Bài 3: Trung Quốc

Bài 3: Trung Quốc

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Trung Quốc bị các nước đế quốc xâm lược

- Trung Quốc là một nước lớn, đông dân, trở thành “miếng mồi” cho các nước đế quốc.

- Để buộc Trung Quốc “mở cửa”, thực dân Anh gây ra cuộc “chiến tranh thuốc phiện” (1840-1842). Kết quả là Hiệp ước Nam Kinh được kí kết, triều đình Mãn Thanh phải chịu những điều khoản nặng nề. Đây là mốc mở đầu quá trình biến Trung Quốc thành nước nửa thuộc địa, nửa phong kiến.

- Sau chiến tranh thuốc phiện, các nước đế quốc từng bước xâu xé Trung Quốc: Đức chiếm Sơn Đông; Anh chiếm vùng châu thổ sông Dương Tử; Pháp chiếm vùng Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Nga, Nhật Bản chiếm vùng Đông Bắc.

2. Phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc từ giữa thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX

- Khởi nghĩa Thái bình Thiên quốc: khởi nghĩa do Hồng Tú Toàn lãnh đạo, nổ ra ngày 1-1-1851 kéo dài 14 năm (đến 1864). Đây là phong trào nông dân lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Nghĩa quân đề ra chính sách bình quân ruộng đất, quyền bình đẳng nam, nữ.

- Cuộc vận động Duy tân: năm 1898, Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu lãnh đạo cuộc vận động Duy tân và được vua Quang Tự ủng hộ. Phong trào không dựa vào nhân dân nên chỉ kéo dài được 100 ngày và bị đàn áp.

- Phong trào Nghĩa Hòa đoàn: phong trào nổ ra ở Sơn Đông, sau đó lan ra Trực Lệ, Sơn Tây. Nghĩa quân tấn công sứ quán nước ngoài ở Bắc Kinh, Liên quân tám nước tiến vào Bắc Kinh đàn áp, Nghĩa Hòa đoàn bị đánh bại. Nhà Mãn Thanh phải kí điều ước Tân Sửu (1901) chịu bồi thường chiến phí và để cho quân các nước đế quốc đóng ở Bắc Kinh, Trung Quốc thực sự trở thành nước nửa thuộc địa nửa phong kiến.

3. Tôn Trung Sơn và Cách mạng Tân Hợi (1911)

a. Tôn Trung Sơn và việc thành lập Trung Quốc Đồng minh hội

- Đầu thế kỉ XX, giai cấp tư sản Trung Quốc bắt đầu tập hợp lực lượng nắm quyền lãnh đạo cách mạng. Tôn Trung Sơn là đại diện ưu tú và lãnh tụ của phong trào cách mạng theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Trung Quốc.

- Tháng 8-1905, Tôn Trung Sơn thành lập Trung Quốc Đồng minh hội.

+ Thành phần: Trí thức tư sản, tiểu tư sản, địa chủ, nhân sĩ bất bình với nhà Thanh.

+ Cương lĩnh chính trị của Đảng dựa trên học thuyết Tam dân của Tôn Trung Sơn là “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”.

+ Mục tiêu: Đánh đổ Mãn Thanh, khôi phục Trung Hoa, thành lập Dân quốc, thực hiện bình đẳng về ruộng đất cho dân cày.

b. Cách mạng Tân Hợi (1911)

- Diễn biến:

Sự kiện châm ngòi nổ của Cách mạng Tân Hợi là sắc lệnh “Quốc hữu hóa” đường sắt ngày 9-5-1911 của chính quyền Mãn Thanh, gây căm phẫn trong nhân dân và giai cấp tư sản.

Ngày 10-10-1911, Đồng minh hội phát động khởi nghĩa ở Vũ Xương. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi nhanh chóng và lan rộng khắp các tỉnh miền Nam và miền Trung.

Ngày 29-12-1911, Quốc dân đại hội họp ở Nam Kinh bầu Tôn Trung Sơn làm Đại Tổng thống đứng đầu Chính phủ lâm thời, thông qua Hiến pháp, công nhận quyền bình đẳng và tự do của mọi công dân.

Trước thắng lợi bước đầu của cách mạng, một số phần tử trong Đồng minh hội tìm cách hạn chế phong trào, thương lượng với triều đình Mãn Thanh. Kết quả là vua Thanh thoái vị. Viên Thế Khải - một đại thần của triều đình Mãn Thanh lên làm Tổng thống (3-1913).

- Kết quả: Lật đổ triều đại Mãn Thanh, thiết lập nền cộng hòa.

- Ý nghĩa lịch sử: Lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại lâu đời, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển, có anh hưởng nhất định đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc một số nước châu Á.

Cách mạng Tân Hợi là một cuộc cách mạng tư sản không triệt để vì nó không thủ tiêu chế độ sở hữu ruộng đất phong kiến, không giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, không xóa bỏ ách nô dịch của nước ngoài.