Bài 1: Nhật Bản

Bài 1: Nhật Bản

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Nhật Bản từ đầu thế kỉ XIX đến trước năm 1868

- Đến giữa thế kỉ XIX chế độ Mạc phủ Tôkugawa đã lâm vào khủng hoảng, suy yếu nghiêm trọng. Mâu thuẫn trong lòng xã hội phong kiến Nhật Bản trở nên gay gắt.

- Các nước phương Tây, trước tiên là Mĩ dùng áp lực quân sự buộc Nhật Bản phải kí những hiệp ước bất bình đẳng.

- Nhật Bản đứng trước sự lựa chọn: duy trì chế độ phong kiến bảo thủ hoặc tiến hành duy tân.

2. Cuộc Duy tân Minh Trị

- Những năm 60 của thế kỉ XIX phong trào đấu tranh chống Sôgun đã làm chế độ Mạc phủ sụp đổ.

- Tháng 1-1868, sau khi lên ngôi, Thiên hoàng thực hiện một loạt cải cách - cuộc Duy tân Minh Trị.

Nội dung:

+ Về chính trị: Thủ tiêu chế độ Mạc phủ, thành lập chính phủ mới, thực hiện bình đẳng giữa các công dân; ban hành kiến pháp mới, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến.

+ Về kinh tế: thống nhất tiền tệ, thị trường, cho phép mua bán ruộng đất, tăng cường phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá, cầu cống.

+ Về quân sự: quân đội được tổ chức và huấn luyện theo kiểu phương Tây, chế độ nghĩa vụ quân sự thay cho chế độ trưng binh. Chú trọng phát triển công nghiệp đóng tàu chiến, tiến hành sản xuất vũ khí, đạn dược và mời chuyên gia quân sự nước ngoài.

+ Về giáo dục: thi hành chính sách giáo dục bắt buộc, chú trọng nội dung khoa học - kĩ thuật trong chương trình giảng dạy, những học sinh giỏi đi du học phương Tây.

3. Nhật Bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa

- Biểu hiện chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa: việc đẩy mạnh công nghiệp hóa kéo theo sự tập trung trong công nghiệp, thương nghiệp và ngân hàng. Nhiều công ti độc quyền ra đời như Mitxưi, Mitsubisi... chi phối lũng đoạn kinh tế, chính trị ở Nhật Bản.

- Sự bành trướng:

+ Chiến tranh Đài Loan (1874).

+ Chiến tranh Trung - Nhật (1894-1895).

+ Chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905).

Thắng lợi trong các cuộc chiến tranh trên đã đem đến cho Nhật những nguồn lợi về đất đai và tài chính, thúc đẩy nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế.

Đặc điểm của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản là chủ nghĩa đế quốc phong kiến quân phiệt

- Công nhân Nhật Bản bị bóc lột nặng nề, vì vậy công nhân nổi dậy đấu tranh, thành lập các nghiệp đoàn. Năm 1901, Đảng Xã hội dân chủ Nhật Bản thành lập.