Bài 11: Tình hình các nước tư bản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918-1939)

Bài 11: Tình hình các nước tư bản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918-1939)

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Thiết lập trật tự thế giới mới theo hệ thống Vécxai - Oasinhton

- Trật tự thế giới được thiết lập theo các văn kiện được kí ở Hội nghị Hòa bình Vécxai (1919-1920) và Oasinhtơn (1921 1922) gọi là hệ thống Vécxai - Oasinton. Trong đó các nước thắng trận Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản giành được nhiều quyền lợi về kinh tế và xác lập sự áp đặt, nô dịch đối với các nước bại trận, đặc biệt là các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc.

- Hội Quốc liên thành lập gồm 44 thành viên để duy trì trật tự thế giới.

2. Cao trào cách mạng 1918-1923 ở các nước tư bản. Quốc tế cộng sản

a. Cao trào cách mạng 1918-1923

- Nguyên nhân: hậu quả của chiến tranh thế giới và ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga.

- Diễn biến:

+ Đỉnh cao của phong trào là sự thành lập nước Cộng hòa Xô Viết Hungari (3-1919), Bavie (Đức 4-1919).

+ Mục tiêu của phong trào là yêu cầu về kinh tế và ủng hộ nước Nga Xô viết.

+ Để lại những bài học quí báu cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân.

b. Quốc tế cộng sản

- Bối cảnh

+ Các đảng cộng sản được thành lập ở nhiều nước. Sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới đòi hỏi phải có một tổ chức quốc tế lãnh đạo.

+ Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời của Nhà nước Xô viết.

+ Với nỗ lực hoạt động của Lênin và các nhà hoạt động quốc tế.

Tháng 3-1919, Đại hội thành lập Quốc tế Cộng sản được tổ chức ở Mátxcơva.

- Hoạt động

Từ năm 1919 đến năm 1943 tiến hành 7 đại hội

+ Đại hội II (1920), thông qua Luận cương về vai trò của Đảng cộng sản, Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa do Lênin khởi thảo

+ Đại hội VII (1935), chỉ rõ nguy cơ của chủ nghĩa phát xít, kêu gọi thành lập mặt trận nhân dân nhằm chống phát xít và chiến tranh.

3. Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 và hậu quả của nó

- Nguyên nhân: Do chạy theo lợi nhuận, hàng hóa sản xuất ồ ạt vượt quá nhu cầu trong khi sức mua giảm “cung vượt quá cầu

- Biểu hiện: hàng hóa ế thừa phải đem đổ hoặc đốt, công nhân bị thất nghiệp, nông dân bị mất ruộng đất.

- Hậu quả:

+ Tàn phá nặng nề nền kinh tế các nước tư bản, mức sản xuất bị đẩy lùi hàng chục năm.

+ Hàng chục triệu người thất nghiệp, nông dân mất ruộng sống trong hoàn cảnh nghèo đói, túng quẫn; đấu tranh những người thất nghiệp diễn ra ở khắp mọi nơi.

+ Đe dọa sự tồn vong của chủ nghĩa tư bản

- Để cứu vãn tình thế, Anh, Pháp, Mĩ... tiến hành những cải cách kinh tế xã hội và đổi mới quản lý, tổ chức sản xuất. Trong khi Đức, Italia, Nhật Bản lại phát xít hóa bộ máy thống trị, phát động chiến tranh chia lại thế giới.

4. Phong trào Mặt trận Nhân dân chống phát xít và nguy cơ chiến tranh

- Bối cảnh:

+ Chủ nghĩa phát xít lên cầm quyền ở Đức, Italia, Nhật Bản, ráo riết chạy đua vũ trang chuẩn bị chiến tranh thế giới.

+ Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản chủ trương thành lập mặt trận Nhân dân để tập hợp lực lượng chống phát xít và nguy cơ chiến tranh.

- Những người cộng sản đã thiết lập được sự thống nhất hành động với các đảng xã hội dân chủ, các lực lượng yêu nước thành lập Mặt trận Nhân dân chống phát xít ở nhiều nước.

- Ở Pháp, Mặt trận Nhân dân Pháp giành thắng lợi trong cuộc Tổng tuyển cử tháng 5-1936 và thành lập chính phủ. Phong trào Mặt trận Nhân dân Pháp đã bảo vệ được nền dân chủ của nước Pháp.

- Ở Tây Ban Nha, Mặt trận Nhân dân cũng giành thắng lợi trong Tổng tuyển cử tháng 2-1936 và Chính phủ Mặt trận Nhân dân được thành lập.

Các nước đế quốc đã giúp đỡ Phrancô gây nội chiến thủ tiêu nền cộng hòa.