Bài 14: Nhật Bản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918-1939)

Bài 14: Nhật Bản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918-1939)

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

I. Nhật Bản trong những năm 1918-1939

1. Nhật Bản những năm đầu sau chiến tranh (1918-1923)

a. Tình hình kinh tế Nhật Bản trong những năm đầu sau chiến tranh

- Thu được nhiều lợi trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Lợi dụng sự suy giảm kinh tế của các nước châu Âu, Nhật tăng cường sản xuất hàng hóa và xuất khẩu. Nhờ những đơn đặt hàng quân sự, sản xuất công nghiệp của Nhật tăng trưởng nhanh.

- Từ năm 1914 đến năm 1919, sản lượng công nghiệp tăng 5 lần, tổng giá trị xuất khẩu tăng 4 lần, dự trữ vàng và ngoại tệ tăng 6 lần, nhưng sau đó lâm vào khủng hoảng.

- Tàn dự phong kiến tồn tại nặng nề kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp. Giá lương thực thực phẩm đắt đỏ.

b. Tình hình chính trị - xã hội

- Giá sinh hoạt đắt đỏ, đời sống người lao động không được cải thiện.

- Phong trào của nhân dân bùng lên mạnh mẽ. Cuộc “bạo động lúa gạo” mùa thu năm 1918 lan khắp cả nước; bãi công của công nhân lan rộng ở các trung tâm công nghiệp lớn.

2. Nhật Bản trong những năm ổn định (1924-1929)

a. Về kinh tế

Năm 1926, sản lượng công nghiệp mới phục hồi và vượt mức trước chiến tranh.

Năm 1927, nước Nhật lại lâm vào cuộc khủng hoảng tài Chinh làm 30 ngân hàng ở Tôkiô bị phá sản.

Nền công nghiệp của Nhật ngày càng gặp nhiều khó khăn: nhập khẩu quá mức do khan hiếm nguyên liệu và nhiên liệu, tính cạnh tranh yếu, các nhà máy, xí nghiệp chỉ sử dụng 20-25% công suất, sức mua của người dân giảm...

b. Về chính trị

Những năm đầu thập niên 20

- Thi hành một số cải cách chính trị và giảm bớt căng thẳng trong quan hệ với các cường quốc khác.

Từ cuối thập niên 20

- Chính phủ của tướng Tanaca thi hành chính sách đối nội, đối ngoại hiếu chiến.

II. Khủng hoảng kinh tế (1929-1933) và quá trình quân phiệt hóa bộ máy nhà nước ở Nhật Bản

1. Khủng hoảng kinh tế ở Nhật Bản

- Biểu hiện của khủng hoảng: sản xuất công nghiệp đình đốn, khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nông nghiệp.

So với năm 1929, sản lượng công nghiệp năm 1931 giảm 32,5%, nông phẩm giảm 1,7 tỉ yên, ngoại thương giảm 80%.

- Hậu quả của khủng hoảng: nông dân bị phá sản, mất mùa, đói kém; 3 triệu công nhân thất nghiệp. Mâu thuẫn xã hội và cuộc đấu tranh của những người lao động diễn ra quyết liệt.

2. Quá trình quân phiệt hóa bộ máy nhà nước

- Giới cầm quyền Nhật Bản chọn con đường quân phiệt hóa bộ máy nhà nước gây chiến tranh xâm lược là do: thiếu nhiên liệu, thị trường; tác động nặng nề của khủng hoảng kinh tế; truyền thống quân phiệt của nước Nhật.

- Đặc điểm của quá trình phát xít hóa ở Nhật Bản:

+ Do Nhật Bản đã có sẵn chế độ chuyên chế Thiên hoàng nên quá trình này diễn ra thông qua việc quân phiệt hóa bộ máy nhà nước và gây chiến tranh xâm lược.

+ Quá trình quân phiệt hóa kéo dài (suốt thập niên 30) có những bất đồng trong nội bộ giới cầm quyền về thức tiến hành chiến tranh xâm lược.

- Quá trình mở rộng chiến tranh xâm lược Trung Quốc:

+ Tháng 9-1931, đánh chiếm Đông Bắc Trung Quốc.

+ Năm 1933, lập “Mãn Châu quốc” đưa Phổ Nghi lên đứng đầu chính phủ bù nhìn.

Miền Đông Bắc Trung Quốc trở thành bàn đạp của những cuộc phiêu lưu quân sự của Nhật. Nước Nhật trở thành lò lửa chiến tranh ở châu Á và thế giới.

3. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quân phiệt của nhân dân Nhật Bản

- Cuộc đấu tranh diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú, hạt nhân lãnh đạo là Đảng Cộng sản, dẫn đến phong trào thành lập Mặt trận Nhân dân, tập hợp đông đảo các tầng lớp xã hội.

- Góp phần làm chậm quá trình quân phiệt hóa bộ máy nhà nước.