Bài 4: Các nước Đông Nam Á (cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX)

Bài 4: Các nước Đông Nam Á (cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX)

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Quá trình xâm lược của chủ nghĩa thực dân vào các nước Đông Nam Á

Từ giữa thế kỉ XIX, nhân cơ hội chế độ phong kiến ở Đông Nam Á đang lâm vào khủng hoảng, các nước thực dân phương Tây mở rộng và từng bước hoàn thành việc xâm lược các nước Đông Nam Á, trừ Xiêm.

- Inđônêxia: Từ thế kỉ XV, XVI, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan đã có mặt. Đến thế kỉ XIX, Hà Lan hoàn thành xâm lược Indônêxia.

- Philippin: Tây Ban Nha thống trị từ thế kỉ XVI. Sau chiến tranh Mĩ - Tây Ban Nha (năm 1898), Mĩ chiếm Philippin.

- Miến Điện: Anh tiến hành ba cuộc chiến tranh xâm lược, đến 1885 thôn tính xong rồi sát nhập vào Ấn Độ thuộc Anh.

- Mã Lai: Đến đầu thế kỉ XX, trở thành thuộc địa của Anh.

- Việt Nam, Lào, Campuchia: Đến cuối thế kỉ XIX, Pháp hoàn thành xâm lược.

- Xiêm: Nửa sau thế kỉ XIX, cả Anh và Pháp cùng tranh chấp. Tuy nhiên với chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo của vua Rama V, Xiêm vẫn giữ được độc lập tương đối về chính trị.

2. Phong trào chống thực dân Hà Lan của nhân dân Inđônêxia

- Cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân Achê: tháng 10-1873, hàng nghìn quân Hà Lan đổ bộ lên Achê, nhân dân Achê tiến hành chiến tranh du kích chiến đấu bền bỉ với quân thù. Đến năm 1884, Hà Lan đã thiệt hại hàng nghìn quân mà vẫn không chinh phục được Achê.

- Phong trào nông dân khởi nghĩa do Samin lãnh đạo: Samin vận động nông dân chống lại những thứ thuế vô lí của bọn thực dân, ông tuyên truyền, động viên, tổ chức quần chúng nhân dân chống lại áp bức, bóc lột, bất công.

- Phong trào công nhân: Các tổ chức Hiệp hội công nhân đường sắt (1905), Hiệp hội công nhân xe lửa (1908) lần lượt ra đời. Tháng 12-1914, Liên minh xã hội dân chủ Inđônêxia thành lập nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin.

- Tư sản dân tộc: Đóng vai trò nhất định trong phong trào yêu nước ở Inđônêxia đầu thế kỉ XX.

3. Phong trào chống thực dân ở Philippin.

Philippin là một quốc gia hải đảo, được ví như một “dải lửa” trên biển vì sự hoạt động của nhiều núi lửa.

Philippin trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha từ giữa thế kỉ XVI.

- Năm 1872, nhân dân Cavitô nổi lên khởi nghĩa nhưng thất bại.

- Đến những năm 90 của thế kỉ XIX, ở Philíppin xuất hiện hai xu hướng chính trong phong trào giải phóng dân tộc.

+ Xu hướng cải cách của Hôxe Ridan:

Năm 1892, Hôxê Ridan thành lập “Liên minh Philíppin”. Liên minh chủ trương tuyên truyền, khơi dậy ý thức dân tộc, đòi người Philippin được hưởng quyền bình đẳng như người Tây Ban Nha, được tham gia chính quyền, tự do kinh doanh và phát triển văn hóa dân tộc.

+ Xu hướng bạo động của Bôniphaxiô:

Tháng 7-1892, Bôniphaxiô tách khỏi “Liên minh Philippin” thành lập “Liên hiệp những người con yêu quý của nhân dân.

- Cuộc cách mạng năm 1896

Ngày 28-8-1896, Bồniphaxiô phát lệnh khởi nghĩa được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt. Phong trào kháng chiến lan rộng. Nhiều vùng được giải phóng và thành lập được chính quyền, chia ruộng đất cho nông dân, tiến tới thành lập nền cộng hòa. Nhưng sau đó Bôniphaxiô bị sát hại, KATIPUNAN tan rã.

Trong khi Mĩ đang tìm cách bành trướng sang bờ Tây Thái Bình Dương, nhân cơ hội này Mĩ gây chiến với Tây Ban Nha (4-1898) trên danh nghĩa ủng hộ cuộc đấu tranh chống thực dân của nhân dân Philíppin. Tháng 6-1898, Mĩ đưa Aghinanđô lên làm Tổng thống nước cộng hòa Philippin. Sau khi Tây Ban Nha thua trận, Mỹ đổ bộ lên chiếm Manila và nhiều nơi trên quần đảo. Nghĩa quân Philippin chuyển sang đấu tranh chống Mĩ đến 1902 thì bị dập tắt. Philippin trợ thành thuộc địa của Mĩ.

4. Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Campuchia

Dưới ách thống trị của Pháp, nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp nổ ra trên khắp cả nước.

- Cuộc khởi nghĩa của Hoàng thân Sivôtha (1861-1892)

Bất bình trước thái độ của triều đình đối với quân Xiêm và quân Pháp, Sivotha tập hợp nhân dân nổi dậy khởi nghĩa, tấn công quân Pháp ở Uđông và Phnôm Pênh, mở rộng địa bàn hoạt động. Tháng 10 -1892, Sivotha qua đời vì bị bệnh, phong trào thất bại.

- Cuộc khởi nghĩa của Acha Xoa (1863-1866)

Acha Xoa tham gia phong trào của Sivotha, sau khi phong trào này bị đàn áp, ông và nhiều nghĩa quân phiêu bạt sang Châu Đốc, Tịnh Biên (Việt Nam). Nhân dân Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ Acha Xoa chống Pháp.

Từ vùng núi Thất Sơn, Acha Xoa lấy Châu Đốc, Hà Tiên làm bàn đạp tấn công về Campuchia. Năm 1864, có lần nghĩa quân chiếm được tỉnh Cam pốt và áp sát Phnôm Pênh. Nghĩa quân hoạt động mạnh mẽ trong những năm 1864-1865. Biên giới Việt Nam - Campuchia trở thành vùng an bình cho cuộc khởi nghĩa. Ngày 19-3-1866, Acha Xoa bị thương nặng và bị Pháp bắt.

- Cuộc khởi nghĩa của Pucombo (1866-1867)

Năm 1866, nhà sư Pucombô phát động khởi nghĩa chống Pháp và lập căn cứ ở Tây Ninh. Nghĩa quân có cả người Việt. Trương Quyền và Thiên Hộ Dương đã liên kết với nghĩa quân Pucombô đánh Pháp. Khi lực lượng mạnh, Pucombô tiến về nước, kiểm soát Paman, tấn công kinh đô cũ Uđông (17-12 1866). Nhân dân ba tỉnh miền Tây Nam kì thường xuyên cung cấp lương thực, vũ khí cho nghĩa quân. Ngày 3-12-1867, Pucombo hi sinh.

5. Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Lào đầu thế kỉ XX

Lào thực sự trở thành thuộc địa của Pháp từ năm 1893.

Từ đầu thế kỉ XX, nhân dân Lào tiến hành nhiều cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp.

- Khởi nghĩa do Phacađuốc lãnh đạo (1901-1903): giải phóng Xavannakhét, mở rộng hoạt động sang biên giới Việt - Lào.

- Khởi nghĩa trên cao nguyên Bôlôven do Ông Kẹo và Commađam lãnh đạo nổ ra năm 1901 kéo dài đến năm 1937.

6. Xiêm giữa thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX

Vào giữa thế kỉ XIX, Xiêm cũng đứng trước sự đe dọa xâm nhập của thực dân phương Tây, nhất là Anh và Pháp.

Triều đại Rama (thiết lập năm 1752), chủ trương đóng cửa. Đến thời Rama IV chủ trương mở cửa.

- Năm 1868, Chulalongcon lên ngôi – Rama V. Rama V thực hiện một loạt biện pháp cải cách:

+ Xóa bỏ chế độ nô lệ vì nợ.

+ Xóa bỏ chế độ nghĩa vụ lao động của nông dân đối với nhà nước.

+ Giảm nhẹ thuế ruộng.

+ Khuyến khích tư nhân bỏ vốn kinh doanh công thương nghiệp.

+ Cải cách hành chính, tài chính, quân đội, trường học theo kiểu phương Tây.

+ Thi hành chính sách ngoại giao mềm dẻo.

- Tác dụng những cải cách của Rama V:

Những cải cách của Rama V đã đưa Xiêm phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Nền kinh tế và quân sự có những bước phát triển, tránh được tình trạng trở thành một nước thuộc địa như các nước khác trong khu vực.