Bài 10. CÁC NƯỚC TÂY ÂU

Bài 10. CÁC NƯỚC TÂY ÂU

I. Tình hình chung.

-  Về kinh tế, để khôi phục nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá nặng nề, các nước Tây Âu đã nhận viện trợ kinh tế của Mĩ theo "Kế hoạch Mác-san" (16 nước được viện trợ khoảng 17 tỉ USD trong những năm từ 1948 đến 1951). Kinh tế được phục hồi, nhưng các nước Tây Âu ngày càng lệ thuộc vào Mĩ.

- Về chính trị, Chính phủ các nước Tây Âu tìm cách thu hẹp các quyền tự do dân chủ, xoá bỏ các cải cách tiến bộ đã thực hiện trước đây, ngăn cản các phong trào công nhân và dân chủ, củng cố thế lực của giai cấp tư sản cầm quyền.

- Về đối ngoại, nhiều nước Tây Âu đã tiến hành các cuộc chiến tranh tái chiếm thuộc địa. Trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, các nước Tây Âu tham gia khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.

- Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Đức bị chia cắt thành hai nhà nước : Cộng hoà Liên bang Đức và Cộng hoà Dân chủ Đức, với các chế độ chính trị đối lập nhau. Tháng 10 - 1990, nước Đức thống nhất, trở thành một quốc gia có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhất Tây Âu.

II. Sự liên kết khu vực.

- Sau chiến tranh, ở Tây Âu xu hướng liên kết khu vực ngày càng nổi bật và phát triển. Những mốc phát triển chính của xu hướng này là:

+ Tháng 4 - 1951, “Cộng đồng than, thép châu Âu” được thành lập, gồm 6 nước: Pháp, Đức, I-ta-li-a, Bỉ, Hà Lan, Lúc-xăm-bua.

+ Tháng 3 - 1957, "Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu" và "Cộng đồng kinh tế châu Âu" (EEC) được thành lập, gồm 6 nước trên. Cộng đồng kinh tế châu Âu chủ trương xoá bỏ dần hàng rào thuế quan, thực hiện tự do lưu thông hàng hoá, tư bản và nhân công giữa 6 nước.

+ Tháng 7 - 1967, “Cộng đồng châu Âu” (EC) ra đời trên cơ sở sáp nhập 3 cộng đồng trên.

+ Sau 10 năm chuẩn bị, tháng 12 - 1991 các nước EC họp Hội nghị cấp cao tại Ma-a-xtơ-rích (Hà Lan). Hội nghị đã thông qua hai quyết định quan trọng: xây dựng một liên minh kinh tế và một liên minh chính trị, tiến tới một nhà nước chung châu Âu. Theo đòi hỏi của sự phát triển, Cộng đồng châu Âu (EC) đổi tên thành Liên minh châu Âu (EU) và từ ngày 1 - 1 - 1999, một đồng tiền chung của Liên minh đã được phát hành với tên gọi là đồng ơrô (EURO). Tới nay, Liên minh châu Âu là một liên minh kinh tế - chính trị lớn nhất thế giới, có tổ chức chặt chẽ nhất với 25 nước thành viên (2004).

III. Tóm tắt kiến thức