiểu là các mặt đối lập luôn tác động bài trừ, gạt bỏ nhau.

- Trong mỗi mâu thuẫn, sự thống nhất giữa các mặt đối lập không tách rời sự đấu tranh giữa chúng.

- Sự đấu tranh giữa các mặt đối lập là nguồn gốc vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng.

- Mâu thuẫn chỉ được giải quyết bằng sự đấu tranh giữa các mặt đối lập, không phải bằng con đường điều hòa mâu thuẫn.

2.3. Cách thức vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng

- Chất của sự vật là sự thống nhất hữu cơ của những thuộc tính vốn có của sự vật để phân biệt với sự vật khác.

- Lượng của sự vật chỉ nói lên con số của thuộc tính cấu thành nó như về độ to nhỏ, quy mô lớn bé, trình độ cao thấp, tốc độ nhanh chậm, số lượng ít nhiều.

- Mọi sự vật, hiện tượng đều có mặt lượng và chất.

- Mọi sự vật, hiện tượng đều biến đổi theo cách thức: bắt đầu từ sự thay đổi về lượng, đạt đến điểm nút, phá vỡ giới hạn độ, thực hiện bước nhảy về chất. Khi đó sự vật cũ mất đi, sự vật mới ra đời.

- Bài học: Tránh tư tưởng nóng vội, đốt cháy giai đoạn. Phải kiên trì đi từ dễ đến khó, học từ cái đơn giản đến phức tạp. Tránh tư tưởng lo lắng thái quá, không cần thiết.

2.4. Khuynh hướng phát triển của sự vật, hiện tượng

- Phủ định là xóa bỏ sự tồn tại của sự vật, hiện tượng nào đó.

- Phủ định siêu hình là sự phủ định được diễn ra do sự can thiệp, sự tác động từ bên ngoài, cản trở hoặc xoá bỏ sự tồn tại và phát triển tự nhiên của sự vật.

- Phủ định biện chứng là sự phủ định được diễn ra do sự phát triển của bản thân sự vật và hiện tượng, có kế thừa những yếu tố tích cực của sự vật, hiện tượng cũ để phát triển sự vật, hiện tượng mới.

- Phủ định biện chứng có hai tính chất cơ bản:

  • Tính khách quan: Nguyên nhân của sự phủ định nằm ngay trong bản thân sự vật, hiện tượng.
  • Tính kế thừa: Trong quá trình phát triển của sự vật, hiện tượng; cái mới ra đời trên cơ sở giữ lại những yếu tố tích cực của cái cũ.

- Khuynh hướng phát triển của sự vật và hiện tượng là vận động đi lên, cái mới ra đời, kế thừa và thay thế cái cũ nhưng ở trình độ ngày càng cao hơn, hoàn thiện hơn.

- Mỗi chu kỳ phát triển của sự vật, hiện tượng phải diễn ra ít nhất hai lần phủ định biện chứng, được gọi là chu kỳ “phủ định của phủ định”.

Nội dung 3. Thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức

3.1. Nhận thức và hai giai đoạn của nhận thức

- Nhận thức là quá trình phản ánh sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan vào bộ óc của con người, để tạo ra những hiểu biết về chúng.

- Nhận thức cảm tính là giai đoạn nhận thức được tạo nên do sự tiếp xúc trực tiếp của các cơ quan cảm giác với sự vật, hiện tượng, đem lại cho con người hiểu biết bên ngoài về chúng.

- Nhận thức lí tính là giai đoạn nhận thức tiếp theo, dựa trên các tài liệu do nhận thức cảm tính đem lại, nhờ các thao tác của tư duy như phân tích, so sánh, tổng hợp, khái quát... tìm ra bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng.

3.2. Thực tiễn và vai trò của thực tiễn.

- Thực tiễn là toàn bộ những hoạt động vật chất có mục đích, mang tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội.

- Hoạt động thực tiễn rất đa dạng và phong phú, ta có thể khái quát thành ba hình thức cơ bản: hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động Chính trị - xã hội, hoạt động thực nghiệm khoa học.

- Hoạt động sản xuất vật chất là cơ bản nhất vì nó quyết định các hoạt động khác và xét cho cùng, các hoạt động khác đều nhằm phục vụ hoạt động cơ bản này.

- Thực tiễn là cơ sở của nhận thức, là động lực của nhận thức, là mục đích của nhận thức và là tiêu chuẩn để kiểm tra kết quả của nhận thức.

Nội dung 4. Con người là chủ thể của lịch sử, là mục tiêu của sự phát triển xã hội

4.1. Con người là chủ thể của lịch sử, tự sáng tạo ra lịch sử của mình.

- Lịch sử loài người do con người tạo ra từ khi con người chế tạo được công cụ lao động. Nhờ công cụ lao động mà con người tìm kiếm được thức ăn, chỗ ở và những vật dụng cần thiết... nhờ công cụ lao động mà con người tạo ra lịch sử của xã hội loài người.

- Để tồn tại và phát triển, con người phải lao động để tạo ra tất cả những thứ cần thiết phục vụ con người.

- Sản xuất của cải vật chất là đặc trưng riêng của con người, không chỉ đảm bảo sự tồn tại của xã hội mà còn thúc đẩy trình độ phát triển của xã hội.

- Giá trị tinh thần cũng là những nhu cầu mà con người cần để cân bằng và phát triển tính nhân văn của con người, mặt xã hội của con người (yếu tố đặc biệt tạo nên sự khác biệt giữa con người với con vật).

- Lịch sử xã hội của loài người từ xã hội cộng sản nguyên thủy đến nay, trước hết, là lịch sử phát triển và thay thế lẫn nhau của các phương thức sản xuất.

4.2. Con người là mục tiêu của sự phát triển xã hội

- Sự phát triển của xã hội là vì con người, thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của con người.

- Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội: xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống tự do, hạnh phúc, mọi người có điều kiện phát triển toàn diện là mục tiêu cao cả của chủ nghĩa xã hội.