Bài 22: Xã hội Việt Nam trong cuộc khai thác lần thứ nhất của thực dân Pháp

Bài 22: Xã hội Việt Nam trong cuộc khai thác lần thứ nhất của thực dân Pháp

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Những chuyển biến về kinh tế

Năm 1897, P. Đume sang làm toàn quyền Đông Dương, tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất.

- Về kinh tế:

+ Ruộng đất, kể cả ruộng công làng xã, bị chiếm đoạt trở thành đồn điền của các điền chủ Pháp. Năm 1897, ép triều đình Huế “nhượng quyền khai khẩn đất hoang cho chúng.

+ Đầu tư khai thác mỏ (than đá, thiếc, kẽm...) và công nghiệp phục vụ đời sống (điện nước...)

+ Xây dựng hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, cầu, bến cảng (đến năm 1912, chiều dài đường sắt là 2059 km; cầu Long Biên, Tràng Tiền, Bình Lợi; cảng ở Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng).

2. Những chuyển biến về xã hội

Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp đã làm cho xã hội Việt Nam biến đổi.

- Giai cấp địa chủ phong kiến.

Một bộ phận giàu có gắn chặt quyền lợi với thực dân Pháp và là chỗ dựa của thực dân Pháp. Chúng tha hồ bóc lột nông dân. Bộ phận địa chủ nhỏ và vừa bị đế quốc chèn ép vẫn có tinh thần chống Pháp.

- Giai cấp nông dân

Chịu khốn khổ vì thuế khóa, địa tô, phu phen tạp dịch, nạn cướp đất làm đồn điền, nhà máy... Một số chạy ra hầm mỏ, đồn điền... kiếm được việc làm, còn đại bộ phận phải sống cuộc đời cơ cực ở nông thôn.

- Giai cấp công nhân

Họ làm việc trong các hầm mỏ, đồn điền, các xí nghiệp công nghiệp, công trường, các ngành giao thông.

Đến đầu thế kỉ XX lực lượng công nhân Việt Nam còn non trẻ. Đấu tranh vì mục tiêu kinh tế. Ngoài ra, còn tham gia các phong trào chống Pháp do các tầng lớp khác lãnh đạo. - Tư sản Việt Nam

Họ vốn là những chủ đại lí tiêu thụ hoặc thu mua hàng hóa, nguyên vật liệu, chủ thầu, chủ xưởng thủ công. Sau khi có được số vốn khá họ đứng ra lập các hội buôn, công ti... một số sĩ phu yêu nước đứng ra lập các hiệu buôn, hội sản xuất.

- Tiểu tư sản

Thành phần khá phức tạp: tiểu thương, tiểu chủ, viên chức, thầy giáo, nhà báo, học sinh, sinh viên...

Như vậy xã hội Việt Nam đã nảy sinh những lực lượng mới, sự biến đổi này đã tạo điều kiện bên trong cho cuộc vận động giải phóng dân tộc theo xu hướng mới đầu thế kỉ XX.